|
Ảnh: SCMP |
Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Tencent Holdings, Pony Ma Huateng, cho biết công ty của ông sẽ phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ sức khỏe con người.
Cho đến nay, một số nhà khoa học và chuyên gia công nghệ đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của AI, tuy nhiên ông Ma đã thúc đẩy ý tưởng về AI như một “công nghệ có ích” trong suốt thời gian qua.
Trong một bài viết nội bộ, ông Ma cho biết cuộc cách mạng AI là sự kiện trăm năm mới có một lần sẽ thay đổi “toàn bộ thế giới”. Ma viết: “Với các thuật toán cơ bản vững chắc, sức mạnh tính toán và dữ liệu, AI bao gồm cả các mô hình nền tảng, sẽ là một hệ số nhân cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi, cho phép công ty phục vụ người dùng, các ngành và xã hội tốt hơn”.
Tencent - gã khổng lồ Internet có trụ sở tại Thâm Quyến, công ty sở hữu WeChat và là nhà phát hành trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, đã thành lập một nhóm do nhà khoa học hàng đầu lãnh đạo để phát triển một dịch vụ giống như ChatGPT vào tháng Hai. Đầu tháng này, công ty đã công bố mẫu Al Hunyuan do mình tự phát triển để thử nghiệm nội bộ trong các sản phẩm khác nhau bao gồm đám mây, quảng cáo và trò chơi.
Vào tháng 6, Tencent đã ra mắt dịch vụ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) theo định hướng ngành nhằm vào nhiều lĩnh vực truyền thống, từ tài chính đến truyền thông.
So với các công ty cùng ngành của Trung Quốc như Baidu, Tencent đã chậm hơn trong việc ra mắt dịch vụ giống như ChatGPT. “Chiến lược của chúng tôi là chúng tôi sẽ cố gắng làm đúng thay vì vội vàng”, chủ tịch Tencent, Martin Lau Chi-ping, cho biết vào tháng Ba. Công ty đã chỉ ra rằng các sản phẩm kiểu ChatGPT của riêng họ có thể bao gồm một chatbot được nhúng vào siêu ứng dụng WeChat hàng đầu của họ.
Theo báo cáo, Tencent đã triển khai các công nghệ AI cho các ứng dụng nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Chẳng hạn, công nghệ khử tiếng ồn do AI hỗ trợ của công ty được sử dụng trong ứng dụng "Cuộc họp Tencent" giống như Zoom để giúp đỡ những người cao tuổi gặp vấn đề về thính giác.
Công ty bắt đầu công bố báo cáo giá trị xã hội vào năm ngoái, khi công ty cam kết tiếp tục hướng tới phục vụ xã hội mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh doanh chậm hơn.
Vào năm 2021, lần đầu tiên công ty dành 50 tỉ nhân dân tệ (7,7 tỉ USD) để thúc đẩy “đổi mới giá trị xã hội bền vững” và sau đó là 50 tỉ nhân dân tệ khác để thành lập một quỹ dành riêng cho “sự thịnh vượng chung ” sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi đây là chìa khóa mục tiêu kinh tế - xã hội cho đất nước.
Công ty đã trải qua một năm thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí vào năm 2022 trong bối cảnh tăng trưởng kinh doanh trì trệ và môi trường kinh tế vĩ mô yếu hơn. Tencent đã báo cáo doanh thu tăng 11% trong quý đầu tiên của năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang dần phục hồi.
Theo SCMP