Mỹ-NATO bối rối trước kỳ thủ Putin

VietTimes -- Các chuyên gia phương Tây cho rằng tổng thống Nga Putin là một người giỏi nắm bắt cơ hội, chỉ đưa ra giọng điệu chống phương Tây khi nó phù hợp với các mục tiêu chiến thuật của ông. Trong khi đó John Mearsheimer lại coi ông Putin là một bậc thầy chiến lược luôn kiên định với tư tưởng chống NATO.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

(tiếp theo kỳ trước)

Chỉ trừ một điều đó là sự ám ảnh của ông Putin với việc kiểm soát quyền lực. Ông Putin nói về sự kiểm soát của ông và nước Nga trong các sự kiện ở mức độ hiếm thấy, cao hơn mức độ thông thường của các lãnh đạo khác. Mọi chính trị gia đều muốn nắm quyền phụ trách và tất cả các nguyên thủ đều coi đất nước mình đang định hình quan hệ quốc tế, nhưng ông Putin lại là một trường hợp hết sức quyết liệt.

Khi tìm kiếm các tài liệu để giải thích điều này, Warontherocks đã tìm được giả thuyết có vẻ hợp lý của Mary Elise Sarotte, Ben Judah và Fiona Hill. Giả thuyết này cho rằng việc ông Putin trực tiếp chứng kiến sự sụp đổ quyền lực Liên Xô ở Đông Đức đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong thế giới quan của ông. Từng là một sĩ quan tình báo KGB ở Dresden, ông Putin cảm thấy bị đe dọa bởi những đám đông biểu tình chống lại chế độ Đông Đức và đồng thời cũng hết sức kinh ngạc khi nhận ra quân đội Liên Xô đã không được triển khai để bảo vệ tòa nhà của KGB.

Ông từng ghi lại trong cuốn hồi ký: “Lúc đó tôi cảm thấy rằng đất nước này (Liên Xô) đã không còn tồn tại nữa. Nó đã thực sự biến mất. Rõ ràng là Liên xô đã suy yếu và có một căn bệnh trầm trọng mà không hề được chữa trị, đó là căn bệnh tê liệt quyền lực”. Warontherocks cho rằng việc tránh một tình trạng tê liệt tương tự với sức mạnh của nước Nga chính là động lực chủ chốt trong chiến lược quốc tế của ông Putin.

Cho dù các công cụ lý giải này không đưa ra một biện pháp trực tiếp nào mang tính chiến lược nên không thể dàn xếp cuộc tranh luận của Rovner và Kofman, nhưng vẫn có thể kết luận rằng chiến lược của ông Putin mang tính toàn cầu và rất đa dạng. Cần phải khẳng định rằng ông Putin là một người rất giỏi chớp cơ hội. Theo Gleb Pavlosky, một cộng sự lâu năm của Putin nhận định: “Putin rất cừ trong việc đưa ra những chiến thuật. Ông ấy có tầm nhìn”. Nhưng Pavlosky chê bai nhà lãnh đạo Nga không có chiến lược.

Không chỉ là chính khách, tổng thống Nga còn là một cao thủ Judo theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng
Không chỉ là chính khách, tổng thống Nga còn là một cao thủ Judo theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng

Những ai coi ông là một nhà chiến lược cừ khôi lại lập luận rằng động lực điều hướng các  hành động của ông Putin là đối phó với NATO, đây là cách các nhà tự do cổ điển nhìn nhận tư duy của một lãnh đạo Nga về việc liên minh quân sự NATO xâm lấn vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga. Người ta đều nhận ra rằng các bài diễn văn công khai gần đây của ông Putin về NATO và phương Tây về cơ bản đều mang giọng điệu rất cứng rắn.

