Hôm 20/8, theo giờ Washington, ông Trump đã nói như trên khi trả lời các câu hỏi của các phóng viên về bản báo cáo này trước khi tiến hành cuộc hội đàm với Tổng thống Romania Klaus Iohannis tại Nhà Trắng.
Khi một phóng viên hỏi: “Một báo cáo từ Australia cho rằng với tình hình quân sự hiện tại của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể phá hủy hoàn toàn phần lớn các căn cứ quân sự của Mỹ trong vòng vài giờ. Đây liệu có phải là điều sẽ khiến ngài mất ngủ vào ban đêm?”.
Ông Trump đã trả lời, không có điều gì khiến ông mất ngủ vào ban đêm. “Tôi xin nói với bạn rằng, chúng ta có thể phá hủy triệt để bất cứ thứ gì, chúng ta có sức mạnh nhất trên thế giới” – ông khẳng định.
Đề cập đến cuộc cải cách quân sự và chi tiêu quốc phòng đang diễn ra ở Mỹ, ông Trump nói, hai năm rưỡi trước khi ông nhậm chức, Mỹ đang ở một vị trí rất tệ hại, nhưng bây giờ đang ở “một vị thế rất mạnh” và chi tiêu quốc phòng từ 700 tỷ đã tăng lên 716 tỷ rồi đến 738 tỷ đô la Mỹ. “Lúc này chúng ta đang có quân đội hùng mạnh nhất thế giới, chúng ta đã đến rất gần việc hoàn thành tất cả mọi việc tổ chức lại và chúng ta đã tổ chức lại quân đội”.
Văn phòng Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ: việc bán 66 máy bay F-16V sẽ giúp cải thiện an ninh của phía bên tiếp nhận và giúp duy trì sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực
|
Donald Trump nói, giờ đây không có bất cứ ai có thể tiếp cận đến trình độ của quân đội Mỹ, “khoảng cách hiện nay rất xa”.
Khi tiếp tục bị hỏi, lẽ nào ông không lo lắng chút nào về sức mạnh quân sự của Trung Quốc? Trump nói: “Không. Bởi vì họ sẽ phải trả giá và đó là cái giá mà họ không muốn trả”.
Hôm 19/8, Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney, Australia, đã công bố một báo cáo cho rằng vấn đề ngân sách quốc phòng mà Mỹ phải đối mặt trong 20 năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến việc Mỹ đánh mất ưu thế quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Báo cáo này nhận định: “Trung Quốc liên tục gia tăng số lượng tên lửa tầm xa có độ chính xác cao gây ra mối đe dọa chủ yếu đối với hầu hết các căn cứ, sân bay, cầu cảng và các cơ sở quân sự của Mỹ, đồng minh và các quốc gia đối tác ở Tây Thái Bình Dương”.
Báo cáo này nói, Trung Quốc đã triển khai hàng ngàn tên lửa. “Tất cả các cơ sở này đều có thể bị tấn công chính xác và không thể được sử dụng chỉ trong vòng vài giờ sau khi một cuộc xung đột nổ ra. Mối đe dọa tên lửa của PLA vì thế đã tạo thành mối thách thức đối với khả năng tác chiến tự do của các đơn vị tiền duyên của quân đội Mỹ trong khu vực”.
Chỉ ít lâu sau phát biểu trên đây của ông Trump, cùng ngày, chính phủ Mỹ đã chính thức phê chuẩn việc bán 66 máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan. Trong thông cáo của mình, Văn phòng Hợp tác An ninh Quốc phòng nêu rõ, động thái này sẽ giúp cải thiện an ninh của phía bên tiếp nhận và giúp duy trì sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực”.
Ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương: việc bán máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan một phần nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc
|
Ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương, nói với tờ The Washington Free Beacon, việc bán máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan một phần nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc. Ông nói trong một bản tin về việc Mỹ bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan trên báo này: “Chúng tôi đã theo dõi mối đe dọa ngày càng gia tăng này trong một thời gian dài. Ngoài ra, một bộ phận lực lượng không quân Đài Loan đã già cỗi và cần phải được thay thế”. Ông nói, “Việc bán vũ khí này rất cần thiết để duy trì khả năng sống còn của phòng không Đài Loan”.
Không nằm ngoài dự đoán, Bắc Kinh đã phản ứng rất mạnh mẽ với vụ bán vũ khí này và cảnh báo rằng họ sẽ có biện pháp trả đũa, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ liên quan đến vụ bán vũ khí. Một viên tướng PLA còn nói, quân đội Trung Quốc sẽ không ngồi yên trước việc Mỹ bán máy bay tiên tiến cho Đài Loan.
Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), ông Trần Vinh Đệ (Chen Rongdi), Thiếu tướng, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến tranh trực thuộc Học viện Khoa học quân sự PLA, hôm 22/8 đã nói: “Tính chất của việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là nghiêm trọng, sẽ làm gia tăng tình hình căng thẳng ở Eo biển Đài Loan”; “đây là các nhà chức trách Đài Loan đang “huýt sáo đi ban đêm”, chẳng qua là tự khiến mình can đảm”. Theo ông, Trung Quốc chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó; ngoài việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan, “đương nhiên, không loại trừ việc áp dụng các biện pháp khác”. Tuy nhiên ông ta không giải thích “các biện pháp khác” là những gì.
Ông Mã Hiểu Quang: Mỹ bán máy bay F-16V cho Đài Loan là “hành vi xấu xa của Mỹ ủng hộ thế lực ly khai đòi Đài Loan độc lập”
|
Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang), người phát ngôn của Văn phòng Đài Loan Quốc Vụ viện hôm 22/8 đã thông qua Tân Hoa xã ra một tuyên bố về việc Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan. Ngữ điệu của bản tuyên bố này cứng rắn hơn nhiều so với Bộ Ngoại giao, gọi đây là “hành vi xấu xa của Mỹ ủng hộ thế lực ly khai đòi Đài Loan độc lập”. Thậm chí còn chỉ trích chính phủ của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) ở Đài Loan là “bán mình cho nước ngoài” và “trơ trẽn vô sỉ”.
Ông Mã Hiểu Quang nói, phía Mỹ “bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, cố ý bán vũ khí cho Đài Loan, can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”; Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Mỹ ngừng ngay việc bán vũ khí cho Đài Loan, lập tức chấm dứt hành vi xấu xa ủng hộ thế lực ly khai đòi Đài Loan độc lập”.
Ông ta còn nói, nhà cầm quyền DPP đã coi thường lợi ích và mạng sống của người dân Đài Loan, đã bán mình cho nước ngoài, trơ trẽn vô sỉ, cố ý đưa dân chúng Đài Loan đi vào con đường cùng, “tất sẽ chịu sự trừng phạt của lịch sử”.