Đó là nhiệt huyết, khát vọng của một người đàn ông muốn tạo ra một mẫu smartphone thực sự của Việt Nam chứ không phải là những chiếc điện thoại khoác thương hiệu Việt Nam nhưng có “vỏ đại gia, ruột tiểu quỷ”!
Nổi tiếng với biệt danh Quảng “nổ”
Giám đốc điều hành BKAV bắt đầu được dân mạng gán biệt danh Quảng “nổ” khi ông nói rằng người Việt hoàn toàn có thể tạo ra được những sản phẩm, những phần mềm có thể cạnh tranh sòng phẳng với những sản phẩm nổi tiếng nhất, nhì thế giới. Biệt danh này càng trở nên nổi tiếng hơn khi năm 2015, tại khán phòng của Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông Quảng cầm trên tay chiếc Bphone thế hệ thứ nhất do BKAV sản xuất và liên tục nhắc lại câu nói “Thật không thể tin nổi”, “siêu phẩm hàng đầu”.
Chiếc Bphone 1 ấy đã không thực sự thành công như mong đợi của BKAV khi sau đó đã phát sinh một số lỗi như camera chụp ảnh bị ám xanh, điện thoại dùng rất nhanh nóng. Sau này Tử Quảng đã chia sẻ rằng, hồi đó do thiếu kinh nghiệm thiết kế nên đặt con chip CPU và con chip Wi-Fi gần nhau quá gây cộng nhiệt.
Sau khi nhận vô số gạch đá từ cộng đồng mạng về chiếc Bphone 1, Nguyễn Tử Quảng đã mất hơn một năm rơi vào trạng thái trầm cảm. Không trầm cảm sao được khi đứa con tinh thần của mình, mang bao hy vọng và ấp ủ của mình đã không được hoàn hảo như mong đợi, để rồi phải nhận vô số lời chỉ trích từ cộng đồng. Có lẽ chính những phát biểu quá tự tin của ông đã khiến cho mọi người nhìn nhận sản phẩm của BKAV với một con mắt cực kỳ khắt khe, cho dù là một lỗi nhỏ cũng trở thành rất lớn.
Đã có rất nhiều sản phẩm thế hệ đầu tiên của các hãng lớn “dính” đầy lỗi. Ngay cả chiếc iPhone đầu tiên khi Steve Jobs trình diễn trong khán phòng chật ních người cũng dính đầy lỗi vặt, nhưng Steve Jobs cũng đã khôn khéo “giấu nhẹm” đi. Chẳng hạn như iPhone không thể phát trọn vẹn một đoạn nhạc vì chạy lâu là bị crash ứng dụng, hoặc người dùng không thể lướt web rồi chuyển qua gửi email, lỗi quản lý bộ nhớ khiến iPhone bị khởi động lại liên tục khiến cho Steve Jobs phải bí mật thay đổi vài chiếc iPhone trong buổi trình diễn…
Đầu tư 500 tỷ cho Bphone 1 và Bphone 2017, sứ mệnh chinh phục người dùng Việt
Sau hơn một năm hứng chịu “gạch đá” của dư luận. BKAV đã quyết tâm cho ra đời Bphone thế hệ hai. CEO BKAV cho biết tính đến nay công ty đã đầu tư 500 tỷ đồng cho Bphone 1 và Bphone 2017. Số tiền này hoàn toàn là nguồn vốn từ BKAV, không huy động bất cứ nguồn tiền đầu tư nào từ bên ngoài. Số tiền đầu tư này đến từ nguồn kinh doanh sản phẩm phần mềm chống virus BKAV Pro.
Hiện tại thì BKAV vẫn đang phải bù lỗ cho mọi sản phẩm Bphone 2017 bán ra. Ông Quảng nói rằng vì sứ mệnh của Bphone 2017 là chinh phục người dùng Việt, để cho người dùng thấy được sản phẩm của Việt Nam cũng tốt không kém sản phẩm nước ngoài, nên BKAV chưa đặt nặng vấn đề doanh số và lãi. Tuy nhiên “nếu có vài chục nghìn sản phẩm bán được thì BKAV sẽ không phải bù lỗ”, Nguyễn Tử Quảng cho biết.
CEO BKAV khẳng định trước báo giới rằng công ty của ông có kế hoạch nghiêm túc để chinh phục người tiêu dùng. Đây là chiến lược trong kế hoạch dài hạn của công ty. Nguyễn Tử Quảng nói rằng BKAV có sứ mệnh “tạo ra một hình mẫu để Việt Nam sản xuất những sản phẩm bằng trí tuệ chứ không phải bằng tài nguyên thiên nhiên”.
