|
"Một trong những điểm bất ổn lớn nhất hiện nay của kinh tế Việt Nam là mức độ phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng lớn", GS. Trần Văn Thọ nói. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Đọc phần 1: Để Việt Nam thành nước có thu nhập cao năm 2045
Đọc phần 2: Cơ hội để Việt Nam thành hình mẫu phát triển hậu Covid
Nhiều năm sinh sống, giảng dạy, nghiên cứu tại Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ tỏ ra ấn tượng với tinh thần dân tộc của giới doanh nhân tại quốc gia này, cũng như đất nước láng giềng - Hàn Quốc. "Các doanh nhân những nước này đều xuất phát từ tinh thần dân tộc rất cao, họ xác định họ làm vì đất nước trước, họ muốn đất nước họ phát triển".
Vị chuyên gia từng từng là Ủy viên chuyên môn trong Hội đồng kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản và hiện là thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng, muốn "hóa rồng" thì Việt Nam nhất định phải có được lớp doanh nhân như vậy. Doanh nhân phải có lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc thì kinh tế mới phát triển; ý chí vươn lên cạnh tranh, chiếm lĩnh mới bền bỉ.
"Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển", GS. Thọ kiến nghị. "Khi doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai, họ sẽ nuôi dưỡng, phát huy tinh thần dân tộc".
Doanh nghiệp chớm lớn đã vội bán cho nước ngoài
- Bài học thành công của những nước Đông Á đã vươn lên đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến chỉ sau 30-40 năm như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy họ đã xây dựng được một tầng lớp doanh nhân có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có khát vọng lớn, dám chinh phục và chiếm lĩnh những thị trường nước ngoài.
Theo Giáo sư quan sát, Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ doanh nhân như vậy hay chưa?
GS. Trần Văn Thọ: Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam cũng đã có được một số tập đoàn tư nhân lớn và đang phát triển mạnh như Vingroup, Thaco, Vietjet Air, Hòa Phát… Họ là những doanh nghiệp đã bứt phá lên hẳn một tầm cao khác so với đại đa số doanh nghiệp tư nhân còn lại.
Nhưng số doanh nghiệp như vậy còn đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta cũng chưa có được những công ty đưa ra được những sản phẩm ngày càng chiếm được vị trí trên thị trường thế giới, khiến Việt Nam tự hào.
Nhật Bản có Toyota, Sony, Canon… hay Hàn Quốc có Samsung, Huyndai, những cái tên được cả thế giới biết đến và là niềm tự hào của đất nước họ. Còn thật khó để kể tên một công ty Việt Nam mà được quốc tế biết đến rộng rãi.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và hàng ngày vẫn phải vật lộn với bài toán sinh tồn nên rất khó để lớn lên. Chưa kể có hiện tượng gần đây, một số doanh nghiệp mới lớn lên, bắt đầu có thương hiệu nhưng lại bán đi cho nước ngoài, như Kinh Đô, Nguyễn Kim,… được bán cho doanh nghiệp Thái Lan.
|
Doanh nhân phải có lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc thì kinh tế mới phát triển. Ảnh Internet. |
Điều này rất khác với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Các doanh nhân những nước này đều xuất phát từ tinh thần dân tộc rất cao, họ xác định họ làm vì đất nước trước, họ muốn đất nước họ phát triển. Sau nhiều chục năm họ giàu có nhờ nỗ lực bản thân và nhờ đem lại lợi ích cho xã hội.
Ibuka Masaru, người sáng lập Công ty Sony, đã nói trong bài diễn văn ngày thành lập công ty (năm 1946) như sau: "Phải đem công nghệ đóng góp vào sự phục hưng của tổ quốc chúng ta". Giữa cảnh hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, câu nói đó trở thành tiêu biểu của tinh thần yêu nước.
- Phải bán doanh nghiệp mình đã dày công gây dựng mấy chục năm cho nước ngoài chưa chắc đã là điều mà những doanh nhân này mong muốn. Nhưng có thể vì họ chưa đủ tin tưởng vào tương lai nên chọn phương án an toàn là bảo toàn tài sản, bán cho doanh nghiệp ngoại lấy một số tiền lớn rồi cùng con cái ra nước ngoài định cư. Giáo sư nghĩ sao?
GS. Trần Văn Thọ: Có thể là đúng như vậy. Doanh nhân Nhật Bản, Hàn Quốc tự tin và yên tâm tập trung phát triển, chiếm lĩnh thị trường vì họ được chính phủ tạo điều kiện và hỗ trợ hết mình.
Tôi có đề nghị Thủ tướng cần quan tâm đến hiện tượng này. Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển và cũng phải tạo điều kiện để họ nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Khi doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai, họ sẽ nuôi dưỡng, phát huy tinh thần dân tộc.
Doanh nhân phải có lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc thì kinh tế mới phát triển; ý chí vươn lên cạnh tranh, chiếm lĩnh mới bền bỉ. Khi ấy, tôi tin chẳng những họ tiếp tục giữ thương hiệu mà còn có thể thâu tóm thương hiệu nước ngoài để làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
|
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam cũng đã có được một số tập đoàn tư nhân lớn và đang phát triển mạnh như Vingroup. Ảnh Internet. |
Khó lớn lên vì vấp nhiều rào cản
- Lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã xác định doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của phát triển kinh tế Việt Nam. Nhưng theo đánh giá của Giáo sư, khu vực kinh tế tư nhân đã thực sự thể hiện được vai trò đó?
GS. Trần Văn Thọ: Việt Nam đã đặt mục tiêu là kinh tế tư nhân phải đóng góp từ 40-60% GDP trong tổng thu nhập quốc dân. Nhưng hiện trạng hiện nay cho thấy chúng ta đang còn cách rất xa mục tiêu này.
