Tại thị trường Bắc Mỹ, PayPal đang ở thời kỳ đỉnh cao. Là gã khổng lồ trong thanh toán di động toàn cầu, tốc độ mở rộng ngày càng trở nên cấp thiết đối với PayPal.
Mặc dù PayPal hiện có 300 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động, hỗ trợ giao dịch bằng hơn 100 loại tiền tệ trên khắp thế giới và đứng đầu trong phần mềm thanh toán toàn cầu, nhưng hãng vẫn phải mất một thời gian để bước ra khỏi vùng an toàn.
Sau khi đại dịch dần được kiểm soát, một làn sóng mua bán và sáp nhập mới đã đến. Dữ liệu mới nhất từ JP Morgan Chase cho thấy kể từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, các hoạt động M&A toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục và hoạt động mua lại bằng đòn bẩy đạt mức cao nhất kể từ năm 2007. Có thể dự đoán rằng năm 2021 sẽ là một năm lớn đối với các giao dịch mua lại.
Nếu trước đây PayPal Mafia (thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm cựu nhân viên PayPal nắm giữ quyền lực và sức ảnh hưởng lớn tại Thung lũng Silicon. Họ là những người đàn ông có giá trị hàng tỉ USD) đã tạo nên huyền thoại ở Thung lũng Silicon và thậm chí là giới doanh nhân công nghệ toàn cầu, thì giờ là thời điểm hoàn hảo để PayPal mở rộng và bứt phá.
Ảnh: Sina |
Mơ ước về "siêu ứng dụng"
PayPal luôn thể hiện quyết tâm với thế giới bên ngoài rằng họ đang chuyển đổi từ một nền tảng thanh toán thuần túy sang một nền tảng thương mại điện tử đa dạng, hướng tới mục tiêu trở thành "siêu ứng dụng" tài chính đỉnh cao ngoài các dịch vụ thanh toán, kinh doanh và tài chính.
PayPal gần đây đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sang một số dịch vụ ngân hàng nhất định, bao gồm tài khoản tiết kiệm năng suất cao, dịch vụ chuyển tiền mặt bằng séc và chức năng đầu tư chứng khoán. Đồng thời, PayPal cũng tung ra chức năng mua và thanh toán sau của riêng mình - Pay in 4. Hàng hóa và dịch vụ từ 600 USD có thể sử dụng chức năng thanh toán Pay in 4 này, tức là trả góp thành 4 lần không lãi suất.
Đồng thời, các hoạt động mua bán và sáp nhập của PayPal cũng đang tăng tốc.
Ảnh: Sina |
Ngày 13/5, PayPal thông báo mua lại Happy Returns, một nhà cung cấp cho phép người mua sắm trực tuyến tiếp cận với những cách dễ dàng hơn để trả lại hàng hóa không mong muốn cho các nhà bán lẻ mà không cần phải tự đóng gói và vận chuyển chúng. Số tiền cụ thể của thương vụ mua lại chưa được tiết lộ. Ngay từ năm 2019, khi PayPal đầu tư 11 triệu USD vào Happy Returns, hãng đã tính toán mô hình kinh doanh về lợi nhuận sau bán hàng của thương mại điện tử.
Happy Returns, có trụ sở chính tại Santa Monica, một khu nghỉ mát ở California, là một công ty thương mại điện tử trẻ được thành lập vào năm 2015 khi PayPal tách khỏi eBay.
Dịch bệnh đã gia tăng số lượng người mua sắm trực tuyến ở thị trường Bắc Mỹ, đồng thời trực tiếp dẫn đến những tác động gián đoạn trong quá trình đổi trả hàng của người tiêu dùng và nhà bán lẻ.
Với sự hỗ trợ của PayPal, Happy Returns sẽ tập trung vào việc cải thiện nền tảng để cung cấp cho khách hàng một cách xử lý hàng trả lại liền mạch, hiệu quả về chi phí và thân thiện với môi trường.