Liệu Bphone có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm của các tập đoàn lớn trên thế giới? CEO BKAV khẳng định hoàn toàn có cơ hội. “Sự phát triển của bất cứ sản phẩm nào cũng theo hình sin, khi lên tới đỉnh rồi thì sẽ đi xuống. Tôi tin là nếu đi đúng hướng, Việt Nam sẽ đứng trên đỉnh hình sin thứ hai”.
Bphone 2017 có 0,9% là linh kiện Trung Quốc, đó là những linh kiện nào?
Khi Bphone 1 ra mắt và cho đến nay là Bphone 2, rất nhiều người cho rằng đây là một sản phẩm Trung Quốc đội lốt thương hiệu Việt, “vỏ đại gia, ruột tiểu quỷ”, rằng BKAV chỉ toàn mua linh kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, Nguyễn Tử Quảng đã khẳng định chỉ có 0,9% linh kiện của Bphone 2017 xuất xứ Trung Quốc, còn lại 54% có xuất xứ từ Nhật Bản, 23% của Mỹ và số còn lại là châu Âu, Hàn Quốc… Vậy những linh kiện Trung Quốc là linh kiện gì?
CEO BKAV giải thích rằng trong cụm camera sau chứa cảm biến của Sony, thấu kính của Legrand (Pháp), động cơ chống rung Rome (Nhật Bản). Tất cả các linh kiện cơ khí này được đóng gói bởi hãng Truly của Hồng Kông Trung Quốc. Cụm camera trước của máy dùng cảm biến OmniVision, cũng được đóng gói bởi hãng Truly.
Linh kiện thứ hai có xuất xứ Trung Quốc là màng chắn loa thoại. Linh kiện thứ ba có liên quan đến Trung Quốc là ở phần cảm biến vân tay. Bphone 2017 sử dụng cảm biến của hãng FTC (Thụy Sỹ) nhưng việc đóng gói viền kim loại xung quanh cũng là của hãng Truly, Hồng Kông, Trung Quốc. Linh kiện thứ tư là motor rung của hãng ZinLong. Hãng này cũng cung cấp motor rung cho điện thoại iPhone của Apple. Thứ năm là viên pin. Bphone 20017 sử dụng pin của hai hãng: Amperex Technology và LG, trong đó Amperex là một hãng có trụ sở ở Hồng Kông, là một trong những hãng sản xuất pin lớn nhất thế giới. Thực chất Amperex Technology có gốc là công ty TDK, Nhật Bản.
Sẽ tiếp tục đầu tư cho Bphone chừng nào còn có thể
Cũng trong cuộc gặp gỡ với báo giới, đã có phóng viên đặt câu hỏi rằng: BKAV đang phải bù lỗ cho mỗi sản phẩm Bphone 2017 bán ra, vậy BKAV có thể cầm cự được trong bao lâu nếu cứ lỗ? Và nếu lỗ như vậy thì có tiếp tục cho ra đời Bphone thế hệ tiếp theo không. Nguyễn Tử Quảng đã không ngần ngại mà khẳng định rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho Bphone chừng nào còn có thể”, bởi vì đó là một kế hoạch dài hạn, một sứ mệnh để tạo ra một smartphone thực sự của Việt Nam, có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của các hãng công nghệ trên thế giới. CEO BKAV nói rằng hiện nay sản phẩm của BKAV chỉ kém về mặt thương hiệu, chứ chất lượng thì không thua kém gì các sản phẩm cận cao cấp của nước ngoài.
Vị Giám đốc điều hành của BKAV cũng không quên chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu “lọ mọ” phát triển smartphone của riêng mình. Vào năm 2009, khi cùng các cộng sự bắt tay vào xây dựng chip cho smartphone, ông Quảng và cộng sự đã tìm đến Qualcomm Việt Nam để nhờ hỗ trợ. Nhưng lúc đó Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam đã từ chối khéo vì không tin rằng một công ty Việt Nam có thể làm được một sản phẩm như vậy.
BKAV sau đó đã soạn một email gửi đến cho tất cả các công ty chế tạo chip lớn trên thế giới để tìm kiếm sự trợ giúp và hợp tác, nhưng cũng không nhận được sự phản hồi tích cực. Chỉ có một công ty duy nhất là FreeScale đồng ý hợp tác. Đây là một công ty sản xuất chip cho thiết bị công nghiệp chứ không phải cho điện thoại di động. Nhưng FreeScale cũng chỉ gửi con chip chứ không chỉ dẫn gì. Các kỹ sư của BKAV đã nghiên cứu chip này và đã xây dựng được một chip xử lý riêng. Nhưng cũng phải mất đến 3 năm thì vi xử lý này mới có thể hoạt động.