Như tôi đã đề cập nhiều lần, một trong những điểm bất ổn lớn nhất hiện nay của kinh tế Việt Nam là mức độ phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng lớn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới 50% sản xuất công nghiệp, 70% xuất khẩu, như vậy là quá lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân, chiếm khoảng 10% GDP, phần lớn là nhỏ bé, luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai. Quy mô quá nhỏ nên họ không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng cách tân công nghệ, dẫn đến năng suất thấp.
Theo tính toán của Giáo sư Ohno, năng suất của khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam vào năm 2015 chỉ độ 30 triệu VNĐ trên một lao động (theo giá cố định 2010), trong khi năng suất của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 200 triệu VNĐ.
- Vì sao lại như vậy, thưa Giáo sư?
GS. Trần Văn Thọ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm chạp của chúng ta trong phát triển kinh tế tư nhân, song vấn đề chính vẫn là tư duy, được thể hiện trong hệ thống cơ chế chính sách.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ vì môi trường kinh doanh khó khăn (phí tổn hành chính quá lớn) và khó tiếp cận với vốn và đất đai để đầu tư. Thị trường các yếu tố sản xuất từ lao động, vốn đến đất đai không phát triển nên thành ra doanh nghiệp tư nhân gặp quá nhiều rào cản để có thể lớn lên được.
Đó là chưa kể đến những chuyện mà báo chí đã phản ánh rất nhiều, như hiện tượng doanh nghiệp liên tục phải đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra. Có những giám đốc doanh nghiệp đã phải kêu trời vì một tháng tiếp đến 9 đoàn kiểm tra, từ phòng cháy chữa cháy, tới tuân thủ luật lệ lao động, vân vân… Vậy thì họ còn thời giờ đâu để tập trung vào chuyện làm ăn, kinh doanh nữa.
Chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân
- Ở phần trước, Giáo sư đã phân tích vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước. Vậy theo Giáo sư, Chính phủ có thể làm gì để nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển?
GS. Trần Văn Thọ: Việt Nam cần cùng lúc có chính sách khôn ngoan chọn lựa doanh nghiệp FDI và chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đồng thời phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng.
Đối với vấn đề thu hút FDI, đây là thời điểm bước ngoặt để xét lại toàn bộ chiến lược, chính sách, cơ chế quản lý FDI khi Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đón làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang các nước khác.
Chúng ta không thể tiếp tục cách tiếp cận thu hút FDI bằng mọi giá, dẫn đến nền kinh tế ngày càng phụ thuộc trầm trọng vào bên ngoài như hiện nay, mà chỉ nên ưu tiên những dự án tốt, có hàm lượng công nghệ và tri thức cao, những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng đầu tư.
Đặc biệt, cần khuyến khích, tạo điều kiện để các dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước vì liên doanh mới tạo điều kiện cho công ty trong nước tiếp cận trực tiếp với công nghệ và tri thức kinh doanh để sau này làm chủ được các nguồn lực đó.
Trường hợp cho phép 100% vốn nước ngoài phải được xem xét là ngoại lệ, dành cho những dự án công nghệ rất cao, có sức lan toả ra nhiều ngành khác.
Mặt khác, để công nghệ và tri thức kinh doanh lan tỏa từ dự án FDI sang các khu vực khác của nền kinh tế, cần có chính sách thúc đẩy sự liên kết hàng dọc (vertical linkages) giữa FDI với các công ty trong nước.
|
Việt Nam đã đặt mục tiêu là kinh tế tư nhân phải đóng góp từ 40-60% GDP trong tổng thu nhập quốc dân. Ảnh Internet. |
Nghĩa là phải khuyến khích các dự án FDI tích cực dùng nguyên liệu và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước, qua đó doanh nghiệp FDI sẽ chuyển giao công nghệ, truyền đạt tri thức, chỉ đạo quản lý để các công ty trong nước cung cấp hàng đủ chất lượng và với giá thành thích đáng.
Điều kiện để thực hiện được những điểm này là nội lực phải mạnh, cụ thể là phải có nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh mới liên doanh được hoặc hình thành liên kết hàng dọc với doanh nghiệp FDI. Nói cách khác, Nhà nước cần có những bước đi thích hợp để củng cố, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh các nỗ lực hoàn thiện cơ chế thị trường, phát triển các thị trường vốn, lao động và đất đai, Chính phủ cần có các biện pháp chính sách hỗ trợ cụ thể hơn.
Ví dụ như, cần có cơ chế khuyến khích cho tư nhân mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước. Làm như vậy để cổ phần vẫn chủ yếu thuộc về doanh nghiệp trong nước.
Những lĩnh vực mà Nhà nước không cần làm thì nên cổ phần hoá để tư nhân tham gia. Dĩ nhiên, vẫn có ngoại lệ, doanh nghiệp nước ngoài có thể giữ cổ phần chi phối.
Gần đây, một số tập đoàn tư nhân lớn mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như Vingroup sản xuất xe hơi, điện thoại thông minh…
Đây là những hoạt động cần được hoan nghênh, khuyến khích bởi Việt Nam không thể công nghiệp hoá thành công nếu các doanh nghiệp lớn nhất chỉ làm bất động sản. Nhà nước phải ủng hộ để họ thành công.
Nói cách khác, năng lực quản trị nhà nước phải được nâng tầm thì vai trò nhà nước kiến tạo phát triển mới được phát huy thực chất, thay vì dừng lại ở những khẩu hiệu.
- Xin cảm ơn Giáo sư!