Đối với PayPal, thương vụ mua lại này đánh dấu một bước tiến khác trong sự phát triển của công ty, mở rộng từ xử lý thanh toán sang mảng hậu mãi của thương mại điện tử.
Bên cạnh Happy Returns, PayPal đã chuyển sự chú ý sang Curv sau khi các cuộc đàm phán để mua công ty giao dịch và lưu ký tiền mã hóa BitGo thất bại vào năm ngoái.
Vào ngày 3/3, PayPal đã thông báo chính thức rằng họ đang mua lại Curv, một công ty bảo mật tiền mã hóa của Israel, với giá 500 triệu USD. Hiện tại, thương vụ vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, theo một người trong cuộc, giá mua không dưới 200 triệu USD.
PayPal không phải là công ty duy nhất có hứng thú với Curv. Trước đây, Curv đã từ chối đề xuất mua lại bộ phận tiền mã hóa Novi của Facebook.
Curv là một công ty bảo mật tiền mã hóa đi tiên phong trong việc sử dụng điện toán đa bên hoặc MPC để bảo vệ tài sản. Không giống như các công nghệ lưu trữ truyền thống, MPC thường dựa vào toán học và điện toán đám mây để ngăn truy cập trái phép, trong khi các công nghệ lưu trữ truyền thống thường dựa vào ví kỹ thuật số phân phối khóa đến nhiều nơi khác nhau.
Ảnh: Sina |
Tất nhiên, với tư cách là một gã khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán, việc PayPal mua lại Curv là một phần trong "tham vọng tiền mã hóa" lớn hơn của họ, bao gồm hợp tác với ngân hàng trung ương để phát triển stablecoin riêng.
Đồng thời, vì Curv hợp tác với một số công ty nổi tiếng trong ngành công nghiệp tiền mã hóa tập trung vào thị trường châu Âu như eToro và FalconX, điều này cũng gián tiếp chỉ ra rằng PayPal dự định mở rộng hoạt động kinh doanh tiền mã hóa của mình ra bên ngoài Mỹ và cung cấp dịch vụ ở phạm vi rộng hơn.
Vào tháng 10 năm ngoái, PayPal đã hợp tác với Paxos để cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa và dự định mua lại các công ty bảo mật tiền mã hóa có liên quan.
Vào năm 2020, khi giá Bitcoin tăng trở lại, tiền mã hóa là lĩnh vực mà nhiều công ty tài chính công nghệ tham vọng. Coinbase, hiện là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ, đã công bố doanh thu năm 2020 vượt 1,3 tỉ USD và lợi nhuận ròng hàng năm cao tới 320 triệu USD.
GoPay, tham vọng của PayPal vào Trung Quốc
Đầu năm nay, PayPal thông báo đã hoàn tất việc mua lại 70% cổ phần của GoPay (Guofubao Information Technology), PayPal trở thành nền tảng thanh toán nước ngoài đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc.
GoPay có giấy phép cho các giao dịch trực tuyến, di động và chủ yếu cung cấp các sản phẩm thanh toán cho các ngành công nghiệp như thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới, du lịch hàng không và các ngành khác.
Ảnh: Sina |
Mục tiêu kinh doanh tại Trung Quốc của PayPal là trở thành một siêu ứng dụng thâm nhập vào cuộc sống của người dùng và là chuẩn mực cho thanh toán bằng Alipay hoặc WeChat.
Alipay thành lập muộn hơn 5 năm so với PayPal, từng được gọi là "PayPal của China", nhưng quỹ đạo phát triển của cả hai khá khác nhau:
PayPal vẫn tập trung vào thanh toán trực tuyến, nhưng Alipay đã trở thành một ứng dụng trải dài trên nhiều loại hình dịch vụ tài chính trong hơn một thập kỷ.
