Ông Putin và kế sách ‘bất chiến tự nhiên thành’ trong ván bài Ukraine

Xung đột tại Ukraine đã kéo dài hơn một năm mà chưa có dấu hiệu lắng dịu. Tính chất phức tạp của khủng hoảng nằm ở đâu? Ai là người chơi chính và Nga đã chơi một ván cờ quyết định như thế nào?
Chính biến Maidan không giúp Ukraine có một tương lai tươi sáng hơn. Ảnh: Reuters
Chính biến Maidan không giúp Ukraine có một tương lai tươi sáng hơn. Ảnh: Reuters

Kì 1: Tính chất và người chơi chính

Những người quan tâm đến tình hình chính trị, quân sự quốc tế đang hướng sự chú ý về Donbass nói chung và Ukraine nói riêng. Thế nhưng, đây chỉ là một điểm của một mặt trận mang tính toàn cầu: Kết cục cuộc chiến không thể quyết định được bằng một trận đánh ở sân bay Donetsk hay thị trấn chiến lược Debaltsevo, mà là tại các các tổng hành dinh ở Washington, Moscow, Brussels, Paris, London. Lý do là bởi hành động quân sự chỉ là một thành tố của những tranh giành chính trị. 

Chính biến Maidan không giúp Ukraine có một tương lai tươi sáng hơn. Ảnh: Reuters

Quân sự là giải pháp cuối cùng và cứng rắn nhất, chứa đựng nhiều nguy cơ, nhưng nó không giúp chấm dứt xung đột. Chiến tranh chỉ là bước trung gian phản ánh một thực tại: Các bên tạm thời chưa thể tiến đến một bước thỏa hiệp. Bản chất của nó là để tạo ra những điều kiện mới để có thể đạt được thỏa hiệp. Khi thời cơ dàn xếp xuất hiện, khi giao tranh chấm dứt, binh sĩ trở về doanh trại và các tướng lĩnh chuẩn bị cho ra những hồi ức chiến tranh, thì đó là lúc mà các nhà lãnh đạo chính trị, ngoại giao sẽ quyết định kết cục đối đầu tại bàn đàm phán. 

Để hiểu được khi nào và bằng cách nào giao tranh quân sự có thể chấm dứt, cần phải hiểu giới lãnh đạo chính trị muốn gì và họ nhìn nhận như thế nào về các điều kiện thỏa hiệp thời hậu chiến. Tiếp đó, giao tranh sẽ chuyển sang hình thế nội chiến cường độ thấp, với các lệnh ngừng bắn. Đó là tình cảnh ở Syria và Ukraine. 

Với tính chất như vậy, ai là những người chơi chính trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine? Giới lãnh đạo Kiev dường như chỉ có vai trò thoảng qua, vì họ không thể quyết định được tình hình. Thông tin về việc thế lực bên ngoài đang “chỉ đạo” Kiev không còn là điều quá mới mẻ. Cũng sẽ là sai lầm nếu cho rằng thủ lĩnh ly khai tại Cộng hòa Donetsk (DPR) và Luhansk (LNR) sẽ định đoạt tương lai của Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) dường như chỉ có thể đóng vai trò người đồng hành bên lề. Quan điểm phản đối chiến tranh mang tính nguyên tắc của EU là điều cần thiết, vì nó giúp ngăn ngừa “chảo lửa” xung đột lan rộng ra liên minh. Thế nhưng chính EU lại đứng ở thế kẹt khi buộc phải đứng trước lựa chọn khó khăn: Hoặc là chấp nhận hùa theo Mỹ, hoặc là hướng trọng tâm sang Nga. 

Phương pháp loại trừ trên đưa đến một hệ quả: Chỉ còn 2 người chơi chính trong một cuộc đối đầu địa chính trị, đó là Nga và Mỹ. Trong cuộc "so găng" đó, cả hai đều quyết tâm giành chiến thắng trong một hình thái chiến tranh mới - chiến tranh trên nền tảng tạo lập mạng lưới với Moskva và Washington làm trung tâm. 

Quan điểm của Mỹ thực chất chẳng có gì mới. Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ nổi lên là siêu cường duy nhất. Người Mỹ cố tìm cách thiết lập vị thế lãnh đạo bằng việc bóc lột, tước đoạt nguồn lực, tài sản của thế giới: Đầu tiên là từ những nước thuộc Thế giới thứ ba, tiếp đó là những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và cuối cùng không loại trừ cả đồng minh và những nước bạn bè thân thích. Ở chiều ngược lại, Mỹ chỉ làm được điều đó khi duy trì được thế bá chủ. Vậy nên khi Moskva lên tiếng đòi quyền được đưa ra những quyết sách chính trị độc lập, dù chỉ là ở tầm khu vực, đối đầu Nga – Mỹ là điều không tránh khỏi. Đối đầu này không thể giải quyết bằng thỏa hiệp hòa bình. 

Với Mỹ, thỏa hiệp với Nga đồng nghĩa với việc Washington tự nguyện từ bỏ vị thế lãnh đạo thế giới, mà hệ quả đi kèm là một thảm họa mang tính hệ thống, một sự sụp đổ khó cưỡng. Còn nếu chỉ ngồi nhìn Mỹ lấn lướt giành phần thắng áp đảo, Nga cũng sẽ đối mặt với một bi kịch tương tự: Sự tan rã của nhà nước, viễn cảnh nhiều vùng lãnh thổ bị sáp nhập, ly khai, sức mạnh quân sự bị hủy hoại. 

Đối đầu Nga – Mỹ vì thế sẽ chỉ chấm dứt nếu một bên giành thắng lợi. Bất kì một thỏa thuận chuyển tiếp nào đều chỉ nên xem là một kiểu “ngừng bắn” tạm thời - là cách để các bên chấn chỉnh sức mạnh, huy động nguồn lực mới và tìm kiếm những đồng minh mới. 

Theo: Báo Tin Tức