Quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh |
“Tôi thực sự không hiểu Mỹ có thể chỉ trích những hành động của Nga thế nào nếu như họ từ chối đối thoại trực tiếp. Điểm yếu cơ bản của Mỹ là họ không có chương trình, trong khi chúng tôi đang để cửa mở cho các cuộc đàm phán”, ông Putin phát biểu với báo chí trong chuyến thăm thủ đô Astana, Kazakhstan.
Trong khi xích mích gia tăng về chiến dịch không kích của Nga tại Syria bắt đầu hôm 30/9, Mỹ đã bác bỏ đề xuất của ông Putin về việc cử một phái đoàn do thủ tướng Dmitry Medvedev tới Washington để giải thích về chiến dịch quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm phiến quân khác.
Theo Bloomberg, ông Putin cáo buộc một số quốc gia đã cố tình không chịu hiểu rằng sự can thiệp của Nga cốt để đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã “lấy làm tiếc” về việc Mỹ từ chối đàm phán cấp cao. “Chúng tôi phải nói rằng chúng tôi không quan tâm tới việc đó chừng nào Nga không muốn thể hiện sự đóng góp mang tính xây dựng vào cuộc chiến chống IS của chúng tôi. Nga có chương trình riêng của họ và hiện nay họ vẫn theo đuổi nó”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố.
Thậm chí bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter còn ví Nga đang tự cuốn mình vào “tấm vải liệm” về vấn để Syria và cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Carter cho rằng hành động của Nga ủng hộ Assad sẽ thổi bùng và kéo dài cuộc nội chiến tại Syria, trong khi Mỹ ngày càng nhìn nhận quân đội Nga thiếu chuyên nghiệp.
Trong khi đó, DefenseOne cho biết Nga đã buộc Lầu Năm Góc phải xem xét lại tất cả chiến lược của mình. Giới quân sự Mỹ đang tìm cách chuẩn bị tốt hơn để đối phó và ngăn chặn Moscow bởi liên tiếp khiến giới chức Mỹ kinh ngạc về các động thái quân sự của mình.
Lầu Năm Góc đang xem xét lại tất cả mọi vấn đề, từ công tác huấn luyện đến răn đe hạt nhân sau động thái Nga triển khai quân sự tại miền đông Ukraine và mới nhất là tại Syria. “Chúng ta phải viết lại một hướng dẫn chiến lược mới, bao gồm chuẩn bị đối phó với các thách thức mới như chiến tranh lai và chiến tranh mạng, đồng bộ tốt hơn răn đe thông thường và hạt nhân tại châu Âu, cũng như đang điều chỉnh lại vị thế và sự hiện diện của chúng ta nhằm thích nghi và đáp trả các thác thức và nguy cơ mới”, ông Carter phát biểu tại Washington ngày 14/10.
Theo ông Carter, kế hoạch mới cần dựa trên những hình thái biến đổi nhanh chóng khác nhau của các lực lượng sẵn sàng cao độ có thể phản ứng rất mau lẹ. Các lực lượng này phải được chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với chiến tranh cường độ cao và chiến tranh dân quân ủy nhiệm còn được gọi dưới cái tên “những người lịch sự” ở Ukraine. “Chúng ta sẽ thực hiện tất cả mọi bước cần thiết để ngăn chặn những chiêu hiểm của Nga, gây mất ảnh hưởng, dọa nạt và xâm lược. Đó là thực tại mới với chúng ta về mặt chiến lược”, ông Carter nói.
Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, tướng Ben Hodges cho biết Nga đồn trú 25.000 quân tại Crimea và thêm chừng đó tại đông Ukraine. Tướng Hodges thừa nhận thực tế Mỹ không có đủ khả năng tình báo để làm mọi thứ cần làm. Trong nhiều thập kỷ qua, Lầu Năm góc chỉ tập trung đào tạo các ngôn ngữ phục vụ cho khu vực Trung Đông. “Chúng ta còn không có đủ người nói tiếng Nga nữa”, ông Hodges nói.
Tướng Hodges cho biết ông kinh ngạc khi Nga điều quân tới Syria. “Chúng ta còn không đủ khả năng quan sát và theo dõi xem họ đang thực hiện cách mà chúng ta từng làm”. Mỹ cáo buộc trong hai tuần qua, chiến đấu cơ Nga liên tục tiến hành không kích tại Syria, dội lửa vào các nhóm nổi dậy ôn hòa muốn lật đổ Assad được Mỹ hậu thuẫn chứ không phải IS.
Giới chức Lầu Năm Góc lo sợ máy bay chiến đấu Nga có thể va chạm với chiến đấu cơ Mỹ cũng đang không kích IS trên bầu trời Syria. Ngày 14/10, quan chức Nga và Mỹ đã tiến hành cuộc họp cầu truyền hình lần thứ ba kể từ khi Nga phát động chiến dịch không kích.
Theo QPAN