Tuy nhiên, thị trường thanh toán Trung Quốc hiện đang dưới tầm kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, nổi cộm nhất hiện nay là Ant Group của Zack Ma. Do đó, liệu PayPal có thể phá vỡ vòng vây và mang lại bước tiến lớn hơn cho lĩnh vực thanh toán Trung Quốc hay không là điều đáng mong đợi.
"Hoặc hướng tới tái sinh, hoặc hướng tới cái chết"
Lời nói của huyền thoại âm nhạc Bob Dylan cũng phù hợp với sự thăng trầm của PayPal trong hơn hai thập kỷ.
PayPal hiện có 180 triệu người dùng Mỹ, hoàn toàn áp đảo bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trong lĩnh vực thanh toán và có nhiều khả năng phát triển thành công ty lớn nhất trong thị trường thanh toán di động Mỹ.
Sau khi Giám đốc điều hành Dan Schulman tiếp quản PayPal vào năm 2015, ông đã từng bước chuyển đổi hoạt động kinh doanh của PayPal từ một công ty dẫn đầu về sản phẩm thanh toán thành một công ty dựa trên nền tảng và tung ra một loạt các sản phẩm công nghệ tài chính hàng đầu trong ngành.
Đại dịch không chỉ mang lại sự thịnh vượng cho ngành thương mại điện tử mà còn cả các ngành cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại điện tử, chẳng hạn như thanh toán, trả hàng, hậu cần,... PayPal đã đạt được mức tăng trưởng lịch sử vào năm 2020. Việc giới thiệu các tính năng mới không chỉ theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử mà còn đáp ứng nhu cầu về các công cụ chuyển tiền và thanh toán trực tuyến linh hoạt do dịch bệnh mang lại.
Ngày nay, PayPal không chỉ có dịch vụ hậu mãi Happy Returns mà còn vận hành dịch vụ phiếu giảm giá kỹ thuật số Honey, giao dịch Moneymo và ứng dụng xử lý thanh toán Venmo.
Ngoài ra, trong năm nay, PayPal đã thực hiện 18 thương vụ mua lại các công ty công nghệ tài chính khởi nghiệp. Mua lại luôn là yếu tố cốt lõi cho việc mở rộng sản phẩm và là chất xúc tác cho con đường tái sinh sau này của PayPal.
Honey: Vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử PayPal
Thâu tóm công ty thương mại điện tử Honey với giá 4 tỉ USD là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của PayPal.
Với hơn 17 triệu người dùng, Honey theo dõi thay đổi giá trên các trang web của nhà bán lẻ nhưng cũng có thể tự động nhập mã phiếu giảm giá khi người dùng thực hiện thanh toán trực tuyến. Nếu không có phiếu giảm giá, Honey có thể cung cấp điểm khách hàng thân thiết để có thể đổi thành thẻ quà tặng.
"Chúng tôi tin rằng thương vụ mua bán này sẽ cho phép PayPal kết nối với người dùng không chỉ trên trang thanh toán của các trang web thương mại điện tử mà sẽ cho phép chúng tôi tiến xa hơn trong lĩnh vực mua sắm," theo ông Dan Schulman.
Sự thật đã chứng minh rằng điều này đã mở đường cho Paypal tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử và cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho người tiêu dùng và người bán.
iZettle: Thương vụ mua lại lớn thứ hai của PayPal
Trước khi mua lại Honey, vào tháng 5/2018, PayPal đã mua lại iZettle, một công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính của Thụy Điển, với giá 2,2 tỉ USD, đây là quy mô mua lại lớn nhất vào thời điểm đó.
Là công ty đầu tiên phát triển các giải pháp thương mại di động, iZettle rất nổi tiếng trong ngành. iZettle được thành lập vào năm 2010 có trụ sở tại Stockholm chuyên cung cấp cho các doanh nghiệp đầu đọc thẻ tín dụng thu nhỏ để biến những chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng thành công cụ có thể thực hiện thanh toán.
iZettle là đối thủ cạnh tranh chính của Square (SQ), thương vụ này sẽ cho phép PayPal mở rộng vào mảng kinh doanh thiết bị đầu cuối thanh toán bán lẻ tại các thị trường quốc tế, nơi hãng sẽ cạnh tranh với công ty Square được thành lập bởi giám đốc điều hành của Twitter là Jack Dorsey.
