|
Google dịch là công cụ dịch thuật trực tuyến được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới (ảnh: YouTube) |
Báo cáo trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết một thực trạng rất nguy hiểm đang tồn tại nghiêm trọng là rất nhiều bí mật Nhà nước bị lọt, lộ bí mật trên mạng Internet. Thực trạng nguy hiểm này cần phải có giải pháp công nghệ để khắc phục càng sớm càng tốt.
Trong bối cảnh hiện nay, máy tính của các cơ quan Nhà nước đều được nối mạng và hacker đều có thể sử dụng kiến thức và công cụ của mình để thâm nhập và đánh cắp bí mật. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể phòng vệ được nếu các chủ sở hữu đầu tư hệ thống bảo mật thông tin một cách thỏa đáng. Song vẫn còn một nguyên nhân nữa dẫn đến vấn nạn lộ bí mật. Đó là việc sử dụng các hệ thống hỗ trợ dịch thuật trực tuyến như của Google để dịch các văn bản của Nhà nước.
Từ khi Google cho ra đời công cụ dịch thuật trực tuyến của mình đến nay, người dùng hoàn toàn được sử dụng miễn phí. Chính vì lý do đó và với một số lượng đông đảo người sử dụng công cụ tra cứu của Google toàn cầu, cộng đồng người sử dụng về dịch thuật của Google cũng rất đông. Là một công cụ được xây dựng trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và càng có đông người sử dụng, công nghệ dịch thuật của Google liên tục được cập nhật và hoàn chỉnh nhờ chính cộng đồng người dùng. Đó cũng chính là lý do khiến đội ngũ công chức nhà nước không ít người đã ỷ lại vào công cụ này. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, nhất là lại được sử dụng miễn phí thì đương nhiên nguy cơ lộ bí mật nhà nước là rất cao khi các văn bản được dịch thuật bằng Google.
Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng nguy hiểm này? Đương nhiên, giải pháp công nghệ là cài đặt có bản quyền và sử dụng các phần mềm hỗ trợ dịch thuật một cách chính thức và chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng các công cụ miễn phí trực tuyến như của Google.
Nhiều năm qua, không ít cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ dịch thuật với những khoản đầu tư không hề ít tiền. Điển hình có thể nói đến phần mềm EV Trans của nhóm phần mềm Softech thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ), Vietgle của công ty Lạc Việt và Bocohan của công ty Viegrid. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Softech đã dừng phát triển công nghệ dịch thuật từ lâu và tập trung vào từ điển đa ngữ. Vietgle thì cũng không mấy phát triển và chỉ có Bocohan là còn trụ được trên thị trường với số lượng khách hàng cũng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Đâu là nguyên nhân khiến các công cụ dịch thuật này chưa thực sự chiếm lĩnh được thị trường? Theo ông Lê Vũ Khánh – nguyên phiên dịch cao cấp của Văn phòng Chính phủ, vấn đề nằm ở chính sách chứ không phải là công nghệ.
Chính vì thế, Nhà nước cần sớm có chính sách cấm tuyệt đối việc sử dụng các công cụ dịch thuật miễn phí trên Internet để phục vụ nhu cầu của các cơ quan nhà nước mà trước hết là với các bộ, ban ngành, cơ quan nghiên cứu chiến lược. Có được chính sách này, bí mật nhà nước sẽ được an toàn hơn do không còn cảnh sử dụng Google để dịch thuật văn bản nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm sản phẩm hỗ trợ dịch thuật cũng thực sự có được thị trường cho mình và thu được tiền để tái đầu tư cho sản phẩm của mình ngày càng hoàn chỉnh hơn.