Phải chăng ở Syria, lịch sử Việt Nam, Triều Tiên đang diễn lại?

VietTimes -- Ngày 13.02.2018, trong cuộc họp các Bộ trưởng thuộc Liên minh toàn cầu chống IS tại thành phố Kuwait, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cập đến những kết quả đạt được của liên minh chống IS, cảnh báo rằng "cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa kết thúc".
Ngoại trưởng Mỹ Mỹ Rex Tillerson, kêu gọi đầu tư vào tái thiết Iraq trong cuộc họp Bộ trưởng liên minh toàn cầu chống khủng bố ở thành phố Kuwait - ảnh Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Mỹ Rex Tillerson, kêu gọi đầu tư vào tái thiết Iraq trong cuộc họp Bộ trưởng liên minh toàn cầu chống khủng bố ở thành phố Kuwait - ảnh Reuters

Ông Tillerson thừa nhận rằng liên minh chống khủng bố đạt được những tiến bộ vượt bậc nhưng cảnh báo rằng "sự thất bại lâu dài của IS ở Iraq và Syria có nghĩa là tất cả các thành viên của liên minh chống khủng bố phải tiếp tục ủng hộ và duy trì những nỗ lực làm ổn định tình tình xã hội và tái thiết hạ tầng sau sự thất bại của IS. Điều này có nghĩa là, liên minh tiếp tục cung cấp các khoản viện trợ cho những nỗ lực đảm bảo an ninh, cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho các cộng đồng, hiện đang mới bắt đầu tái xây dựng".

Ngoại trưởng Tillerson cũng đề cập về tình hình tại Afrin và chiến dịch Nhành Olive của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tuyên bố rằng "chiến dịch này làm suy giảm một phần nỗ lực trong cuộc chiến của chúng tôi nhằm đánh bại IS trên miền đông Syria". Ông Tillerson cho biết sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần để thảo luận về vấn đề này.

Phải chăng ở Syria, lịch sử Việt Nam, Triều Tiên đang diễn lại? ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ phát biểu trong cuộc hội thảo kêu gọi đầu tư vào Iraq từ các quốc gia khác trong Liên minh toàn cầu chống khủng bố - ảnh Reuters

Trong cuộc hội thảo kêu gọi các nhà đầu tư cho Iraq tái thiết sau chiến tranh, ngoại trưởng Rex Tillerson đã bác bỏ những phát biểu cho rằng, Mỹ hỗ trợ quá ít ở Syria. Ông nhấn mạnh, Washington hiện đang kiểm soát một phần lớn các mỏ dầu và một vùng rộng lớn lãnh thổ của quốc gia này. Những gì nằm trong quyền kiểm soát của Nhà Trắng cho phép Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến tình hình cuộc chiến ở Syria.

Ông Tillerson cho biết: "Mỹ và các lực lượng liên minh (Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chủ lực là các đơn vị dân quân người Kurd (YPG) đã đánh bại IS, hiện đang kiểm soát đến 30% lãnh thổ Syria, kiểm soát một số lượng lớn dân số, kiểm soát một số lượng lớn các mỏ dầu của Syria. Từ những thống kê sơ bộ này, nhận xét rằng Mỹ không gây được ảnh hưởng hoặc không đóng vai trò trong việc hỗ trợ Syria là sai".

Ông Tillerson nói thêm rằng Mỹ đã rất "năng động" trong cái gọi là định dạng Geneva", làm việc tích cực những đại biểu có tiếng nói của phe đối lập để thống nhất các nhóm đối lập, hướng cho lực lượng này đạt được mục đích đặt ra, Mỹ cũng đang làm việc rất rất gắn kết với Nga. Đây là nước có ảnh hưởng lớn nhất đến chế độ Assad, nhờ có sự thúc đẩy của Mỹ, Nga đã đưa Assad và chính quyền Damascuss đến với bàn đàm phán ở Geneva".

Theo tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ, Washington hiện đang hợp tác với "một nhóm lớn các đối tác", từ những góc nhìn khác nhau có thể thấy, Washington đang hỗ trợ đển hướng đên một nước Syria thống nhất, dân chủ, với người Syria quyết định tương lai của họ thông qua hiến pháp mới và cuộc bầu cử. Bằng cách tiếp cận của mình, Mỹ đang hỗ trợ rất lớn người dân Syria tìm kiếm một tương lai cho quốc gia này".

Những hoạt động của Liên minh toàn cầu chống khủng bố trong những ngày gần đây, kể từ ngày 07.02.2018, khi không quân liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, sử dụng một cụm không quân lớn, bao gồm cả không quân chiến lược B-52 và Gunship C-130 tấn công quân đội Syria dọc theo sông Euphrates cho thấy Mỹ đang nỗ lực biến dòng sông này trở sông Bến Hải của Việt Nam và biến định dạng Geneva trở thành kết quả của hiệp định Hiệp định Geneva năm 1954 tại Việt Nam.

Ý đồ này được làm rõ thêm khi ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Washington và lực lượng liên minh quân sự người Kurd (YPG, YPJ), các nhóm nổi dậy cái gọi là “Quân đội Syria tự do FSA” người Ả rập, các nhóm chiến binh Ả rập cực đoan khác thuộc lực lượng SDF đang kiểm soát hơn 30% diện tích, một số lượng lớn dân cư và nguồn tài nguyên to lớn của Syria cho thấy, sông Euphrates có thể sẽ trở thành sông Bến Hải của Việt Nam trong tương lai không xa.

Người Mỹ sẽ không quan tâm đến người Kurd ở Afrin, thậm chí ngay cả trong khu vực SDF đang kiểm soát, Washington vẫn có thể từng bước loại trừ người Kurd ra khỏi quyền lực và thay vào đó bằng một bộ máy hỗn hợp người Kurd, người Ả rập nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà Trắng để chia cắt lâu dài vùng lãnh thổ này.
Không loại trừ cả trường hợp, Mỹ có thể thành công kết nối các địa bàn của các nhóm Quân đội Syria tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vào vùng đất người Kurd đang kiểm soát để trở thành một quốc gia ly khai mới, chia cắt vĩnh viễn lãnh thổ Syria với vùng diện tích lên đến gần 50%. Điều đó có nghĩa là, ở Syria, lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, Triều Tiên đang diễn lại. 
TTB