Parkson làm ăn ra sao trước khi ‘tắt lịm’ tại Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Parkson – hãng bán lẻ nổi tiếng đến từ Malaysia - từng có chuỗi 9 trung tâm thương mại ở Việt Nam. Nhưng thời kỳ ‘vàng son’ ấy đã là dĩ vãng. Nhiều năm nay, Parkson Việt Nam cố gắng gồng lỗ. Nhưng...

Năm 2008, Parkson gây ấn tượng với các tín đồ mua sắm ở Hà Nội với việc cho khai trương Trung tâm Thương mại Parkson Việt Tower.

Nằm ngay tại một trong những ngã tư sầm uất của Thủ đô (nút giao Tây Sơn – Thái Hà), bên trong trung tâm thương mại của Parkson khi ấy là hàng trăm gian hàng bán những sản phẩm mang thương hiệu thời trang nổi tiếng, những loại nước hoa đắt tiền.

Sau sự kiện trên, ‘giai đoạn vàng’ của chuỗi bán lẻ hàng hiệu này ở Việt Nam kéo dài thêm vài năm, trước khi gặp khó bởi áp lực cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ khác.

Để rồi, hôm 27/4 vừa qua, Hội đồng quản trị của Parkson Retail Asia Limited (PRA) đã phát đi thông cáo về việc Công ty TNHH Parkson Việt Nam (Parkson Việt Nam) – công ty con do PRA sở hữu gián tiếp – sẽ nộp đơn phá sản lên Tòa án Nhân dân Tp. HCM vào ngày 28/4 để bắt đầu thủ tục phá sản.

PRA cho biết, Parkson Việt Nam có lịch sử hoạt động thua lỗ. Những năm gần đây, dưới tác động của dịch Covid-19, lỗ lũy kế của Parkson Việt Nam tiếp tục phình to.

Ban lãnh đạo PRA đã đánh giá và xác định việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam không có tính khả thi về mặt thương mại, do đó việc nộp đơn phá sản trong thời điểm này là phù hợp và có lợi nhất cho Parkson Việt Nam.

Parkson làm ăn ra sao?

Parkson là một trong những thương hiệu siêu thị bán lẻ hàng hiệu quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB) – thành viên của Lion Group (Malaysia), Parkson đã mở trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2005, rồi sau đó phát triển thành chuỗi trung tâm thương mại cao cấp ở Hà Nội, Tp. HCM và Hải Phòng. Theo dữ liệu của VietTimes, tới tháng 11/2007, Parkson Việt Nam mới được thành lập.

Đến năm 2012, Parkson có 8 trung tâm thương mại ở Việt Nam, trong đó có 5 trung tâm thương mại sở hữu là Viet Tower, Landmark, Hùng Vương, Flemington, Long Biên và 3 trung tâm thương mại thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon và C.T. Bên cạnh đó, Parkson còn có 1 trung tâm thương mại tại Hải Phòng.

Parkson sau đó còn công bố sẽ tiếp nhận thêm 2 thương mại nữa, tại Tp.HCM, dưới dạng hợp đồng quản lý, là Parkson Cantavil (Quận 2) và Parkson Leman (Quận 3).

Kết quả kinh doanh của Parkson Việt Nam được cập nhật theo niên độ tài chính bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào ngày 30/6 của năm kế tiếp

Kết quả kinh doanh của Parkson Việt Nam được cập nhật theo niên độ tài chính bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào ngày 30/6 của năm kế tiếp

Cuối năm 2013, dẫn lời trên VNExpress, cựu CEO Parkson Việt Nam Tham Tuck Choy bày tỏ tin tưởng thị trường Việt Nam vẫn đầy tiềm năng trong tương lai nên vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư. Ông cũng cho biết tập đoàn này đang thăm dò nhiều dự án đầu tư tại các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Nẵng, Biên Hòa, Vũng Tàu, Cần Thơ... và kỳ vọng sẽ có mặt tại các thành phố lớn này trong một tương lai không xa.

Trung thành với mô hình kinh doanh nhắm vào giới thu nhập cao, kể từ năm 2015, Parkson tỏ ra đuối sức trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ, khi các đối thủ tận dụng ‘khoảng trống’ phân khúc khách hàng thu nhập trung bình khá mà tập đoàn này bỏ lại. Dữ liệu của VietTimes cũng thể hiện, doanh thu của Parkson tại Việt Nam có chiều hướng giảm kể từ năm 2015.

Giai đoạn 2015 – 2018, Parkson cho đóng cửa tới 4 trung tâm thương mại, ở Keangnam (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Hà Nội), Parkson Viet Tower (Hà Nội), Parkson Paragon (TP HCM), và Parkson Flemington (TP.HCM).

Đáng chú ý, trong năm tài chính 2015, PRA bất ngờ ghi nhận khoản lỗ tới 79,1 triệu SGD (khoảng 1.240,5 tỉ đồng) tại Parkson Việt Nam. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ vụ huỷ hợp đồng thuê tại toà nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) trước thời hạn.

Giai đoạn 2017 - 2022, Parkson Việt Nam chỉ báo lãi 1 lần duy nhất trong niên độ tài chính 2021, sau khi công ty mẹ PRA bán trung tâm mua sắm Parkson TD Plaza tại Hải Phòng với giá 10 triệu USD (13,8 triệu SGD). Bên mua là Công ty Xây dựng và Thương mại Thuỳ Dương, trụ sở tại Hải Phòng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, công ty này báo lỗ trở lại 1,9 triệu SGD (33,7 tỉ đồng) ở thị trường Việt Nam.

Giữa lúc kinh doanh khó khăn, đại dịch Covid-19 như cú bồi hạ gục Parkson Việt Nam. Như đã đề cập ở đầu bài viết, HĐQT PRA đã phát đi thông cáo về việc Parkson Việt Nam sẽ tiến hành thủ tục phá sản.

Văn bản của HĐQT PRA cho hay, việc thiếu sự hỗ trợ từ chủ mặt bằng (không giảm tiền thuê hoặc giảm tiền thuê không đáng kể) trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, trong khi các cửa hàng của Parkson Việt Nam bị hạn chế hoạt động đã tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Do vậy, PRA đã đánh giá và xác định rằng việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là không khả thi về mặt thương mại và hội đồng quản trị của Parkson Việt Nam nhận định, việc nộp đơn phá sản là phương án tối ưu nhất./.