Sina Trung Quốc ngày 6/5 cho hay, trải qua nhiều năm bay thử và cải tiến, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 Trung Quốc đã định hình và bước vào giai đoạn trang bị, năm 2017 sẽ bàn giao ít nhất 12 chiếc cho Không quân Trung Quốc, do đó sẽ đủ để thành lập một đại đội đường không. Sau đó, mỗi năm Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 8 – 12 chiếc.
Sau khi đã giải quyết được vấn đề then chốt, đó là động cơ Thái Hành B, tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng trong sử dụng động cơ nội của máy bay chiến đấu J-20 đạt khoảng 8,2 – 8,5, cơ bản đáp ứng nhu cầu tác chiến.
Vấn đề động cơ máy bay từ lâu luôn là điểm yếu của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc. Trung Quốc tích cực chào hàng máy bay chiến đấu để tìm cách xuất khẩu kiếm tiền, nhưng kết quả còn hạn chế.
Đáng chú ý, theo sina, gần đây, Pakistan đã giận dữ, tuyên bố từ chối mua máy bay chiến đấu F-16 phiên bản cải tiến của Mỹ, cân nhắc chuyển sang mua máy bay chiến đấu Su-35 Nga hoặc, J-10, J-20 Trung Quốc.
Có quan chức Không quân Pakistan cho rằng, các nhà quyết sách Pakistan có xu hướng tìm nguồn cung máy bay tin cậy từ Nga và Trung Quốc, thay vì Mỹ như trước đây.
Sự thay đổi về thái độ này của Pakistan là do Mỹ lo ngại Pakistan tiết lộ công nghệ máy bay chiến đấu F-16 phiên bản cải tiến cho Trung Quốc, do đó, Mỹ tỏ thái độ do dự trong việc cung cấp máy bay F-16 mới cho Pakistan, đã hủy bỏ viện trợ quân sự.
Được biết, hiện nay, phiên bản cải tiến mới nhất của máy bay chiến đấu F-16 do Công ty Lockheed Martin phát triển là F-16 Block60 (lô thứ 60).
Hệ thống vũ khí của F-16 mới sẽ được cải tiến mạnh mẽ và toàn diện, tính năng sẽ có thể sánh ngang với máy bay chiến đấu Typhoon châu Âu và Rafale Pháp – những máy bay này thuộc thế hệ 3+. Máy bay F-16 mới lại có giá cả thấp hơn hai loại máy bay trên.
Đáng chú ý, một số nội dung cải tiến rất có lợi cho tăng cường tính năng chiến đấu của F-16 như ở nơi kết hợp giữa cánh và thân đã tăng thêm 2 thùng dầu với mỗi cái có dung tích 1.900 lít, giúp cho bán kính tác chiến của máy bay mới tăng thêm 1/3 so với máy bay chiến đấu F-16 hiện có.
Ngoài ra, sẽ cải tạo radar điều khiển hỏa lực APG-78 có ăng-ten quét điện tử. Đây là một trong những radar đa chế độ tiên tiến nhất thế giới hiện nay, mô hình đối không của nó có khả năng tiếp tục tìm kiếm máy bay chiến đấu khác của đối phương khi theo dõi, tấn công nhiều mục tiêu trên không.
Mô hình đối đất bao gồm tìm kiếm và theo dõi các loại mục tiêu mặt đất, đồng thời có chức năng theo dõi địa hình và đề phòng đụng độ.
Lô máy bay chiến đấu F-16 thứ 60 này có thể đánh trả máy bay chiến đấu J-10B/C mới nhất của Trung Quốc. Đây là một trong những điểm hấp dẫn, rất thu hút đối với những khách hàng như Pakistan.
Nhưng, điều đáng tiếc là Pakistan đã bị Mỹ nghi ngờ như đã nói ở trên. Trong trò chơi địa-chính trị mới, Pakistan rõ ràng phải lựa chọn được-mất trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Hiện nay, Pakistan được Trung Quốc ưu ái trong hợp tác kỹ thuật quân sự. Được biết, chương trình hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu JF-17 Thunder giữa Trung Quốc và Pakistan đã bước vào giai đoạn Block3, thậm chí đã bắt đầu chế tạo máy bay huấn luyện chiến đấu JF-17B hai chỗ ngồi.
Trong 20 năm tới, Pakistan có nhu cầu mua sắm 190 máy bay, cho nên, chỉ dựa vào máy bay chiến đấu JF-17 thì không thể đáp ứng.
Do đó, trang tin sina Trung Quốc cho rằng, nếu Pakistan kiên trì thì có thể mua máy bay chiến đấu J-31, loại máy bay chiến đấu tàng hình do Trung Quốc sản xuất dùng để xuất khẩu. Nhưng, đây vẫn chỉ là câu chuyện của tương lai.
Lê Việt Dũng