VietTimes từng đề cập đến sự nghi ngại của các nhóm cổ đông còn lại ở Kim Liên Tourism với ý tưởng của nhóm “bầu” Thụy trong việc đổi đời Khách sạn Kim Liên.
PTFinance là một trong số ấy.
"Tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2016 đã ủy quyền cho Chủ HĐQT tìm kiếm đối tác để hợp tác đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để triển khai thực hiện dự án nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy có báo cáo về việc triển khai dự án. Đề nghị HĐQT, Đoàn chủ tịch cung cấp thông tin, báo cáo ĐHĐCĐ và cho biết từ năm 2016 đến nay công ty đã làm gì, đã tìm kiếm đối tác ra sao, đã làm những công việc cụ thể gì về tìm kiếm đối tác đầu tư, nhà đầu tư chiến lược” - đại diện PTFinance chất vấn trong phiên ĐHĐCĐ hôm 19/01 vừa rồi của Kim Liên Tourism.
Song ý kiến của PTFinance có lẽ chỉ mang tính tham khảo. Bởi tỷ lệ sở hữu 6,69% của PTF là không đủ để tiếng nói của họ có trọng lượng, kể cả cho đằng sau PTF là doanh nhân quyền lực bậc nhất Hà thành: đại gia Nguyễn Thị Nga, người thường được thuộc cấp gọi với sự tôn kính là “Madame” Nga.
SeABank của “Madame” Nga chi ra 710 tỷ đồng – mức giá được cho là cao - để sở hữu trọn vẹn 100% vốn của PTF vào đầu năm 2018, khi mà cuộc chơi ở Kim Liên Tourism đã an bài. Trước đó gần 3 năm, Thaigroup của đại gia Ninh Bình Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy) đã làm chủ 52,43% cổ phần Kim Liên Tourism sau phiên đấu giá gây sốc với nhiều người.
Mức độ chi phối thực của nhóm “bầu” Thụy không chỉ dừng lại ở con số đó. Bởi không lâu sau phiên đấu giá, một DN thân Thaigroup, là CTCP Tư vấn Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình, cũng đã gom toàn bộ 6,62% vốn Kim Liên Tourism từ CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP Invest).
Nhóm “bầu” Thụy cũng được cho là có đã tham gia đấu giá 26,9% cổ phần Kim Liên Tourism từ GPBank vào tháng 4/2018, dù chưa có bằng chứng xác đáng.
Tuy vậy, dữ liệu mới đây của VietTimes đã xác thực việc CTCP Thai Holdings - công ty con của Thaigroup - hoàn tất thâu tóm 17,2% cổ phần Kim Liên Tourism từ 4 cá nhân (Dương Văn Dũng, Trịnh Thị Hoài Phương, Nguyễn Văn Hà, Đinh Duy Quỳnh) trong nửa đầu 2019, Mức giá mua được xác nhận là không quá 310.000 đồng/cp.
Như vậy, tạm tính cổ phần của 3 pháp nhân thân hữu đã nêu, nhóm “bầu” Thụy đã nắm tới 76,72% cổ phần Kim Liên Tourism – mức thừa đủ để chi phối hầu hết các quyết sách của công ty.
Với cơ cấu sở hữu như vậy, vị đại gia đất Ninh Bình có lý do để không phải sốt ruột trước sự xuất hiện của “Madame” Nga ở Kim Liên Tourism. Ông cũng không có quá nhiều động lực để gom nốt lượng cổ phần mà các cổ đông khác đang nắm giữ, kể cả 6,69% cổ phần của PTFinance - nếu không nhận được mức giá tốt.
Trong một diễn biến liên quan, PTFinance vừa thông báo đã “ế” toàn bộ 465.505 cổ phiếu Kim Liên Tourism rao bán. Trước đó, cuối năm 2019, doanh nghiệp của Madame Nga đã tính đường rút khỏi Kim Liên Tourism khi đăng ký bán toàn bộ số cổ phần đang sở hữu tại đây theo phương thức thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến kéo dài từ ngày 31/12/2019 đến 31/1/2020.
Nhóm “bầu” Thụy là người mua khả dĩ nhất cho lô cổ phần này, bởi ít nhà đầu tư nào muốn tham gia một cuộc chơi đã có chủ. Nhưng như đã phân tích, ông chủ Thaigroup đang có thế “ép giá”, kể cả bên bán là “Madame” Nga.
Theo tìm hiểu, cuối năm 2017, Thaigroup đã thế chấp toàn bộ cổ phần 3.647.433 Kim Liên Tourism đứng tên tập đoàn (theo Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần số KL0425 ngày 02/02/2016) tại LienVietPostBank - Chi nhánh Ninh Bình./. |