Trong Báo cáo thường niên 2018 của CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC), ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - đã có những chia sẻ về định hướng phát triển tập đoàn này qua “thông điệp” gửi tới các cổ đông.
Theo đó, đối với lĩnh vực bất động sản, ông Quyết cho biết FLC đang nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý tại hơn 230 dự án ở 56 tỉnh thành trên cả nước, với tư duy phát triển dự án kiên trì bám sát tiêu chí “5 không” (không xin dự án, không mua lại, không làm lâu, không làm chung, không làm nhỏ).
Tại nhiều địa phương, tập đoàn này sẽ xúc tiến xây dựng các dự án đô thị, quần thể du lịch, công nghiệp, ước tính cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 - 7.000 sản phẩm.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng vốn đã là “thương hiệu”, ông Trịnh Văn Quyết còn muốn FLC “phải thực sự khẳng định mình như một trong những tập đoàn kinh tế hoạt động năng động và hiệu quả hàng đầu Việt Nam” thông qua việc thúc đẩy đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác.
Cụ thể, đối với lĩnh vực hàng không, FLC đã huy động nguồn lực đầu tư, hoàn thiện pháp lý, cơ sở vật chất, hạ tầng và nền tảng nhân lực để đưa hãng hàng không Bamboo Airways đi vào vận hành trong năm 2018. Bước sang năm 2019, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 17/21 sân bay nội địa, mở rộng phủ sóng trên các đường bay quốc tế từ quý 2/2019.
Đáng chú ý, ông Trịnh Văn Quyết cũng chia sẻ việc hãng hàng không này đã đặt kế hoạch bay thẳng thị trường Mỹ từ Quý 4/2019 hoặc đầu năm 2020. Đồng thời, trong năm 2019, đội máy bay của Bamboo Airways sẽ được chuẩn hóa với khoảng 40 máy bay hiện đại (bao gồm dòng Airbus A321 Neo cho máy bay thân hẹp và Boeing 787 cho máy bay thân rộng).
“Bamboo Airways phải trở thành một thương hiệu uy tín, một lựa chọn hàng đầu cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Việt Nam” - Chủ tịch HĐQT FLC đặt mục tiêu.
Được biết, FLC đã hoàn thành thực hiện gia tăng quy mô vốn của Bamboo Airways từ 700 tỷ đồng (khi mới thành lập) lên mức 1.300 tỷ đồng trong Quý 1/2019. Tuy nhiên, quy mô vốn của Bamboo Airways nhiều khả năng sẽ được nâng lên mức 2.000 tỷ đồng trong thời gian tới nếu thương vụ FLC phát hành thêm gần 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu diễn ra thuận lợi.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Quyết cho hay tập đoàn đã và đang định hướng phát triển nông nghiệp trở thành một mảng kinh doanh chính trong chuỗi giá trị của FLC, với mục tiêu cung ứng hàng ngàn tấn nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, vị Chủ tịch HĐQT FLC cũng cho biết năm 2019 sẽ là năm của sự cải tổ toàn diện về bộ máy bao gồm các quy trình quản lý và vận hành, các chiến lược phát triển dài hạn. Điều này nhằm thực hiện mục tiêu lớn nhất là gia tăng năng suất lao động, phát huy tối đa các nguồn lực nội tại của FLC./.