Ông Nguyễn Đăng Quang thôi chức Chủ tịch Masan Consumer

VietTimes -- Phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (mã CK: MCH) ngày 23/6 đã quyết định tăng số lượng thành viên Hội đồng quản trị lên 6 người, với sự xuất hiện của ông Trương Công Thắng, người thay ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch Masan Consumer
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ông Nguyễn Đăng Quang không còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhưng vẫn đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT.

Công ty cũng tiến hành thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Nguyễn Đăng Quang, ông Seokhee Won sang ông Trương Công Thắng và ông Seokhee Won.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, Masan Consumer đã quyết định thay đổi trụ sở làm việc về tầng 12, tòa nhà MPlaza Saigon, số 39 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Quyết định thay đổi nhân sự bất thường của Masan Consumer trong bối cảnh hoạt động chính của công ty đang có xu hướng chững lại. Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu của Masan Consumer giảm gần 17%, còn lợi nhuận chỉ ghi nhận một phần ba so với cùng kỳ. Năm 2016 mặc dù doanh thu của công ty vẫn tăng gần 4,4% so với cùng kỳ 2015, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm gần 8%. Đà giảm kéo dài từ năm 2014 đến nay.

Thay đổi này được cho là sẽ gây tác động đến kết quả kinh doanh nửa đầu năm nhưng Masan Consumer cho rằng công ty sẽ có vị thế tốt hơn vào nửa cuối 2017 và đảm bảo tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Năm 2017, Masan Consumer đặt kế hoạch doanh thu trong khoảng từ 14.500 - 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế và sau cổ đông thiểu số ước đạt 2.550 - 2.810 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963, hiện đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Masan và Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tecombank. Tuy giữ nhiều chức vụ quan trọng song ông Quang nắm giữ tỷ lệ cổ phần không đáng kể tại Masan Group cũng như các đơn vị thuộc tập đoàn này.
Còn cựu Chủ tịch Trương Công Thắng gia nhập Masan từ năm 2002, sau thời gian dài làm việc tại P&G. Đến cuối năm 2007, ông được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc của Masan Consumer. 

Trong suốt quá trình lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Masan kể từ 2008 đến năm 2014, ông Thắng đã đưa Masan Consumer trở thành một trong những "đế chế" chi phối thị trường này với ba dòng sản phẩm chính là gia vị (thương hiệu Chinsu, Tam Thái Tử), mỳ ăn liền (thương hiệu Kokomi và Omachi) và đồ uống.

Trong hơn 6 năm dưới sự điều hành của vị lãnh đạo này, doanh thu thuần của Masan Consumer tăng từ 660 tỷ năm 2007 lên gần 12.000 tỷ đồng năm 2013. Lợi nhuận trước thuế tăng từ 115 tỷ lên gần 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi ông Thắng từ nhiệm vào đầu năm 2014 vì lý do cá nhân, hoạt động của Masan Consumer đã có xu hướng chững lại ở hầu hết các lĩnh vực chính.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành hàng gia vị trong 3 năm gần đây chỉ còn duy trì 2-5%, trong khi đó theo báo cáo của Nielsen thị trường của ngành hàng này đạt tốc độ tăng trưởng 25-32%. Các thương hiệu chính của Masan như Chinsu, Tam Thái Tử gặp phải sự cạnh tranh đến từ Knorr (Unilever), Maggi (Nestlé), Aji-ngon (Ajinomoto) hay Miwon. Ngành hàng mỳ ăn liền cũng gặp tình cảnh tương tự khi doanh thu sau khi đạt đỉnh năm 2014 đã sụt giảm liên tục 2 năm sau đó. Thị phần của Masan Consumer giảm từ 25,7% năm 2013 xuống còn 24% vào năm 2016.