Ông Trương Gia Bình: Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên phát huy lợi thế về sự linh hoạt
Anh Lê
VietTimes
-- Với cuộc CMCN 4.0, chúng ta nên xuất phát từ thái độ chủ động, nghĩ
trước tương lai và định vị mình trong tương lai bằng việc phát huy sở trường,
năng lực. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có sức mạnh là sự linh hoạt, nên có
thể đi trước bằng những lợi thế không ai có và từ đó có thể bành
trướng, mở rộng quy mô.
Đó là chia sẻ của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi được đặt vấn đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) như nút restart, các quốc gia gần như đều đứng trước xuất phát và một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có lợi thế gì so với các quốc gia đã phát triển, trong khuôn khổ Hội thảo Quản trị - Cách mạng Công nghiệp thời kỳ 4.0.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo quản trị của Viện Quản trị kinh doanh FSB, được tổ chức hàng tháng dành cho học viên MBA, MiniMBA cũng như các chương trình lãnh đạo, mở rộng cho các doanh nhân Việt nhờ sự phối hợp tổ chức của Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội.
Xuất phát từ việc cắt nghĩa khái niệm "Cách mạng công nghiệp" với nghĩa cách hiểu đơn giản của từ "Cách mạng" là sự phá bỏ, thay cái cũ, cái lạc hậu bằng cái mới, cái tiến bộ, TS. Trương Gia Bình đã làm rõ một số vấn đề trong nội hàm của khái niệm và giúp người nghe hiểu được một cách cơ bản về cuộc CMCN 4.0.
Theo ông, về mặt chiết tự, từ "công nghiệp" trong cụm "cách mạng công nghiệp" có thể là một từ chưa phù hợp về bản chất, nó làm người ta dễ lầm tưởng rằng cuộc cách mạng này chỉ liên quan đến ngành công nghiệp. Nhưng thực tế, CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống.
Lấy ví dụ về hoạt động ngân hàng, ông cho rằng bản chất hoạt động này là có thông tin về tài chính, đánh giá mức độ mạo hiểm, đưa ra lãi suất tương quan với mức độ bảo hiểm. Và với hiện trạng thông tin tài chính nghèo nàn, rời rạc, thiếu sự liên kết, liên thông để trao đổi thông tin, dữ liệu như hiện nay thì trong tương lai không xa, ngân hàng sẽ bị thay thế bởi các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (hay còn gọi là các Fintech).
TS. Trương Gia Bình đưa ra dự đoán, trong thời gian ngắn tới đây, mọi phương tiện giao thông sẽ chuyển đổi sang loại xe không người lái. Và hơn thế, công nghệ tự hành (autonomous) sẽ là một trong chín trụ cột của CMCN 4.0 với đa dạng ứng dụng như robot vận chuyển hàng, xe vận chuyển hàng trong khu công nghiệp,...
Cũng theo vị Chủ tịch FPT, để phát huy ưu thế trong cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần có lộ trình phát triển, các doanh nghiệp cũng cần có một lộ trình tương tự. Cùng với đó, là hạ tầng phù hợp, an toàn; chính sách, hành lang pháp lý đồng bộ và đặc biệt là "nhân sự 4.0" . Ngay như nước Mỹ hiện nay, xu hướng học ngành luật vốn rất thu hút trước đây hiện đã thoái trào. Máy móc đã thay thế con người trong 85% công tác kiểm toán, tài chính,...
Xu hướng đào tạo nhân sự tại đây đang theo hướng đáp ứng tốt các kỹ năng về STEM (kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), nghệ thuật, Cyper Physics System (hệ thống điều khiển-vật lý) và các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng mềm.
Được biết, theo kết quả khảo sát gần đây được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, có 85% doanh nghiệp Hà Nội quan tâm đến CMCN 4.0. Trong số đó, 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.
Nhưng về chiến lược, có đến 79% doanh nghiệp trong số này trả lời rằng họ... chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 55% doanh nghiệp cũng cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai.
Đối với các doanh nghiệp không quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, 67% doanh nghiệp cho hay, họ không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không bị tác động nhiều; 76% doanh nghiệp cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm.
Viện Quản trị Kinh doanh FSB – Đại học FPT đã đào tạo ra hơn 10.000 nhà quản trị đang nắm giữ những trọng trách cao trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Về xếp hạng quốc tế, Viện Quản trị Kinh doanh FSB, Đại học FPT là trường duy nhất của Việt Nam đạt chuẩn 5 sao về Chất lượng giảng dạy theo đánh giá của tổ chức quốc tế QS Star và lọt vào Top 3 trường đào tạo Quản trị Kinh doanh tốt nhất Việt Nam theo bình chọn của Eduniversal năm 2016.