Theo báo chí nước chủ nhà, Pháp đã bày trận mời tổng thống Nga tham dự. Trận đồ do cố vấn chính trị quốc tế của điện Elysée, Philippe Etienne, một nhà ngoại giao thấu hiểu nước Nga dàn dựng. Theo Les Echos, 7 tháng sau ngày bị tổng thống François Hollande hủy bỏ cuộc hẹn tại Paris do bất đồng về cuộc chiến Syria, tổng thống Vladimir Putin nhận ngay lời mời của tân tổng thống Pháp, mới nhậm chức có 4 ngày.
Tổng thống Macron đã tuyên bố trước rằng ông sẽ đặt vấn đề một cách «khắt khe và không khoan nhượng» với nhà lãnh đạo Nga. Một chuyên gia Pháp dự đoán bầu không khí đối thoại sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, sau đó còn tùy phía Nga lựa chọn có muốn, qua trung gian nước Pháp, cải thiện quan hệ với châu Âu hay không?
Theo ông, tổng thống Putin là một chiến thuật gia xuất sắc, đi đến Versailles là thông điệp tỏ thiện chí hợp tác với ông Macron. Đổi lại, tổng thống Nga chờ nhận được bảo đảm. Còn theo Jacques Attali, cựu cố vấn chính trị của cố tổng thống François Mitterand, vì quyền lợi chung, Nga và Pháp phải làm việc với nhau và "ông Putin cần phải hiểu rằng, Nga không có quyền lợi gì nếu làm Liên hiệp châu Âu suy yếu".
Cũng theo Libération, khi mời tổng thống Nga bước theo dấu chân Pierre Đại Đế, một vị Sa hoàng có viễn kiến mà ông Putin tự cho là người nối nghiệp, tổng thống Pháp đã trấn an chủ nhân điện Kremlin. Cùng lúc ông đặt Putin vào thế phải nhìn ra chiều dài lịch sử, biết lý biết tình trong hai vấn đề nóng là Syria và Ukraine.
Một số phương tiện truyền thông Pháp, khi đề cập đến cuộc gặp giữa hai nhà Vladimir Putin và Emmanuel Macron, đã gọi tổng thống Nga là “Sa hoàng”. Những tiêu đề như vậy đã xuất hiện trong phóng sự của kênh BFM và báo Le Temps.
Trước đó cũng từng có báo Pháp ví tổng thống Nga là Sa hoàng, đó là tờ Le Figaro. Khi đưa tin về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Saint-Peterburg, tờ báo này đã gọi hai ông Putin và Erdogan là "Sa hoàng Nga và Sultan Thổ Nhĩ Kỳ".