Sáng nay (30/3), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023).
Tính đến 8h37, tổng số cổ đông tham dự đại hội đại diện cho 3,85 tỉ cổ phần, chiếm 66,16% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. AGM 2023 của HPG đủ điều kiện tiến hành.
Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long thẳng thắn chia sẻ về việc không chia cổ tức. Theo đó, sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2022, HĐQT HPG đã cân nhắc rất kỹ và đề xuất không chia cổ tức năm 2022.
"Đại hội năm ngoái tôi đã dự đoán về những khó khăn của ngành thép trong năm 2022, song không ngờ ngành thép còn xấu hơn dự đoán", ông Long nói.
Về việc không chia cổ tức (dù bằng tiền mặt hay cổ phiếu), ông Long lý giải là do nhu cầu về vốn trong năm 2023 của tập đoàn là rất lớn. Trong đó, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho dự án Dung Quất riêng tài sản cố định đã lên tới 75.000 tỉ đồng (khoảng 3 tỉ USD).
Ông Long ví von dự án Dung Quất giai đoạn 2 như 'quả đấm thép' của tập đoàn.
"Dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, tôi khẳng định Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó”, ông Long nhấn mạnh.
Vị tỷ phú cho biết, ông từng nhận được nhiều ý kiến cho rằng HPG 'chậm chân' trong lĩnh vực bất động sản. "Nhưng đến lúc này, chúng ta có thể thấy đó là quyết định hợp lý", ông Long nói.
Chủ tịch HPG khẳng định tập đoàn sẽ không mua lại (M&A) dự án bất động sản trong giai đoạn này mà chỉ tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý. "Tương lai thì có thể nhưng lúc này chắc chắn chưa", ông Long nhấn mạnh.
Trước đó, như đã biết, thời gian qua, HPG liên tục có những cuộc làm việc với các lãnh đạo địa phương nhằm tìm kiếm quỹ đất và nghiên cứu đầu tư các dự án bất động sản tiềm năng, trong đó có thể kể tới Khánh Hòa, Huế, Hòa Bình, Hưng Yên,...
Tại AGM 2023, ông Long nói chưa thể đưa ra con số cụ thể về kết quả kinh doanh quý 1 nhưng cho biết 2 tháng đầu năm có thể sẽ lỗ. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tháng 3 của HPG đã khả quan hơn rất nhiều.
Toàn cảnh AGM 2023 của HPG |
Theo tài liệu đại hội, ban lãnh đạo HPG trình cổ đông xem xét phê duyệt kế hoạch kinh doanh hợp nhất toàn tập đoàn năm 2023, với doanh thu 150.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỉ đồng.
So với thực hiện năm 2022, kế hoạch doanh thu năm nay của HPG tăng nhẹ 5%, còn mục tiêu lợi nhuận giảm 5%, tương đương giảm hơn 440 tỉ đồng.
Ban điều hành HPG nhận định, năm 2023, doanh thu dự kiến tăng nhẹ so với năm 2022. Giá nguyên nhiên liệu xu hướng tăng, giá bán tăng không tương xứng, chi phí tài chính lớn do dự báo lãi suất vẫn tiếp tục duy trì trạng thái cao.
Ban lãnh đạo HPG đề xuất trích 42,2 tỉ đồng (0,5% lợi nhuận sau thuế) vào Quỹ khen thưởng phúc lợi. Toàn bộ phần lợi nhuận còn lại (8.402 tỉ đồng) xin được dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn tập đoàn.
Năm 2022, HPG ghi nhận 142.770 tỉ đồng doanh thu, giảm 8.095 tỉ đồng, tương ứng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỉ đồng, giảm 26.077 tỉ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Lĩnh vực thép (bao gồm gang thép và sản phẩm thép) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt chiếm 93% và 95% doanh thu và lợi nhuận của toàn tập đoàn.
