“Bầu” Thụy, Khách sạn Kim Liên và “cái giá trên trời” của GPBank

VietTimes -- Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) đang chào bán toàn bộ 1.870.970 cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên (Khách sạn Kim Liên) với giá khởi điểm 305.053 đồng/cổ phần.
“Bầu” Thụy, Khách sạn Kim Liên và “cái giá trên trời” của GPBank. (Ảnh: Internet)
“Bầu” Thụy, Khách sạn Kim Liên và “cái giá trên trời” của GPBank. (Ảnh: Internet)

Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá dự kiến sẽ được tổ chức vào 08h30 ngày 27/04/2018 tại HNX.

Nhà tổ chức sẽ bắt đầu nhận đăng ký và tiền đặt cọc từ 8h00 ngày 29/03/2018 đến 15h30 ngày 19/04/2018 (Sáng từ 8h00 – 12h00; chiều từ 13h30-17h00 các ngày làm việc).

Thời gian nộp phiếu đăng ký đấu giá chậm nhất vào 16 giờ 00 phút ngày 24/04/2018.

Với mức giá khởi điểm 305.053 đồng cho một cổ phần mệnh giá 10.000 đồng – gấp hơn 30 lần, Khách sạn Kim Liên sẽ là một trong những tổ chức được thoái vốn có giá cao bậc nhất trên HNX. Dự kiến, GPBank sẽ thu về tối thiểu 570,7 tỷ đồng từ thương vụ.

Động lực của “bầu” Thụy

Cập nhật đến ngày 16/03/2018, GPBank hiện là một trong bốn cổ đông lớn của Khách sạn Kim Liên, với 1.870.970 cổ phần nắm giữ, tương ứng tỷ lệ sở hữu 26,89%. Ngoài ra, 69,571 tỷ đồng vốn điều lệ của của tổ chức được đấu giá này tập trung ở: CTCP Tập đoàn Thaigroup (52,43%); Công ty Tài chính Bưu điện – PTFinance (6,69%), CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu – GP Invest (6,62%).

Các cổ đông nhỏ lẻ hiện nắm giữ hơn 512 nghìn cổ phần Khách sạn Kim Liên, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,37%.

Với cơ cấu sở hữu trên, Thaigroup của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy) sẽ có nhiều động lực để hành động trong phiên thoái vốn của GPBank. Thâu tóm thêm toàn bộ hoặc một phần trong số 1.870.970 cổ phần mà GPBank thoái sẽ giúp đại gia đất Ninh Bình củng cố và đảm bảo quyền quyết định tuyệt đối tại Khách sạn Kim Liên.

Hiện, xét theo quy mô cổ phần, GPBank đang là đối trọng lớn nhất của Thaigroup tại Khách sạn Kim Liên. Đáng nói, sau khi bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, GPBank đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Cộng thêm việc Công ty tài chính Bưu điện – cổ đông lớn thứ ba – cũng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thì thực tế, sau cuộc thoái vốn lịch sử của SCIC vào cuối năm 2015, các cổ đông Nhà nước vẫn đang nắm giữ 33,58% cổ phần Khách sạn Kim Liên.

Chưa kể trong 7,37% cổ phần được liệt kê cho các cổ đông khác và 6,62% của GP Invest, cũng không loại trừ khả năng có phần sở hữu gián tiếp/thậm chí là trực tiếp từ cổ đông Nhà nước.

Thực tế, theo Điều lệ công ty đã được Khách sạn Kim Liên sửa đổi bổ sung tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, thì vẫn còn rất nhiều chủ trương/vấn đề của công ty chỉ được thông qua khi có sự tán thành của các cổ đông đạt diện cho ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp (Nếu tất cả các cổ đông đều dự họp, tỷ lệ này đồng nghĩa với tỷ lệ sở hữu).

Một số chủ trương/vấn đề khác đòi hỏi sự tán thành của ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

Rõ ràng với tỷ lệ sở hữu 52,43% hiện có – dù đã nắm giữ quyền lực rất nhiều theo Luật Doanh nghiệp 2014 – Thaigroup vẫn sẽ cần gom thêm một lượng cổ phần nữa, để đảm bảo Khách sạn Kim Liên là một thành viên đúng nghĩa của tập đoàn và được tập đoàn chi phối tuyệt đối mọi quyết sách.

“Cái giá trên trời ấy”

Cuối năm 2015, Thaigroup đã gây sốc dư luận khi bỏ giá 274.200 đồng/cổ phiếu Khách sạn Kim Liên trong phiên thoái vốn của SCIC. Mức giá đấu này đã vượt tới 9 lần so với giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần và bỏ xa các đối thủ khác, như Hanoituorist, REE, Cường Thịnh Thi.

Tập đoàn đến từ tỉnh lẻ Ninh Bình đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để nhận 3,6 triệu cổ phần khách sạn Kim Liên. Nhấn mạnh là nhà đầu tư về nhì trong phiên đấu giá này, đã bỏ thấp hơn Thaigroup tới 380 tỷ đồng cho lô cổ phiếu của SCIC.

Cơ hồ khách sạn Kim Liên có chôn cả kho vàng dưới đất thì mới trả được cái giá trên trời ấy”, người viết vẫn nhớ cái chép miệng và vẻ mặt ngao ngán của một nhà đầu tư đã thất bại trong phiên đấu giá sáng 22/12/2015 tại HNX.

Mức giá “trên trời” mà “bầu” Thủy đã trả cách đây hơn 2 năm dĩ nhiên sẽ trở thành một bằng chứng định giá quan trọng để GPBank và đơn vị tư vấn của mình đưa ra mức giá khởi điểm 305.053 đồng/cổ phần cho lô 1.870.970 cổ phần Khách sạn Kim Liên sẽ được đem ra đấu giá trong ngày 27/4 tới đây.

