Phát hiện mới làm tăng hy vọng "thuộc địa hóa" Mặt trăng của loài người

VietTimes – Việc phát hiện hang động ngầm dài 50 km và rộng 100 mét ở Mặt Trăng đã tạo điều kiện để xây dựng một căn cứ không gian và bảo vệ các phi hành gia khỏi những mối nguy trên bề mặt. Điều đó cũng làm tăng hy vọng “thuộc địa hóa” Mặt trăng của loài người.
Tàu thăm dò quỹ đạo của Nhật thăm dò hang động ngầm trên Mặt trăng. Ảnh: Fox News
Tàu thăm dò quỹ đạo của Nhật thăm dò hang động ngầm trên Mặt trăng. Ảnh: Fox News

Vào tháng 10/2017, tàu thăm dò quỹ đạo của Cơ quan nghiên cứu và phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản đã khám phá ra một hang động ngầm lớn trên Mặt trăng. Hang động rộng 100 mét dài 50 km và được xem là một địa điểm tiềm năng cho một trạm không gian mặt trăng. Trên thực tế, một số chuyên gia còn khẳng định rằng cách tốt nhất để sống trên Mặt trăng là trong các hang động giống như cái vừa được phát hiện.

Người ta sử dụng sóng vô tuyến để nghiên cứu hang động sau khi máy thăm dò phát hiện thấy một miệng hố rộng 50 mét và sâu 50 mét. Theo dữ liệu thu thập được, hang động này được tạo nên bởi cấu trúc đá cứng rất vững chắc, sâu trong các lớp đá có thể chứa băng giá hay nước đóng băng để dễ dàng chuyển thành nhiên liệu.

Nghiên cứu cho biết vùng không gian này còn có thể rộng và sâu hơn nữa, thậm chí nơi rộng nhất có thể lên đến 200 mét, ở bên dưới khu vực Đồi Marius của Mặt Trăng. Nơi đây vào 3,5 tỷ năm trước có thể là một hồ dung nham nóng chảy khi hoạt động núi lửa trên Mặt Trăng lúc này còn mạnh mẽ.

Junichi Haruyama, một nhà nghiên cứu cao cấp của Cơ quan thăm dò hàng không vũ trụ Nhật Bản (Jaxa), cho biết hồ dung nham này là địa điểm thích hợp để tạo dựng các căn cứ không gian và bảo vệ phi hành đoàn khỏi những bức xạ nguy hiểm và sốc nhiệt độ. Với hang động này, một trạm không gian hy vọng sẽ sớm đạt được trong tương lai gần.

Trước kia, ý tưởng đưa sự hiện diện của con người lên mặt trăng chỉ được xem là khoa học viễn tưởng. Thậm chí gần đây, nhiều người vẫn cho rằng một dự án như vậy sẽ rất khó theo đuổi bởi nó tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, những phát triển trong công nghệ mới đây đã mang lại một cái nhìn hoàn toàn khác hẳn. Tất cả mọi thứ từ xe ô tô tự lái đến nhà vệ sinh có khả năng tái chế chất thải hiệu quả có thể giúp giảm chi phí của một trạm không gian mà giới báo chí đều đưa tin là sẽ được thực hiện vào năm 2020.

Một vấn đề quan trọng đặt ra với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ NASA là nguồn tài chính. Chương trình Apollo đưa con người lên mặt trăng vào năm 1969 tiêu tốn 150 tỷ USD. Trong khi đó, cơ quan này sẽ chỉ nhận được 19,65 tỷ đô la trong năm 2017, tăng  hơn một chút so với 19,3 tỷ đô la vào năm 2016.

Tuy nhiên, dự án căn cứ mặt trăng có thể sẽ không hoàn toàn phụ thuộc vào NASA. Các công ty tư nhân như SpaceX và các tổ chức khác như ESA có thể theo đuổi dự án theo cách của riêng họ. Trên thực tế, một số chuyên gia khẳng định rằng nhân loại sẽ chỉ có thể thiết lập một căn cứ Mặt trăng thông qua nỗ lực kết hợp các công ty tư nhân với các cơ quan không gian quốc gia.

Theo nhà khoa học McKay, Trạm vũ trụ quốc tế ISS đã chứng minh rằng các hệ thống công nghệ hỗ trợ cuộc sống của chúng ta đã đủ mạnh để hỗ trợ căn cứ Mặt trăng; chúng ta chỉ cần triển khai những công nghệ đó trên Mặt Trăng. Vào tháng 5/2017, có nhiều dấu hiệu cho thấy NASA đang theo đuổi sáng kiến khai thác mặt trăng, điều này có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội thương mại từ việc hợp tác với các công ty tư nhân.

Ông McKay cũng nói rằng, mặt trăng là một bàn đạp quan trọng "Nếu chúng ta từng có cơ sở con người trên một thế giới khác, tôi đặt cược nó sẽ ở trên Mặt trăng đầu tiên. Lợi thế về vị trí, khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất hoàn toàn lấn át những hành tinh như sao Hỏa và các tiểu hành tinh khác”. 

Nguồn: Futurism