Phải nghiên cứu thật, làm thật, có sản phẩm thật

Các nhà khoa học trước đây quay cuồng trong mớ bòng bong chứng từ, hóa đơn thanh quyết toán, khiến họ phải “nói dối" và sự ra đời của thông tư 27 được kỳ vọng là bước đột phá để tăng cường hiệu quả các công trình nghiên cứu khoa học. Nhưng  làm thế nào để Thông tư 27 đi vào cuộc sống?

PGS TS Đinh Văn Nhã trình bày tham luận tại hội thảo khoa học.
PGS TS Đinh Văn Nhã trình bày tham luận tại hội thảo khoa học.

Thông tư liên bộ 27/2015-BKHCN-BTC được xem là “cởi trói” cho các nhà khoa học nhưng, làm thế nào để thông tư này đi vào cuộc sống và liệu chỉ thông tư này đã đủ sức giải quyết được hết những hạn chế mà bấy lâu nay giới khoa học gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước? Giáo sư, Viện sĩ,TSKH Đinh Văn Nhã, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (*) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này. 

Thưa ông, câu chuyện hóa đơn chứng từ làm mất rất nhiều thời gian của các nhà khoa học khi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã được nhắc đến từ lâu. Từng tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, ông có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?

- Thường các nhà khoa học mà chủ yếu là chủ nhiệm đề tài phải chịu trách nhiệm pháp lý về công việc. Riêng về các thủ tục thanh quyết toán,(tôi nói tiếng nói chung cho các nhà khoa học)  là chúng tôi phải mất ít nhất 1/3 thời gian. Đó là sự lãng phí vô cùng lớn đối với các nhà khoa học. Thực ra, những chính sách trước đây là rào cản rất lớn làm các nhà khoa học nhụt chí, thậm chí không muốn làm. Tôi từng chủ trì nhiều đề tài khoa học nhưng tự rút ra bài học là tự đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu và tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ từ doanh nghiệp hay các nguồn khác ngoài Nhà nước. Làm như vậy chúng tôi cảm thấy hiệu quả hơn và cũng thấy “thoáng” hơn. Chính điều đó đã đưa chúng tôi đến đích là đã đoạt hai Giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo  KHCN Việt Nam-VIFOTEC năm 2000, 2004 , Giải thưởng , Huy Chương Vàng WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới của LHQ và Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2005. Những kết quả đấy không phải tự nhiên có được mà là do sự vận động linh hoạt, dám nghĩ dám làm và sáng tạo rất lớn của các nhà khoa học.

Chính những công trình đó của chúng tôi đã làm lợi hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước và Doanh nghiệp so với nhập ngoại tương đương về chất lượng. Sản phẩm dây chuyền Công nghệ sản xuất bia của tập thể tác giả chúng tôi ( Tập đoàn POLYCO- Viện OMEGA...) cũng đã được Hà Nội bầu chọn liên tục từ năm 2007 đến nay 2016  là “ Sản phẩm Công nghiệp Chủ lực của Thành phố Hà Nội” đến nay đã chiếm trên 70-75% thị phần các Nhà máy sản xuất Bia chất lượng cao trong cả nước. Nhiều công trình trong đó chúng tôi làm ( EPC)-Tổng thầu toàn bộ trong cả nước đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất cao và được khắp nơi đón nhận, chào mừng sản phẩm nội nhưng chất lượng ngoại, đã xuất khẩu hơn 20 nước ( như Bia Sài gòn xanh, lùn, Bia Sagota, Bia Sài gòn đỏ, Bia Hà nội, Bia 333, Bia Halida, Nada, ....Sữa chua Vinamilk, Dứa cô đặc Quỳnh Lưu và nhiều sản phẩm khác...)

Ngoài những nội dung liên quan đến chứng từ, việc nhận các đề tài dự án sử dụng ngân sách nhà nước thì các nhà khoa học còn vấp phải những rào cản gì khác nữa? Những rào cản này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng nghiên cứu, thưa ông?

- Rào cản rất nhiều. Hóa đơn chứng từ phải hợp thức hóa một cách không cần thiết. Tôi cho rằng vấn đề khoán rất quan trọng. Khoán đến sản phẩm cuối cùng có nghĩa là căn cứ vào sản phẩm cuối cùng của đề tài và một khi đã khoán rồi thì các nhà khoa học không thể tự tiện, không thể vô trách nhiệm và cũng không thể làm cái gì không hiệu quả để đưa ra trình làng được. Việc cần là làm cho các nhà khoa học có tính tự trọng cao, có trách nhiệm cao và có quyết tâm lớn khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Mục tiêu của nhà khoa học là được nghiên cứu, được làm việc và được cống hiến. Vì vậy, họ cũng cần được Nhà nước trả công và vinh danh  xứng đáng với sự cống hiến đó.

Vậy khi ban hành Thông tư 27, ông có nhận xét gì?