Lĩnh vực nông nghiệp đóng góp lần lượt 5% và 1% vào doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn. Lĩnh vực bất động sản và điện máy gia dụng lần lượt đóng góp 4% và 1% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HPG đạt 170.336 tỉ đồng, giảm gần 4% so với cuối năm 2021. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 80.515 tỉ đồng (giảm 14%); tài sản dài hạn đạt 89.821 tỉ đồng (tăng 6,8%).
VietTimes sẽ tường thuật phiên AGM 2023 của Hòa Phát. Ấn F5 để cập nhật!
8h10: Theo ghi nhận của PV VietTimes, nhiều đại biểu, cổ đông đã có mặt từ sớm để thực hiện các thủ tục check-in.
Một số cổ đông đến sớm, nghiên cứu các chương trình nghị sự |
8h45: Bà Bùi Thị Hải Vân, Trưởng Ban Kiểm soát Hòa Phát, công bố kết quả kiểm tra tư cách đại biểu. Theo đó, tính đến 8h37, tổng số cổ đông tham dự đại hội đại diện cho 3,85 tỉ cổ phần, chiếm 66,16% cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Hòa Phát đủ điều kiện tiến hành!
9h00: Đoàn Chủ tọa điều hành đại hội bao gồm:
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT (Chủ tọa Đại hội)
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT
Ông Nguyễn Việt Thắng – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT HPG - phát biểu tại AGM 2023 |
9h10: Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long đề cập thẳng thắn tới việc không chia cổ tức. Theo đó, sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2022, HĐQT HPG đã cân nhắc rất kỹ và đề xuất không chia cổ tức năm 2022.
"Đại hội năm ngoái tôi đã dự đoán về những khó khăn của ngành thép trong năm 2022, song không ngờ ngành thép còn xấu hơn dự đoán", ông Long nói.
Tuy nhiên, theo ông Long, trước khi nhìn vào kết quả kinh doanh của HPG, nên nhìn vào kết quả chung của ngành thép Việt Nam và thế giới. Việc đạt được kết quả như trong năm 2022 là sự nỗ lực đáng ghi nhận của Ban lãnh đạo, HĐQT cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên toàn tập đoàn.
Về việc không chia cổ tức (dù bằng tiền mặt hay cổ phiếu), ông Long lý giải là do nhu cầu về vốn trong năm 2023 của tập đoàn là rất lớn. Theo đó, tổng đầu tư tài sản cố định của dự án Dung Quất giai đoạn 2 hiện đã lên tới 75.000 tỉ đồng (tương đương 3 tỉ USD).
Ông Long ví von dự án Dung Quất giai đoạn 2 như 'quả đấm thép' của tập đoàn. "1 dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, tôi khẳng định Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó”, ông Long nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch HPG ước tính, khi nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025, doanh thu tập đoàn sẽ tăng thêm 80.000 – 100.000 tỉ đồng.
9h15: Cổ đông: Quan điểm và tầm nhìn của Hòa Phát khi phát triển những đại đô thị từ 300 - 500ha như thế nào? Nguồn vốn để phát triển những dự án này đến từ đâu?
Ông Trần Đình Long: Hòa Phát không vội vã trong việc phát triển bất động sản.
Ở thời điểm này, Hòa Phát vẫn tập trung cao độ cho dự án Nhà máy thép Dung Quất 2. Việc phát triển các dự án bất động sản sẽ được triển khai từng bước, chậm rãi theo mục tiêu đề ra.
9h20: Cổ đông: Ban lãnh đạo tập đoàn cho biết tình hình triển khai dự án bất động sản Forestar ở Hưng Yên; tình hình khai thác các mỏ quặng, kế hoạch mua quặng ở Bắc Úc; và kế hoạch bầu thành viên HĐQT?
