"2021 là năm Tập đoàn Hòa Phát đạt được doanh thu và lợi nhuận rực rỡ nhất trong lịch sử 30 năm phát triển của mình. Tuy nhiên, những biến động lớn về kinh tế, chính trị thế giới diễn ra trong năm 2022 đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của Hòa Phát", ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát mở đầu thư gửi cổ đông tại báo cáo thường niên năm 2022.
Ông Long đánh giá năm 2022 là "vòng xoáy biến động". Mặc dù dịch Covid-19 đã được đẩy lùi nhưng chiến tranh, lãi suất, lạm phát, tỷ giá đã tạo thành lốc xoáy cuốn bay thành quả tích lũy của nhiều nền kinh tế và Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ sâu liên tiếp trong 2 quý cuối năm 2022.
"Trong cùng một năm mà ngành bất động sản từ nóng chuyển sang nguội dần và đóng băng vào cuối năm. Tỷ giá, lãi suất cũng lên cơn sốt chưa từng có và chỉ hạ nhiệt bớt vào tháng 12/2022", vị tỉ phú này nhìn lại.
Trong năm 2022, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và điện máy gia dụng của Hòa Phát đạt mục tiêu đề ra, nhóm ngành điện lạnh đạt 200% kế hoạch nhưng doanh thu, lợi nhuận của toàn tập đoàn vẫn sụt giảm mạnh chủ yếu do lợi nhuận ngành thép giảm 76% và nông nghiệp giảm 92% so với cùng kỳ.
Chia sẻ với cổ đông, ông Trần Đình Long cho hay, Hòa Phát được ví là xe lu với tinh thần "khó khăn nào cũng vượt qua, trở ngại nào vẫn tiến bước".
Năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp, bao gồm cả các khu công nghiệp hiện hữu.
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Hòa Phát cho biết sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500ha. Các dự án này đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang nỗ lực tìm kiếm các dự án tiềm năng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Năm ngoái, các công ty thành viên của Hòa Phát đã tham gia đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ./.