Trong phần toạ đàm "Tin nên tin", trong khuôn khổ ngày hội Tinternet vừa diễn ra tối 23/11 tại Học viện Báo chí và Truyên truyền (TP. Hà Nội), ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nêu quan điểm rằng tin giả, tin sai sự thật xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Và việc kiểm soát thông tin hiện nay lại trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
"Cuộc chiến chống tin giả là một cuộc rượt đuổi" - ông Lê Quang Tự Do nói, và giải thích rằng chưa bao giờ chúng ta gặp tình trạng hậu kiểm như hiện nay, mọi người viết, bày tỏ ý kiến trên các mạng xã hội. Sau khi thông tin được người dùng đăng tải thì các nền tảng mạng xã hội mới kiểm tra các thông tin đó có thật không.
Vì thế, theo ông Tự Do, để hạn chế được tin giả, bản thân người dùng mạng cần có ý thức kiểm duyệt thông tin trước khi đăng để tránh lan truyền tin giả, tin sai sự thật.
Trước hàng ngàn người tham dự toạ đàm, trong đó, phần nhiều là sinh viên Học viện Báo chí và Truyên truyền, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã dẫn kết quả nghiên cứu tâm lý học để gợi ý về kỹ năng xử lý thông tin, ứng phó với tin giả của người dùng mạng xã hội. Cục trưởng cho rằng, một người nhận được một bình phẩm về mình là quá giới hạn chịu đựng. Nhưng trên mạng xã hội, một người có thể nhận về số lượng bình luận tiêu cực vượt quá giới hạn hàng ngàn lần. Trong khi đó, có những người chưa được bao giờ được trang bị kiến thức, kỹ năng đối phó với những lời bình phẩm, nhận xét như vậy.
Do đó, ông Tự Do cho rằng cần kiểm tra thông tin 2 lần, để xem thông tin có uy tín, đáng tin hay không. "Cùng với đó, chúng ta tập phớt lờ những lời bình phẩm trên mạng, không nên ứng xử với những bình phẩm trên mạng như những lời bình phẩm trực tiếp, nếu không khó sống, khó tồn tại", ông Do đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ.
Gần 1.5 triệu video gắn hashtag Anti Fake News, 5 tỉ lượt xem trên TikTok
Toạ đàm "Tin nên tin" và ngày hội Tinternet đều là hoạt động trong chiến dịch “Tin” do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tổ chức từ tháng 9/11 bao gồm các hoạt động chính: Cuộc thi sáng tạo nội dung Anti Fake News trên nền tảng TikTok, Chương trình tổng kết Chiến dịch Tinternet và chuỗi bài truyền thông lan tỏa thông điệp chương trình, với mục tiêu cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.
Đồng thời, chương trình cũng hướng đến mục tiêu giúp cho người dùng Internet nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên không gian mạng.
Trải qua 2 tháng tổ chức, Chiến dịch “Tin” được sự quan tâm lớn đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông và đông đảo công chúng.
Cùng với đó, cuộc thi sáng tạo nội dung Anti Fake News trong khuôn khổ Chiến dịch đã thu hút hơn 50 bài dự thi, thu về hơn 130 triệu lượt xem sau gần 1 tháng triển khai. Bên cạnh các video dự thi, có hơn 100 video cũng tham gia đưa tin về chương trình, với số lượt xem lên tới gần 280 triệu lượt.
Đặc biệt, thông điệp Anti Fake News đã được rất nhiều nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng thông qua việc đặt hashtag trên bài đăng. Đến ngày 20/11 đã có gần 1.5 triệu video gắn hashtag Anti Fake News trên nền tảng TikTok, với hơn 5 tỉ lượt xem.
Nói về các kết quả này, ông Tự Do cho biết, mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao ý thức cộng đồng. Càng có nhiều bạn trẻ có kỹ năng phát hiện và xử lý tin giả thì không gian mạng càng trong sạch.
"Đây là lần đầu chúng tôi tổ chức chiến dịch trên mạng về chủ đề mà gần như ai cũng gặp phải. Rất vui là sự hưởng ứng của cộng đồng, các nhà sáng tạo nội dung và báo chí đều rất tích cực. Con số rất ấn tượng này thể hiện sự chung sức của cộng đồng mạng với cơ quan nhà nước trong cuộc chiến chống tin giả", ông Tự Do nói.
Tại sự kiện cũng đã diễn ra Lễ trao giải cuộc thi “Anti Fake News". Trong đó, tổng giá trị giải thưởng được trao lên tới 150 triệu đồng bao gồm tiền mặt và các phần quà của Ban tổ chức./.