Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 29/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden ngày 28/12 (giờ Mỹ) đã kêu gọi xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn về thương mại và kinh tế để chống lại Trung Quốc, cho dù EU dường như đã sẵn sàng đạt được một hiệp nghị đầu tư song phương với Bắc Kinh.
Ông Biden đã tổ chức một cuộc họp với Nhóm Ngoại giao và An ninh Quốc gia tại Wilmington, Delaware. Tham dự cuộc họp này có các ông Antony Blinken, người được đề cử Ngoại trưởng; Jake Sullivan, người đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia và bà Avril Haines, người được đề cử Giám đốc Tình báo Quốc gia. Ông Biden sau cuộc họp đã có bài phát biểu, nhấn mạnh rằng Mỹ cần dẫn đầu ứng phó với những mối đe dọa lớn nhất, nhưng nếu chỉ có một mình Mỹ đơn độc thì sẽ không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.
Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng cần cùng nhau đối phó Trung Quốc
Ông Biden chỉ ra rằng Mỹ chỉ chiếm 25% nền kinh tế toàn cầu, nếu các quốc gia dân chủ đứng cùng trận tuyến sẽ tăng gấp đôi con bài thương lượng trong các cuộc đàm phán kinh tế. Joe Biden nói: "Khi chúng ta cạnh tranh với Trung Quốc và truy cứu các vi phạm thương mại, công nghệ, nhân quyền và các vi phạm khác của chính phủ Trung Quốc, khi chúng ta xây dựng liên minh của các đối tác và đồng minh có cùng chí hướng, lập trường của chúng ta sẽ kiên định hơn".
Ông Joe Biden chủ trương Mỹ và EU liên kết lại để đối phó với Trung Quốc (Ảnh: Dongfang). |
Ông nói thêm: "Trong bất kỳ vấn đề nào quan trọng đối với quan hệ Mỹ - Trung, từ việc theo đuổi chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu, bao gồm bảo vệ người lao động Mỹ, quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta, thương mại môi trường và các chương trình kinh tế, đến đảm bảo an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, sau đó là ủng hộ nhân quyền, khi các quốc gia có tầm nhìn chung với chúng ta hợp tác với nhau, chiến lược của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn".
Vào thời điểm EU và Trung Quốc có khả năng sẽ ký được một thỏa thuận đầu tư, bà Mary Lovely, nhà nghiên cứu cấp cao tại Peterson Institute for International Economics (PIIE) (Viện Kinh tế Quốc tế Peterson), một tổ chức tư vấn của Washington, nói với South China Morning Post rằng EU vội vã muốn ký một thỏa thuận với Trung Quốc, có lẽ liên quan đến việc Mỹ bắt đầu thực hiện Hiệp định thương mại giai đoạn một với Trung Quốc. Bà nói: "Giai đoạn đầu của hiệp định thương mại Mỹ - Trung đã không tính đến tác động của các hành động của Trung Quốc đối với châu Âu; điều này có thể khiến EU quyết định đạt được thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc trước cuối năm nay".
Bà Lovely cho rằng thế giới bên ngoài đã thổi phồng quá mức suy đoán rằng thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc sẽ khiến EU và Mỹ khó đạt được đồng thuận. Bà nói với South China Morning Post rằng EU và Mỹ vẫn có thể tìm ra những vấn đề quan trọng đối với cả hai bên có thể hợp tác để giải quyết vấn đề Trung Quốc.
Chính quyền Joe Biden tiếp tục chống Trung Quốc
Ông Joe Biden nhấn mạnh, chính sách Trung Quốc của ông sẽ giữ nhất quán với chính quyền Donald Trump ở một mức độ nhất định, điều này cũng có thể thấy được từ nội các mà ông bổ nhiệm. Hồi tháng trước, ông Biden tuyên bố sẽ đề cử ông Antony Blinken làm Ngoại trưởng. Blinken là cố vấn trong thời gian dài của ông Biden, từng là trợ lý cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và từng là Cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ Phó Tổng thống của ông Biden từ năm 2009 đến năm 2013.
Hồi tháng 7/2020, ông Blinken nhấn mạnh trong một sự kiện tại Hudson Institute (Viện Hudson), một tổ chức tư vấn của Washington, rằng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có cùng quan điểm về Trung Quốc và coi đây là một thách thức lớn. Ông cũng cho biết sẽ hợp tác với các đồng minh của Mỹ đối kháng Trung Quốc trong các vấn đề như hành vi thương mại.
Chính quyền Donald Trump trong 4 năm qua đã sử dụng các động thái lớn và lời lẽ sắc bén chống lại Trung Quốc. Lấy ví dụ như Ngoại trưởng Mỹ hiện tại Mike Pompeo, là đại diện cho phe diều hâu với Trung Quốc. Kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2018 đến nay, cô lập Bắc Kinh đã trở thành mục tiêu then chốt của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Từ khi ông Mike Pompeo giữ chức Ngoại trưởng năm 2008, cô lập Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của Bộ Ngoại giao Mỹ (Ảnh: Deutsche Welle) |
Ông Mike Pompeo đã có bài phát biểu quan trọng nhất về Trung Quốc tại Thư viện Tổng thống Nixon ở California vào tháng 7 năm nay. Ông tuyên bố với các chính phủ ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới rằng, tiếp xúc với Bắc Kinh sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi cho các nền dân chủ trên thế giới.
Ông nói: "Nếu chúng ta hiện nay không hành động, Trung Quốc cuối cùng sẽ xói mòn tự do của chúng ta và lật đổ các quy tắc và trật tự cơ bản mà xã hội của chúng ta đã nỗ lực để thiết lập".
Mặc dù vậy, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện giai đoạn đầu của hiệp định thương mại được ký kết vào tháng 1/2020, mặc dù tiến độ thực hiện rất chậm. Vào tháng 6/2020, chính phủ Trung Quốc đã cho phép ngân hàng đầu tư Phố Wall JPMorgan Chase hoạt động kinh doanh kỳ hạn đầu tiên hoàn toàn do vốn nước ngoài kiểm soát tại Trung Quốc. Trong cùng tháng 6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cuối cùng đã chấp thuận giấy phép thanh toán qua mạng của liên doanh American Express, cho phép nó trở thành công ty thẻ tín dụng nước ngoài đầu tiên được hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.