Venmo: Viên ngọc quý của PayPal
Ảnh: Sina |
PayPal mua lại Venmo vào năm 2013. Mặc dù khối lượng thanh toán của Venmo chỉ chiếm một phần nhỏ trong các dịch vụ di động của PayPal và nó cũng gặp phải sự cạnh tranh từ các công ty lớn như Apple, Venmo vẫn là một nền tảng phát triển nhanh chóng.
Mặc dù ví kỹ thuật số của PayPal có nhiều chức năng, nhưng Venmo là một sản phẩm hoàn toàn khác vì nó là một nền tảng thanh toán được xây dựng dựa trên các chức năng xã hội. Nền tảng này khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm của họ sau mỗi giao dịch và thúc đẩy giao tiếp xung quanh việc mua hàng của họ. Loại tương tác này giống như quảng cáo miễn phí cho các doanh nghiệp.
Có thể thấy từ xếp hạng hoạt động nền tảng thanh toán của Mỹ trong thời gian đại dịch năm ngoái, người dùng hoạt động hàng tháng của Venmo đứng đầu trên thị trường, cao hơn so với các nền tảng thanh toán tương tự Cash App và Chase Mobile. Thông qua Venmo, PayPal đã giới thiệu khả năng chuyển tiền mặt bằng séc và triển khai thanh toán bằng mã QR tại các cửa hàng trên khắp Mỹ.
PayPal kiếm tiền từ Venmo bằng cách cho phép người dùng thanh toán tại các địa điểm bán hàng, sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thực hiện chuyển khoản P2P (công nghệ mạng thanh toán ngang hàng online).
Vào tháng 5, CoinDesk cho biết trên Twitter rằng PayPay và Venmo sẽ sớm hỗ trợ ví tiền mã hóa của bên thứ ba. Vào thời điểm đó, người dùng sẽ có thể gửi tài sản tiền mã hóa của họ đến ví của bên thứ ba mà không cần phải giữ chúng trên bất kỳ nền tảng nào.
Tuy nhiên, PayPal vẫn chưa tiết lộ khi nào sẽ mở chức năng trích xuất mã hóa. Việc áp dụng công nghệ mã hóa của PayPal có một chiến lược rõ ràng, đó là theo thời gian, tỷ lệ người dùng tài sản kỹ thuật số đã tăng lên nhanh chóng. Paypal hiện chỉ cung cấp dịch vụ tiền mã hóa ở Mỹ. Mục tiêu cuối cùng là triển khai công nghệ mã hóa dựa trên blockchain toàn cầu để xây dựng cầu nối cho các khoản thanh toán tài chính trong tương lai.
Đánh giá từ các vụ mua bán và sáp nhập khác nhau và sự phát triển của công ty trong hai năm qua, PayPal là một trong số ít công ty nhận thấy sự phát triển của thương mại điện tử mang lại lợi ích bền vững lâu dài trong thời kỳ đại dịch.
Khi các ngân hàng truyền thống luôn "nhòm ngó" miếng bánh trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, hoạt động kinh doanh của các ông lớn công nghệ đang nở rộ, PayPal sẽ không bao giờ thiếu đối thủ.
Dịch bệnh và chống độc quyền không kìm hãm được PayPal, mà còn giúp PayPal đi xa hơn. PayPal ngày càng tiến xa hơn trên con đường mua bán và sáp nhập, liệu nó sẽ trở nên lớn mạnh hơn, hay một ngày nào đó lại trở thành mục tiêu của những người chơi lớn hơn, thời gian sẽ cho câu trả lời.
Theo Sina