
Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo về sức mạnh quân sự và vũ khí của Mỹ mà "không ai biết", để đáp lại những lo ngại rằng cuộc chiến thuế quan của ông với Trung Quốc có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Trump đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125% trong hôm 9/4 để trả đũa các biện pháp tương tự do Bắc Kinh áp đặt. Trung Quốc vẫn chưa phản ứng với đợt tăng thuế mới nhất, mặc dù Bộ Thương mại của nước này trước đó đã tuyên bố sẽ chiến đấu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại "đến cùng".
Khi được hỏi liệu ông có "lo ngại" về động thái tiếp theo có thể xảy ra của Bắc Kinh – và "khả năng leo thang vượt ra ngoài cuộc chiến thương mại" hay không – nhà lãnh đạo Mỹ lập luận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "một trong những người rất thông minh trên thế giới" và sẽ không bao giờ "cho phép điều đó xảy ra".
“Chúng ta rất mạnh mẽ. Đất nước này rất mạnh mẽ. Nó mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì mọi người hiểu. Chúng ta có vũ khí mà không ai biết nó là gì, và đó là vũ khí mạnh nhất trên thế giới mà chúng ta có. Thậm chí còn mạnh hơn bất kỳ ai, không ai mạnh gần bằng nó”, ông Trump nói với các nhà báo tại Phòng Bầu dục.
“Vì vậy, sẽ không có ai làm điều đó”, ông Trump nói thêm, nhắc lại rằng ông Tập là một “người đàn ông rất thông minh” và “biết chính xác những gì cần phải làm”.
Tổng thống Mỹ, người trước đây từng tiết lộ về vũ khí bí mật bằng thuật ngữ khoa học khác thường, đã không giải thích chi tiết về loại vũ khí mà ông đang đề cập đến lần này.
Quay trở lại năm 2020, ông Trump đã chào hàng thứ mà ông gọi là "tên lửa siêu hạng" có thể bay "nhanh hơn 17 lần" so với bất kỳ thứ gì mà đối thủ của Mỹ có trong kho vũ khí của họ. Ông cũng tuyên bố rằng những đột phá về công nghệ siêu thanh của Nga là kết quả của việc đánh cắp các kế hoạch tên lửa của Mỹ trong thời kỳ Tổng thống Barack Obama – mặc dù thực tế là Mỹ vẫn chưa triển khai vũ khí siêu thanh nào có thể hoạt động.
Moscow và Bắc Kinh đã dẫn đầu trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh trong thập kỷ qua. Nga đã đưa hệ thống đầu tiên thuộc loại này, tên lửa Kinzhal phóng từ trên không, vào sử dụng năm 2017, trong khi Trung Quốc tung ra phương tiện lướt siêu thanh DF-ZF vào thời điểm 2 năm sau đó.
Nga đã sử dụng cả Kinzhal và tên lửa siêu thanh Zircon của hải quân trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tháng 11 năm ngoái, Moscow cũng đã tiến hành cuộc thử nghiệm chiến đấu đầu tiên đối với tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik được trang bị nhiều đầu đạn có thể nhắm mục tiêu độc lập, có khả năng đạt tốc độ siêu thanh.
Vào tháng 12 năm ngoái, sau nhiều lần trì hoãn và thử nghiệm không thành công, Washington đã công bố vụ phóng thử thành công vũ khí siêu thanh tầm xa, được Lockheed Martin phát triển từ năm 2017. Mỹ hy vọng sẽ trang bị cho đơn vị đầu tiên một biến thể phóng từ mặt đất của tên lửa này vào cuối năm tài chính 2025.

Ông Trump tạm dừng áp thuế trong 90 ngày với hầu hết các nước, tăng thuế với Trung Quốc

Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng mức thuế 84%