Nhưng điều này mới chỉ xuất hiện từ sau cuộc khủng hoảng lật đổ tổng thống Ukraine Victor Yanukovych- đồng minh của ông Putin. Nửa đầu những năm 2000, khi nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhờ sự bùng nổ của thị trường dầu mỏ, ông Putin đã thể hiện một thái độ hợp tác trung hòa với NATO, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Tóm lại, phân tích của Warontherocks ủng hộ quan điểm của các chuyên gia về Nga như Michael McFaul, Kimberly Marten, và Lilia Shevtsova. Các chuyên gia này cho rằng Putin là một người giỏi nắm bắt cơ hội, chỉ đưa ra giọng điệu chống phương Tây khi nó phù hợp với các mục tiêu chiến thuật của ông. Trong khi đó John Mearsheimer lại coi Putin là một bậc thầy chiến lược luôn kiên định với tư tưởng chống NATO.

Sau khi phân tích, Waronthe Rocks đưa ra nhận định sau: Trước hết, việc phân tích hệ thống các phát biểu công khai là một công cụ hữu dụng, cung cấp nguồn tình báo mở, có thể đưa ra một cái nhìn thấu đáo về hành vi khó hiểu của các lãnh đạo.

Tuy nhiên cách tiếp cận này cũng có những hạn chế nhất định. Nếu đánh giá của Kofman đúng thì sự nhầm lẫn của phương Tây về ông Putin hiện nay là kết quả của việc nhìn nhận những phát biểu của tổng thống Nga một cách đơn giản. Đây là một sai phạm mà các học giả rất dễ mắc phải khi phân tích. Ông Kofman nhận định rằng những bình luận của ông Putin “không phải là tuyên bố chính thức về chính sách, mà thực chất chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chiến lược sẽ được triển khai”.

Cho dù các học giả có thể không đồng ý rằng những bài diễn văn công khai toàn là những thông tin gây hiểu nhầm, vẫn cần phải nhớ rằng phần lớn các dữ liệu đều bao gồm những bài phát biểu xã giao và một loạt các cuộc thảo luận cá nhân và hồ sơ các hoạt động bí mật. Điều này chỉ để thừa nhận một sự thật là không thể chỉ sử dụng một cách tiếp cận để hiểu tư duy của một lãnh đạo tầm cỡ thế giới. Để làm được điều đó cần kết hợp nhiều nguồn tình báo và sử dụng nhiều biện pháp đánh giá chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, có những hàm ý nhất định đối với việc phân tích các phát biểu của ông Putin. Thứ nhất, phần lớn thời gian ông Putin đều hành xử như vị lãnh đạo của một nước lớn. Việc tuyên bố ông Putin đứng ngoài hệ thống các nước lớn chính là đánh giá thấp tổng thống Putin.

Ông Putin họp với các tướng lĩnh Nga
Ông Putin họp với các tướng lĩnh Nga
Với những bước đi luôn táo bạo, bất ngờ, ông Putin đã nhiều phen khiến phương Tây choáng váng
Với những bước đi luôn táo bạo, bất ngờ, ông Putin đã nhiều phen khiến phương Tây choáng váng

Thứ hai, các dữ liệu cho thấy cách tiếp cận của ông Putin rất đa dạng, tùy thuộc vào vấn đề cụ thể. Mỹ hoàn toàn có thể hợp tác với tổng thống Nga trong các chính sách chống khủng bố, trong khi vẫn có thể đối đầu nhau trong những vấn đề khác. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã phát biểu trước phiên điều trần trước thượng viện rằng Mỹ nên hợp tác với ông Putin dựa trên lợi ích chung và kiên định trong việc phòng thủ. Có vẻ như đánh giá này hoàn toàn chính xác.

Cuối cùng, với vai trò trung tâm kiểm soát đối với những kinh nghiệm chính trị của ông Putin và sự phổ biến trong cách phát biểu trước công chúng, cần nhận ra rằng sự phân rã trong trật tự và các mối đe dọa đến quyền lực của ông chính là lằn ranh đỏ đối với ông Putin. Mặc khác, điều này cũng cho thấy Mỹ phải cẩn trọng trong việc đưa ra những động thái nhằm vào nền tảng quyền kiểm soát của Putin. Hơn nữa, mối lo ngại đe dọa quyền lực cũng là thanh kiếm sắc nhọn nhất kích động ông Putin thực hiện các biện pháp răn đe nếu cần thiết.