Ông Vance: Châu Âu không thể “vĩnh viễn lệ thuộc” Mỹ trong vấn đề an ninh

Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance cho biết lục địa này đầu tư quá ít vào an ninh và điều đó cần phải được thay đổi.
Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance. Ảnh: Getty.

Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance cho biết châu Âu không thể tiếp tục là “bên lệ thuộc an ninh vĩnh viễn” vào Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không có lợi cho cả hai bên.

Bình luận của ông được đưa ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và châu Âu liên quan tới một số vấn đề, bao gồm xung đột Ukraine, trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các thành viên NATO khác tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.

Trong một cuộc phỏng vấn với UnHerd vào hôm đầu tuần này, ông Vance đã bày tỏ sự thất vọng về cách tiếp cận của châu Âu đối với vấn đề an ninh, lập luận rằng chủ đề này từ lâu đã là điểm mù đối với khu vực. “Thực tế là – nói ra thì hơi thẳng thắn, nhưng cũng đúng – toàn bộ cơ sở hạ tầng an ninh của châu Âu, trong suốt cuộc đời tôi, đều được Mỹ trợ cấp”.

Ông tiếp tục, hiện tại chỉ có ba quốc gia châu Âu – Anh, Pháp và Ba Lan – có quân đội tự duy trì. “Theo một cách nào đó, chúng là những trường hợp ngoại lệ chứng minh cho quy luật rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đã đầu tư quá ít vào an ninh và điều đó cần phải được thay đổi”, ông nói.

“Tôi chắc chắn nhận ra rằng, việc châu Âu trở thành bên lệ thuộc an ninh vĩnh viễn của Mỹ không nằm trong lợi ích của châu Âu và cũng không nằm trong lợi ích của Mỹ”, ông Vance nói.

Chính quyền Trump đã thúc đẩy các quốc gia châu Âu đầu tư nhiều hơn vào quân đội của họ kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, với lập luận rằng Mỹ đang vác gánh nặng chính. Năm 2014, các thành viên NATO đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, mặc dù một số vẫn đang phải vật lộn để đạt được con số này.

Vào tháng 2, ông Trump đề xuất rằng các thành viên NATO nên cân nhắc chi tới 5% GDP cho quốc phòng, sau đó cảnh báo rằng "nếu họ không trả, tôi sẽ không bảo vệ họ".

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đồng ý rằng ông Trump đã đúng khi yêu cầu các thành viên châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng với Nga.

Nhiều quan chức phương Tây đã suy đoán rằng Nga có thể tấn công các thành viên NATO châu Âu trong vòng vài năm. Moscow đã bác bỏ tuyên bố này là "vô nghĩa", nói rằng họ không có hứng thú làm như vậy.