|
Chiều 17/12, ông Tập Cận Bình đã tới quân cảng Tam Á, đảo Hải Nam chủ trì lễ bàn giao tàu sân bay Sơn Đông cho Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Quang cảnh lễ bàn giao. Ảnh: Đông Phương. |
Truyền thông Trung Quốc cho biết, lễ bàn giao bắt đầu lúc 16 giờ chiều cùng ngày tại quân cảng Tam Á với 5 ngàn người tham dự, trong đó có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đinh Tiết Tường, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia Hà Lập Phong, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Lý Tác Thành và Tư lệnh Hải quân Thẩm Kim Long.
Ông Tập Cận Bình đã trao quân kỳ Bát Nhất và Giấy chứng nhận đặt tên cho thuyền trưởng và chính ủy của hạm tàu Sơn Đông. Sau đó, ông Tập Cận Bình đã lên tàu Sơn Đông, kiểm duyệt đội danh dự và kiểm tra các trang thiết bị, tìm hiểu điều kiện làm việc và sinh hoạt của phi công trên tàu sân bay và ký vào nhật ký hàng hải của con tàu.
|
Ông Tập Cận Bình duyệt đội danh dự trên tàu Sơn Đông. Ảnh: Đa Chiều.
|
Ông Tập Cận Bình cũng đã gặp gỡ các đại biểu sĩ quan và binh sĩ tàu sân bay cùng đại diện của các đơn vị thiết kế, đóng tàu Sơn Đông tại bến tàu và bày tỏ sự khẳng định về những thành tựu Trung Quốc đạt được trong việc chế tạo tàu sân bay.
Cũng theo báo chí Trung Quốc, mặc dù hình dạng của tàu Sơn Đông tương tự như con tàu Liêu Ninh được cải tạo từ chiếc tàu cũ Varyag của Liên Xô, nhưng tàu Sơn Đông tiên tiến hơn tàu Liêu Ninh về lượng giãn nước, số lượng máy bay chiến đấu mà nó có thể mang theo và thậm chí cả các radar trên tàu. Tàu Sơn Đông có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 315,5m, rộng 75m, là tàu sân bay cỡ trung bình chạy bằng động lực thông thường; tốc độ lớn nhất 30 hải lý/h, thủy thủ đoàn và nhân viên không quân 1.190 người. Mặc dù hạm đảo của nó nhỏ hơn tàu Liêu Ninh, nhưng được lắp đặt radar kiểu mới có thể tìm kiếm toàn diện 360 độ. Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, tàu Sơn Đông có thể mang theo 36 máy bay chiến đấu F-15, nhiều gấp rưỡi tàu Liêu Ninh (24 chiếc), các máy bay trực thăng báo động Zh-18J, trực thăng chống ngầm Zh-18F và trực thăng tìm cứu Zh-9C. Điều này cho thấy sức mạnh chiến đấu cao hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh. Tàu Sơn Đông cũng được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Hongqi-10 (HQ-10) và pháo phòng không tầm gần 1130.
|
Các máy bay J-15 trên tàu Sơn Đông. Ảnh: Đa Chiều.
|
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức giao nhiệm vụ đóng tàu Sơn Đông vào ngày 31/12/2015. Ngày 26/4/2017, con tàu được hạ thủy; ngày 18/5/2018 tàu Sơn Đông hoàn thành chuyến ra biển thử nghiệm đầu tiên; ngày 14/11/2019 nó hoàn thành chuyến thử nghiệm cuối cùng, đi xuyên qua eo biển Đài Loan tới cảng Tam Á ở Hải Nam và được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc vào ngày 17/12.
Theo các thông tin trước đó, từ sau khi hạ thủy tới nay, tàu Sơn Đông đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trên biển. Đặc biệt trước khi đi vào hoạt động chính thức, vào tháng trước, nó đã đi xuyên qua eo biển Đài Loan cùng đoàn tàu hộ vệ, gây nên sự chú ý của giới quan sát quốc tế.
|
Ảnh vệ tinh chụp tàu Sơn Đông neo đậu tại quân cảng Tam Á, Hải Nam. Ảnh: Đa Chiều.
|
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều nhận xét, cho đến nay, các quốc gia thực sự có tàu sân bay hiện nay chỉ có Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga, Pháp, Ấn Độ, Italy, Thái Lan; nhưng các quốc gia có tàu sân bay loại lớn và trung bình thì chỉ có 3 nước Mỹ, Trung Quốc và Anh. Tuy nhiên, do Anh không có các tàu khu trục và hộ vệ để đáp ứng được việc lập thành biên đội tàu sân bay nên hiện trên thế giới chỉ có Mỹ và Trung Quốc là có khả năng lập ra biên đội tàu sân bay hùng hậu.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc năm 2018 bao gồm 1 tàu khu trục 052D, 1 tàu khu trục 051C, 3 tàu khu trục 052C, 2 tàu hộ vệ 054A và 1 tàu tiếp tế hậu cần 901. Sắp tới, với việc Trung Quốc đã và đang đóng khá nhiều tàu khu trục 052D và 055D, biên chế các biên đội tàu sân bay của Trung Quốc có thể sẽ thay đổi.