Lưu ý, mức giá khởi điểm này cao gấp 10 lần so với mức giá khởi điểm mà SCIC đã chào và cao hơn 30.853 đồng so với mức giá đấu thành công mà Thaigourp đã trả cách đây hơn 2 năm. Nó càng “khủng” hơn nếu xét theo quy mô bán: mua 3,6 triệu cổ phần từ SCIC sẽ trở thành công ty mẹ sở hữu hơn 52% Khách sạn Kim Liên – ý nghĩa hơn rất nhiều so với lô 26,89% mà GPBank đang rao bán.

Theo thông tin trong BCTC của Khách sạn Kim Liên, thì sau khi về tay “bầu” Thụy, kết quả kinh doanh của công ty này đã có rất nhiểu khởi sắc. Từ mức lỗ 34 tỷ đồng trước thuế của 2015, năm 2016 công ty đã báo lãi 7,5 tỷ đồng và tiếp tục báo lãi  8,9 tỷ đồng trong năm 2017.

Doanh thu cũng liên tục được cải thiện, đạt mốc 142,9 tỷ đồng trong 2017; Tổng tài sản đạt 78,7 tỷ đồng – chốt tại thời điểm cuối năm.

Tuy nhiên, những con số trên bảng cân đối kế toán hay báo cáo kết quả kinh doanh sẽ không phải là nguồn gốc cho mức giá “trên trời” của khách sạn Kim Liên.

"Giấc mơ" Khu phức hợp

Ai cũng hiểu, giá trị của công ty này ẩn ở 3,5 ha đất án ngữ ngay cửa ngõ phía Nam của Hà Nội – nơi tọa lạc của Khách sạn Kim Liên, cơ sở lưu trú lâu đời bậc nhất Thủ đô.

9 tòa nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng mà Khách sạn Kim Liên đang khai thác trên lô đất này có thể không mang lại nhiều lợi ích nhưng chỉ cần một phần trong 3,5 ha đất này được chuyển đổi thành một dự án bất động sản đã đủ cho giới chủ hồi vốn.

Vấn đề là Khách sạn Kim Liên không sở hữu lô đất, họ chỉ được thuê sử dụng từ Hà Nội. Nhưng hãy nhớ, 3,5 ha đất này đã được khách sạn Kim Liên thuê dài hạn: “Tháng 9/2014 UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho Công ty du lịch Kim Liên thuê 3,5ha đất với hạn thuê đất 50 năm kể từ năm 1993”, tương ứng, thời hạn thuê đất còn tới năm 2043.

Đây là một điều kiện thuận lợi để phát triển dự án bất động sản, nếu Khách sạn Kim Liên xin được chủ trương và hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho việc chuyển đổi.

Thực tế, việc này đã và đang được “bầu” Thụy tiến hành.

“Thực trạng Khu đất hiện nay của Công ty là đất công cộng đô thị và có tuyến đường đia qua Khu đất của Công ty. Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đang chỉ đạo Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H 1-3 (trong đó có Khu đất của Khách sạn Kim Liên). Vì vậy, ngay hiện nay, Công ty cần phải có những tác động, tham gia ý kiến đối với UBND Thành phố trong việc định hướng chức năng Khu đất để chuyển đổi từ đất công cộng thành đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, ở) để phù hợp với định hướng phát triển của Công ty và quy hoạch thành phố. Vì vậy, việc triển khai các thủ tục có liên quan là hết sức cấp bách. Trên cơ sở đó, việc đầu tư, xây dựng mới đối với Khu đất của Khách sạn cho phù hợp với quy hoạch chung của UBND thành phố và công ty là cấp thiết”, ông Nguyễn Đức Thụy viết trong một văn bản vào tháng 9/2016, trên tư cách Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Kim Liên.

Trên phân tích này, “bầu” Thụy đã đề xuất các cổ đông Khách sạn Kim Liên thông qua: (1) Việc cần thiết phải triển khai đầu tư và xây dựng Khu phức hợp Khách sạn Kim Liên tại số 5 – 7 Đào Duy Anh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội; (2) Việc giao, ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT được tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai Dự án sớm nhất; giao, ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT được chủ động trong việc tìm kiểm, huy động các nguồn vốn khác nhau, tìm kiếm các đối tác để cùng hợp tác đầu tư với Công ty và triển khi thực hiện Dự án; đồng thời giao, ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT triển khai thực hiện các công việc khác có liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án”.

Lao tâm khổ tứ cho dự án Khu phức hợp Khách sạn Kim Liên, hẳn “bầu” Thụy sẽ khó lòng đứng yên để nhà đầu tư khác thâu tóm 27% cổ phần công ty mà GPBank đang rao bán…

CTCP Du lịch Kim Liên có 9 tòa nhà, gồm 430 phòng ngỷ trong đó có 79 phòng khu 4 được Tổng cục Du lịch công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao trong thời hạn 3 năm (QĐ số 817/QĐ-TCDL ngày 31.12.2014), số phòng còn lại chỉ đạt tiêu chuẩn 2 sao và nhà nghỉ du lịch.

Ngày 02/08/2016, Tổng cục Du lịch đã có quyết định thu hồi công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch 3 sao đối với Khách sạn Kim Liên với lý do cơ sở vật chất của khách sạn đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục của Khách sạn không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn kinh doanh của Khách sạn và không đáp ứng các tiêu chuẩn của Khách sạn 3 sao./.