|
"Pháo đài" tài chính giúp Nga né được các đòn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây (Ảnh: CNN) |
Động thái mới được Pháp đưa ra ngay trong lúc mà các nhà lập pháp Mỹ trở lại làm việc trong tuần này và có ít nhất 2 dự luật trừng phạt nhằm vào Nga đang chờ được họ trình lên Quốc hội.
Tuy nhiên, có nhiều nhà hoạch định chính sách và học giả đang đặt ra câu hỏi rằng, liệu việc gia tăng các đòn trừng phạt đơn phương có hữu hiệu đối với Nga hay không, trong khi có nhiều quan ngại rằng các đòn trừng phạt này còn gây tổn hại tới cả các đối tác thương mại và đồng minh của Mỹ.
Mỹ và các nước đồng minh lần đầu tiên công bố các đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga trong năm 2014, sau sự kiện Crimea trở lại là một phần của nước Nga cùng việc Washington cáo buộc Nga hậu thuẫn các nhóm ly khai ở miền Đông Ukraine.
Kể từ đó, các nhà hoạch định chính sách của Nga đã nỗ lực xây dựng một "pháo đài" tài chính trong đó ưu tiên sự ổn định kinh tế hơn là chạy theo đà tăng trưởng; nó đóng vai trò như một tấm lá chắn bảo vệ chủ quyền của đất nước đồng thời giúp cho Điện Kremlin chống đỡ các đòn trừng phạt kinh tế một cách đầy hữu hiệu mà nhiều chuyên gia phân tích cũng không thể ngờ.
Với sự giúp sức của những nhà kỹ trị đầy tài năng như bà Elvira Nabiullina - Giám đốc Ngân hàng trung ương Nga - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xây dựng được một nền tảng giúp Điện Kremlin tránh được sức ép từ bên ngoài, như các đòn trừng phạt, đồng thời củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế Nga trước những "cơn bão" kinh tế trong tương lai - dù là giá dầu xuống thấp hay một cuộc suy thoái toàn cầu.
"Phản ứng của ông Putin trước các đòn cấm vận này là: Chúng tôi đầu tư ít đi, tăng trưởng ít đi, tiêu thụ ít đi...nhưng chúng tôi tăng cường tích trữ để có thể tiếp tục vận hành các chính sách" - Anders Aslund, chuyên gia phân tích kinh tế Nga thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.
Bất chấp những lời nói đầy thiện chí mà lãnh đạo Nga và Mỹ trao cho nhau, căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp tục gia tăng, trong bối cảnh một cuộc chạy đua vũ trang đang nóng dần. Hồi đầu tháng này, ông Putin nói Nga sẽ sản xuất nhiều loại tên lửa mà trước từng bị cấm bởi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà họ ký với Mỹ. Và cuối tháng 8, ông chủ Điện Kremlin còn nói tuyên bố sẽ "đáp trả tương xứng" sau khi Mỹ thử nghiệm tên lửa từng bị cấm.
Nhưng việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự, cùng việc tham dự các đấu trường ở nước ngoài như Syria, Ukraine và Venezuela không phải là tín hiệu duy nhất cho thấy Moscow đang tích cực chuẩn bị cho các tình huống trong tương lai.
Trong thời kỳ của ông Putin, nước Nga từng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, bắt đầu từ sự tan rã của Liên Xô vào đầu những năm 1990, sau đó tới khủng hoảng tài chính năm 1998, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 và gần đây nhất là cuộc suy thoái năm 2014.
"Khi ông Putin đối diện với các thách thức về kinh tế, tôi nghĩ rằng ông ấy thường không coi trọng đà tăng trưởng mà muốn tăng khả năng sống sót trong các cuộc khủng hoảng" - Christopher Miller, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Nga tại ĐH Tufts, Mỹ, cho hay.
Kể từ năm 2014, Nga đã tăng nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới mức 500 tỷ USD (đứng thứ 4 trên thế giới), trả hết các khoản nợ nước ngoài, "thả nổi" (hạ giá) đồng Rúp để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, "phi đô-la hóa" các khoản tiền gửi nhằm tránh phụ thuộc vào hệ thống tài chính Mỹ và cân đối lại thu/chi của nhà nước.
Nga cũng thiết lập mức giá dầu "hòa vốn", bán ra với giá chỉ 40-45 USD/thùng, là mức giá mà chính phủ Nga cần có để cân bằng ngân sách của họ mỗi năm. Dầu mỏ đến nay vẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất và cũng là nền tảng xây dựng "pháo đài" tài chính của Nga.
"Nhiều người, đặc biệt Washington, vẫn thổi phồng tầm ảnh hưởng của khí đốt so với với dầu" - Edward Chow, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho hay - "Với mỗi đồng đô-la mà Nga nhận được từ việc bán dầu và khí, có 80 cent trong số đó là nhờ bán dầu và 20 cent là bán khí đốt".
Tuy nhiên, các chính sách mà Moscow áp dụng cũng có cái giá của nó, khi xáo trộn chi tiêu thường nhật của người dân Nga. GDP của Nga vẫn ở mức trì trệ kể từ năm 2014 - chỉ tăng trưởng 1-2% mỗi năm - trong khi mức lương thực tế không tăng trong suốt 5 năm và nợ tiêu dùng tăng gần gấp đôi trong cùng giai đoạn. Moscow có kế hoạch chi hàng nghìn tỷ Rúp vào các dự án quốc gia để kích thích nền kinh tế, nhưng rất khó để họ thúc đẩy được đà tăng trưởng kinh tế.
Và nếu đà tăng trưởng kinh tế Nga vẫn ở mức thấp như hiện nay, thì nền kinh tế thu hẹp dần sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nước này trước các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu.
Một số học giả phương Tây nhìn vào đà tăng trưởng thấp của Nga như một tín hiệu cho thấy Moscow đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Putin, dù có thể quan ngại về ảnh hưởng dài hạn, không xem đó là một cuộc khủng hoảng.
"Tổng thống Putin quan tâm hơn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô bởi ông ấy giành sự tập trung vào chủ quyền" - ông Aslund nhận định - "Ông ấy ít tập trung vào đà tăng trưởng".
Trong lúc mà Tổng thống Putin đang tìm kiếm sự thay thế cho SWIFT - hệ thống chi trả ngân hàng toàn cầu của phương Tây - và tăng cường hợp tác với Trung Quốc, rõ ràng là việc phương Tây cố gắng cô lập Nga không còn là vấn đề gì to tát nữa.
Các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia ở châu Âu và Mỹ sẽ còn phải tranh luận nhiều để vạch ra hướng tiếp cận tốt nhất đối với Nga, nhưng họ không thể phớt lờ những "tấm lá chắn" kinh tế mà Tổng thống Putin và giới hoạch định chính sách Nga đã dựng lên.
Trong trường hợp Mỹ tiếp tục đưa ra các đòn trừng phạt chống Nga một cách đơn phương mà không có sự đồng thuận của các nước đồng minh cũng như các đối tác thương mại, nó có thể gây tổn hại cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã rạn nứt do những động thái khó lường của Tổng thống Donald Trump.
(Theo CNN)