- Tôi cho rằng, Thông tư 27 ra đời là một cải cách rất quan trọng đối với các nhà khoa học vì sẽ gỡ bỏ nhiều rào cản lâu nay đối với các nhà khoa học khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là một sáng kiến lớn mà đáng ra phải làm từ lâu rồi.

Trong các điểm mới của Thông tư 27, ông cho rằng điểm nào quan trọng nhất?

- Tôi thấy có nhiều điểm mới, như khoán về nội dung, khoán về công việc… Đây là những điểm được các nhà khoa học đón nhận một cách hồ hởi. Nhưng có một điều tôi cảm thấy e ngại. Đó là việc quản lý thanh quyết toán vẫn rất chặt chẽ, vẫn cần có hóa đơn VAT đầy đủ, nhiều mục “Theo quy định tài chính  hiện hành?!”... Tuy “mở” nhưng vẫn là “nút thắt”. Theo tôi, đã khoán thì nên khoán gọn.

Mặc dù Thông tư 27 trao quyền chủ động hơn cho các nhà khoa học nhưng đồng thời cũng yêu cầu trách nhiệm cao hơn so với những quy định cũ, đúng vậy không thưa ông?

- Tôi nghĩ các nhà khoa học sẽ phải có trách nhiệm cao hơn. Nhà nước đặt ra một cơ chế rất rõ ràng là hoàn thành thì sẽ được nghiệm thu, còn không hoàn thành thì sẽ không được nghiệm thu và phải đền. Điều đó có nghĩa là phải nghiên cứu thật,làm thật, có sản phẩm thật. Điều đó cũng buộc các nhà khoa học không thể vô trách nhiệm trước những vấn đề được giao và phải cân nhắc kỹ trước khi nhận nhiệm vụ. Tôi cũng hy vọng các nhà khoa học nên hướng tới những vấn đề mà xã hội cần, phải có hiệu quả  đích thực, cấp thiết chứ không phải chỉ làm những cái gì mình có mà xã hội chưa cần.

Vậy theo ông, Thông tư 27 cần được áp dụng, triển khai như thế nào để đạt hiệu quả cao?

- Theo tôi, để đề tài nghiên cứu thành công thì phải có đặt hàng cụ thể. Nội dung đặt hàng phải phù hợp với nội dung của Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia. Nhiệm vụ đặt ra phải đúng, có tầm nhìn, kết nối được nhiều nhà khoa học, giao đúng người đúng việc. Tôi cho rằng khi đặt hàng nhiệm vụ cần dựa trên các yếu tố: đúng nội dung, có tầm nhìn, khuyến khích nhà khoa học, có đủ nguồn lực, có kế hoạch chi tiết. Khi nhận đơn đặt hàng, các nhà khoa học cũng phải quyết tâm thực hiện và có như vậy mới thành công được.

Tuy “cởi trói” cho các nhà khoa học nhưng đây cũng không phải là “cây gậy thần” để giải quyết hết tất cả các vấn đề, có đúng vậy không thưa ông?Ông nghĩ sao khi “nhà khoa học phải hoàn trả kinh phí từ 40-100%” nếu không hoàn thành nhiệm vụ?

- Việt Nam có câu “bắn không nên phải đền đạn”. Tôi nghĩ nhà khoa học phải có trách nhiệm khi thực hiện và có tự trọng khi không hoàn thành. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, nghiên cứu khoa học có đặc thù riêng, không ai lường hết được rủi ro, vì vậy, việc xác định đầu bài rất quan trọng để làm sao nội dung nghiên cứu thực sự cần thiết, có khả năng ứng dụng cao. Tôi từng đến thăm Thung lũng Silicon ở Mỹ, nơi đầu tư chỉ hy vọng thành công ở mức 1/10 nhưng chỉ cần 1/10 ấy đã có thể bù đắp cho 9/10 thất bại. Tôi nghĩ cũng không nên đặt vấn đề quá nặng nề khiến nhà khoa học không dám nhận nhiệm vụ, bởi 1/10 đề tài thành công có thể đủ sức bù lại 9/10 đề tài không thành công. Chúng ta cần lấy hàm mục tiêu là tính mới, tính sáng tạo, tính hiệu quả, tính phổ cập và tính nhân rộng của nghiên cứu làm thước đo về sự thành công. Ngay 9/10 thất bại cũng sẽ là “mẹ của thành công” trong tương lai và bài học lớn về đào tạo “kỹ năng” cho các Nhà Khoa học trưởng thành để sau không thất bại nữa!

Xin cảm ơn ông đã trao đổi.

(*) GS.VS. Đinh Văn Nhã đồng thời là Viện trưởng Viện KHCN & Đào tạo OMEGA, Phó TGĐ Tập đoàn POLYCO, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Chuyên gia Cao cấp Quốc tế, Thành Viên Ban Lãnh đạo Kinh tế Toàn cầu Châu Á- Thái Bình Dương.