Quan điểm này được ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã CK: TCB) – chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) diễn ra vào sáng nay (23/4).
CEO Techcombank cho biết, trong năm 2021, nhà băng này lãi trước thuế hợp nhất đạt 23.238 tỉ đồng, tăng 47,1% so với năm 2020. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của TCB đạt 568.729 tỉ đồng, tăng 29,4% so với năm 2020. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2021 đạt 388.308 tỉ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi khách hàng của TCB tăng trưởng tới 14,6%, đạt mức 332.000 tỉ đồng. Tỷ lệ CASA tiếp tục được cải thiện, từ 46,1% đến 50,5%. Điều này giúp TCB giảm được 115 điểm phần trăm chi phí vốn, từ 3,4% cuối năm 2020 xuống chỉ còn 2,2% tại thời điểm cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, khoảng 11.800 tỉ đồng dư nợ đã được TCB tái cơ cấu cho khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong giai đoạn 2020 – 2021. Cùng với sự phục hồi của khách hàng, số dư nợ này đã giảm xuống chỉ còn 1.900 tỉ đồng (tương đương 0,5% tổng dư nợ) vào cuối năm 2021.
“Việc trích lập dự phòng thận trọng đã giúp Techcombank vượt qua thời kỳ khó khăn”, ông Jens Lottner cho biết.
Theo CEO Techcombank, ở tất cả các chỉ số, ngân hàng này đều làm tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh và điều này đã đem lại thành quả nhất định.
“Techcombank làm tốt như vậy đã phản ánh vào giá cổ phiếu chưa (!?). Rất tiếc, chưa đầy đủ”, CEO Techcombank nói.
Năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỉ đồng (tăng trưởng 16,2%); tăng trưởng dư nợ tín dụng 15%, ước đạt 446.554 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Techcombank sẽ tiếp tục không chia cổ tức năm 2021 với lý do nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 15.801,7 tỉ đồng.
Sau khi trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ phúc lợi, lợi nhuận còn lại ở mức 13.393,5 tỉ đồng. Luỹ kế các khoản lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước, Techcombank có 40.136,9 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối./.