Ông Trần Đình Long: Hoạt động đầu tư hạ tầng cơ sở ở dự án Forestar đã tương đối tốt nhưng còn một số vướng mắc từ các cơ quan quản lý như hồ sơ pháp lý, chính sách. Vì lý do khách quan nên chưa mở bán, còn phía tập đoàn không có vấn đề gì về dự án này.
9h32: Cổ đông: Doanh thu tập đoàn tập trung quá cao vào thép, liệu có chiến lược để cân bằng hơn nữa trong chiến lược kinh doanh, giảm bớt sức ép vào ngành thép hay không?
Ông Trần Đình Long: Ai cũng bảo không để trứng vào một giỏ. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.
Chiến lược của Hòa Phát hiện chưa có sự thay đổi, trong ngắn và dài hạn thì thép vẫn là lĩnh vực cốt lõi của tập đoàn.
Việc chuyển mình trở thành một tập đoàn đa ngành là rất khó, ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng thực hiện được.
9h37: Cổ đông: Hòa Phát dự kiến khi nào khởi động lại các lò cao?
CEO Nguyễn Việt Thắng: Trong quý 4/2022, khi tiêu thụ thép Việt Nam và thế giới giảm đột ngột, Hòa Phát chủ động dừng 4 lò cao để giảm hàng tồn kho và chi phí vốn. Đầu tháng 1/2023, Hòa Phát đã khởi động lại 1 lò cao. Tới đầu tháng 4/2023, tập đoàn chạy lò thứ 2 và còn 2 lò nữa sẽ khởi động lại nốt trong quý 2. Việc khởi động lại các lò cao phải dựa trên tình hình thị trường, nếu thị trường tốt Hòa Phát sẵn sàng tăng sản lượng.
Thông tin chi tiết, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, tập đoàn này sẽ khởi động lại thêm 1 lò cao trong 3 ngày tới và thêm 1 lò cao khác vào ngày 20/5.
Ông Long khẳng định, từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác. Hòa Phát sẽ đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, cho ngành đóng tàu, ô tô, ốc vít, dự lực. Tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao như vậy.
10h05: Cổ đông: Hòa Phát từng nghiên cứu sản xuất thép không gỉ, vậy lý do tại sao không tiếp tục và tập đoàn có ý định triển khai lại mảng này hay không?
Ông Trần Đình Long: Không riêng Hòa Phát, nhiều công ty thép ở Việt Nam từng có ý định sản xuất thép không gỉ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, lý do khách quan và chủ quan của tập đoàn, thì việc sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam là không có lợi thế, chủ yếu do thiếu mỏ quặng Niken.
10h15: Phát biểu tại đại hội, ông Trần Đình Long cho biết, HPG sẽ chưa mua lại dự án bất động sản trong giai đoạn này. "Tương lai thì có thể nhưng lúc này chắc chắn chưa", Chủ tịch HPG nhấn mạnh.
Mảng bất động sản của HPG đang đi đúng kế hoạch vì tập đoàn đã có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, HPG sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với các dự án bất động sản khu đô thị.
10h40: Tranh thủ giờ giải lao, nhiều cổ đông xếp hàng để chụp ảnh với Chủ tịch Trần Đình Long – vị tỉ phú được nhiều người xem như thần tượng.
11h00: Đại diện Ban kiểm phiếu cho biết, tất cả các tờ trình và nội dung xin ý kiến cổ đông đều được thông qua với tỷ lệ biểu quyết gần như tuyệt đối (từ 92% - 100%).
Như vậy, năm 2023, Hòa Phát chốt mục tiêu doanh thu 150.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.000 tỉ đồng.
Đại hội cũng nhất trí việc giữ lại toàn bộ 8.402 tỉ đồng lợi nhuận sau trích quỹ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không chia cổ tức.
11h10: Bà Ngô Lan Anh, thành viên Ban Thư ký, đọc Biên bản Đại hội.
11h15: Ông Trần Đình Long, Chủ tọa đoàn tuyên bố bế mạc. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Hòa Phát diễn ra thành công tốt đẹp!