Tờ nhật báo tài chính Anh nhận định, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đưa đất nước mình đi theo những phương hướng mới đầy cấp tiến và rủi ro.
Nếu những chính sách mới của vị chủ tịch nước thành công thì thời đại Tập Cận Bình sẽ được nhớ đến vì đã đạt được mục tiêu “đại phục hưng” dân tộc Trung Hoa thường được nhắc đến của ông. Nhưng nếu những thử nghiệm của ông Tập thất bại thì di sản của ông rất có thể sẽ là bất ổn chính trị, trì trệ kinh tế và đối đầu quốc tế.
Theo Financial Times, về cơ bản những gì ông Tập đã làm là từ bỏ công thức vốn thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc trong 30 năm qua. Công thức đó được Đặng Tiểu Bình đưa ra sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 1978, và sau đó được những người kế nhiệm ông hiệu chỉnh. Nó gồm ba thành phần: chính trị, kinh tế, và đối ngoại.
Về kinh tế, Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm ông chú trọng xuất khẩu, đầu tư, và nhiệm vụ đạt tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số. Về chính trị, Trung Quốc rời khỏi mô hình cá nhân lãnh đạo lôi cuốn và độc đoán mà Mao Trạch Đông tạo ra, qua đó hướng tới một nền lãnh đạo tập thể. Còn về đối ngoại, Trung Quốc áp dụng một cách tiếp cận khiêm tốn và thận trọng với thế giới, thường được biết đến ở phương Tây với tên gọi “thao quang dưỡng hối” dựa theo lời khuyên nổi tiếng của ông Đặng dành cho các đồng nghiệp là Trung Quốc phải “giấu mình chờ thời".
Dưới thời ông Tập, người đảm nhận vai trò lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, cả ba thành phần chính trong công thức của ông Đặng đã thay đổi. Về chính trị, Trung Quốc đã hướng trở lại mô hình dựa trên lãnh đạo tập quyền cao độ vào bản thân ông Tập. Về kinh tế, những năm tăng trưởng hai con số đã qua và Trung Quốc đang dò dẫm hướng tới một mô hình mới, được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu. Và về các vấn đề quốc tế, thời đại Tập Cận Bình đã chứng kiến sự dịch chuyển khỏi chính sách "giấu mình chờ thời" và hướng tới một chính sách đối ngoại thách thức sự thống trị của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ba thay đổi chính sách lớn có nguồn gốc khác nhau. Về kinh tế, mô hình tăng trưởng cũ dựa vào xuất khẩu, tỷ lệ đầu tư cao và mức lương thấp không thể vận hành mãi. Quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, kết hợp với chi phí gia tăng ở Trung Quốc và tình hình tăng trưởng chậm lại ở phương Tây, đã tạo ra sự thay đổi không thể tránh khỏi. Nhưng dịch chuyển sang một mô hình mới là rất nguy hiểm. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Trung Quốc đã tiến hành một đợt tăng cường tín dụng và đầu tư không bền vững vốn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính.
Thậm chí nếu có thể tránh được số phận bất hạnh ấy, Trung Quốc vẫn phải làm quen với tốc độ tăng trưởng chậm lại. Giới lãnh đạo nước này thường dùng quyết tâm Trung Quốc phải tăng trưởng ở mức 8% một năm để duy trì sự ổn định xã hội và chính trị. Nhưng đến nay tăng trưởng khoảng 6–7% cũng sẽ được coi là kết quả tốt.
Một nền kinh tế lành mạnh là tối quan trọng đối với sự ổn định trong nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn dựa vào tăng trưởng kinh tế nhanh chóng để đem lại cho hệ thống chính trị một “tính chính danh dựa trên thành tích” mà các nhà lý thuyết của đảng cho là vững chắc hơn sự lựa chọn từ các cử tri trong một cuộc bầu cử dân chủ. Nhưng một nền kinh tế sút kém hoặc tệ hơn nữa là một cuộc khủng hoảng tài chính, cũng có thể làm suy yếu tính chính danh của đảng cộng sản Trung Quốc.
Theo Financial Times, về chính trị thời kỳ hậu Mao, Trung Quốc đã áp dụng một phong cách quản trị tập thể, với các cuộc chuyển giao lãnh đạo trơn tru dưới sự quản lý của đảng. Hồ Cẩm Đào là hình ảnh thu nhỏ của hệ thống này. Ông chưa bao giờ khuyến khích sự sùng bái cá nhân, phục vụ trong hai nhiệm kỳ, rồi từ bỏ quyền lực.
Ông Tập đã rời bỏ mô hình này. Hiện giờ ông được nhắc đến rộng rãi như nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao. Một hệ thống truyền thông chính thức theo hướng bợ đỡ được khuyến khích, để ca ngợi nhà lãnh đạo tối cao theo đúng nghĩa đen. (bài hát ca ngợi đáng chú ý nhất là “Tập Đại Đại ái Bành Ma Ma,” một cách gọi “bọc đường” dành cho phu nhân chủ tịch nước Bành Lệ Viên).
Đồng thời, ông Tập cũng phát động một chiến dịch truy quét tham nhũng dẫn đến hàng trăm ngàn bản án, đe dọa nhiều doanh nghiệp và giới chính trị cấp cao của Trung Quốc. Kết quả là những cơn sốt đồn đoán tại Bắc Kinh, trong đó có những tin đồn về thanh trừng, đảo chính hụt, và những âm mưu ám sát. Nhiều chuyên gia tin rằng ông Tập đang quyết tâm phục vụ nhiều hơn hai nhiệm kỳ – một diễn biến sẽ lật đổ mô hình lãnh đạo tập thể.
Đồng thời với những căng thẳng kinh tế và chính trị gia tăng tại Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, chính sách đối ngoại của nước này cũng trở nên dân tộc chủ nghĩa hơn và sẵn sàng mạo hiểm đối đầu với phương Tây và các nước láng giềng châu Á. Yêu sách ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh đối với các vùng lãnh thổ và lãnh hải, điển hình là việc xây dựng đảo nhân tạo của nước này ở Biển Đông, đã dẫn đến đối đầu với hải quân Mỹ và Nhật Bản.
Những cuộc gần như đụng độ này có thể phục vụ cho mục đích chính trị của Trung Quốc. Trong thời buổi kinh tế khó khăn hơn, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể cần đến những nguồn chính danh mới, và đối đầu với Nhật Bản và Mỹ trên biển nhiều khả năng sẽ khuấy động tinh thần dân tộc và lòng ủng hộ ái quốc dành cho chính phủ.
Financial Times kết luận, mấu chốt trong công thức của Đặng Tiểu Bình vốn giúp tạo nên đất nước Trung Quốc hiện đại là việc ưu tiên vấn đề kinh tế. Chính trị trong nước và chính sách đối ngoại được xây dựng sao cho tạo ra được một môi trường hoàn hảo cho sự thần kỳ kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, với Tập Cận Bình, những động cơ chính sách chính trị và đối ngoại thường có vẻ đè bẹp mục tiêu kinh tế. Sự thay đổi trong công thức này có vẻ nguy hiểm đối với cả Trung Quốc và thế giới, Financial Times nhận xét.