Toàn cảnh buổi gặp gỡ nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý 4/2021 của Techcombank |
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh quý 4/2021, ông Ngô Hoàng Hà – Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã CK: TCB) – cho rằng biên lãi ròng (NIM) của toàn ngành ngân hàng sẽ chịu sức ép giảm nhẹ trong năm 2022.
Nguyên nhân là do việc tăng trưởng tín dụng cao hơn khiến các ngân hàng nhỏ có xu hướng tăng lãi suất huy động, từ đó gây sức ép cho các ngân hàng lớn về việc tăng lãi suất huy động có kỳ hạn.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay khả năng khó tăng mạnh trong năm 2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, đồng thời sự cạnh tranh về việc tăng lãi suất cho vay giữa các ngân hàng khó hơn, điều này sẽ tạo ra sức ép cho toàn ngành.
Đối với TCB, ông Hà cho rằng phía ngân hàng có một số lợi thế nhất định để giảm thiểu những áp lực nêu trên.
Cụ thể, TCB có tỉ lệ an toàn vốn cao và mức xếp hạng tín nhiệm tốt của các tổ chức trên thế giới (S&P, Moody’s), tạo lợi thế cho ngân hàng đa dạng hoá nguồn vốn, không chỉ huy động trong nước mà còn cả nước ngoài với lãi suất cạnh tranh.
Bên cạnh đó, TCB sẽ tiếp tục tăng trưởng tỉ lệ về CASA, giúp ngân hàng giảm chi phí vốn. Tập trung về dữ liệu dự báo các phần tăng trưởng cho vay để đảm bảo duy trì tỉ lệ dư thừa vốn ở mức tối thiểu, giúp NIM tăng trưởng.
Triển vọng một số chỉ tiêu năm 2022 của TCB |
Theo ông Hà, NIM của TCB trong năm 2022 có thể giảm nhẹ so với 2021. Nhưng với những lợi thế nêu trên, ngân hàng sẽ cố gắng giảm thiểu các tác động của thị trường và duy trì NIM ở mức tốt so với toàn ngành.
Năm 2021, TCB báo lãi trước thuế đạt hơn 1 tỉ USD. Đáng chú ý, nhà băng này tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu về tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với mức cao kỷ lục 50,5%.
Tuy nhiên, ông Ngô Hoàng Hà khẳng định tỉ lệ CASA mà TCB vừa đạt được chưa phải là đỉnh. “Chúng tôi đặt mục tiêu CASA lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới”, ông Hà nói.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh đã áp dụng chính sách “zero fee”. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng điều này không quá ảnh hưởng đến lợi thế tăng trưởng CASA của ngân hàng.
Vị lãnh đạo của TCB chia sẻ, chính sách “zero fee” của ngân hàng đã được triển khai từ năm 2016 và sau 5 năm thì các ngân hàng khác bắt đầu đi theo. Ông Hà đánh giá đây là điều tốt cho khách hàng, được giao dịch mà không mất phí./.