Mang con chip do mình thiết kế quay lại Qualcomm, lúc này BKAV mới nhận được sự đón nhận của hãng. Qualcomm đã đồng ý trợ giúp thêm về mặt kỹ thuật, nhưng cũng chỉ ở mức “dè dặt” khi cử một nhân viên kỹ thuật duy nhất sang BKAV hỗ trợ. Và một thời gian sau đó thì chiếc Bphone chứa nhiều tâm huyết của Nguyễn Tử Quảng đã ra đời, trong sự ngạc nhiên “không thể tin nổi” của ông.
Nói về Bphone 1, Nguyễn Tử Quảng cho rằng điều đáng tiếc là mình đã quá chú tâm vào phát triển để cho ra đời sản phẩm smartphone đầu tay, mà quên mất việc “nghiên cứu thị trường thật kỹ”. Khi sản phẩm ra đời, BKAV nghĩ đó là tốt, nhưng sản phẩm đã không phát triển được như ý muốn. Trước ngày công bố sản phẩm, đã có hơn 10.000 khách hàng đặt mua Bphone 1. Phải đến 2 tháng sau những chiếc Bphone mới được hoàn thiện và đưa ra thị trường trong vô số lời chê bai của số đông, nhưng vẫn có 3.000 khách hàng bỏ tiền mua sản phẩm. “Tôi thực sự… muốn gửi lời cảm ơn tới… những khách hàng… đã mua Bphone 1”, CEO BKAV đã không kiềm chế được sự xúc động.
Sẽ ra mắt Bphone thuộc phân khúc tầm trung
Khi được hỏi tại sao không sản xuất một phiên bản Bphone giá rẻ để người tiêu dùng ai cũng có thể mua được, Nguyễn Tử Quảng nói rằng không muốn đi theo cách của một số hãng điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, Oppo đã làm. CEO BKAV khẳng định làm điện thoại giá rẻ sẽ có ngay lợi nhuận, sẽ có ngay khách hàng nhưng sẽ bị mắc kẹt ở phân khúc đó. Nếu làm theo cách đó, BKAV sẽ mắc kẹt vào “cái bẫy định vị thương hiệu”, khi nghĩ đến sản phẩm Bphone người ta sẽ nghĩ đến những chiếc điện thoại rẻ tiền. Bản thân Oppo hay Xiaomi cũng mắc kẹt trong cái bẫy thương hiệu đó. Một quản lý siêu thị điện tử từng nói với tôi rằng sản phẩm của Oppo chỉ cần tăng giá thêm 300 nghìn là không thể bán được.
Hiện nay thì số lượng khách hàng đặt mua Bphone 2017 là nhiều hơn so với suy nghĩ của những người lãnh đạo BKAV. Mặc dù vẫn có nhiều lời chê bai, thậm chí có kênh video công nghệ còn làm video lấy hai tay bịt hết phần ăng ten để chứng minh Bphone 2017 dễ bị tụt sóng Wi-Fi (thực tế sử dụng không ai cầm điện thoại theo kiểu như vậy), nhưng Bphone 2017 vẫn tiếp tục được khách hàng đặt mua. BKAV đã thống nhất với Thế Giới Di Động tạm dừng đặt hàng đến hết tháng 8 để BKAV có thể nâng năng suất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu đối với sản phẩm.
CEO BKAV cũng nói rằng không loại trừ công ty sẽ tung ra một mẫu Bphone thuộc phân khúc tầm trung để phù hợp với túi tiền người tiêu dùng hơn.
Thiết nghĩ, chúng ta nên trân trọng những nỗ lực của BKAV. Cho dù họ có “nổ”, có nói quá thì trong thâm tâm họ thực sự đang mong muốn tạo ra một smartphone Việt Nam đúng nghĩa. Người tiêu dùng không nên quá khắt khe với sản phẩm, cũng không nên dựa vào con chip, RAM, dung lượng lưu trữ, dung lượng pin mà đánh giá Bphone 2017 chỉ tương đương với các sản phẩm có giá 5- 7 triệu trên thị trường. Bản thân người viết đã từng được dùng mẫu điện thoại cao cấp của Xiaomi là chiếc Mi 6 với chip Snapdragon 835 “đầu bảng”, RAM 4 GB. Nhưng Mi 6 dùng khá nóng và khi gần hết pin thì rất hay bị treo. Các nhà sản xuất Trung Quốc thường đẩy cấu hình lên cao để “hù dọa” người dùng, chứ hiệu năng và chất lượng linh kiện của họ thì không hề tốt.
Tổng thống Vladimir Putin đã từng tặng chiếc Yota Phone (một smartphone do Nga sản xuất) cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việt Nam có thể làm như vậy không? Người viết dành phần trả lời này cho các bạn.