Bình luận trên, được hãng tin The Verge của Mỹ đăng tải, làm dấy lên nhiều lời đồn đoán về suy tính của Zuckerberg.
"Các bạn có thể thấy rằng những người như bà Elizabeth Warren nghĩ rằng cách giải quyết đúng ở đây là phá vỡ các công ty...tôi cho rằng, nếu bà ta đắc cử Tổng thống, tôi buộc phải đánh cược vào một vụ kiện, và tôi cược rằng chúng tôi sẽ giành chiến thắng trong vụ kiện đó" - Zuckerberg nói trong một cuộc trả lời câu hỏi của các nhân viên trong công ty hồi tháng 7 năm nay.
"Tôi thực sự không muốn khởi kiện nhằm vào chính phủ của chúng ta. Đó không phải là tình thế mà bạn muốn lâm vào...bởi chúng ta rất quan tâm tới đất nước, và muốn làm việc cùng với chính phủ của chúng ta để thực hiện những điều tốt đẹp. Nhưng hãy nhìn xem, cuối cùng thì nếu ai đó cố gắng đe dọa tới sự sống còn của các bạn, các bạn sẽ phải đấu tranh" - ông chủ Facebook nói thêm.
Zuckerberg - người đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng một số nhà lập pháp hồi tháng trước - cũng nói rằng quy mô của Facebook cho phép họ tham gia vào cuộc chiến chống can thiệp bầu cử, trong khi nhấn mạnh rằng đối thủ của họ là Twitter lại không thể vì thiếu nguồn lực.
"Đó là lý do vì sao mà Twitter không thể làm tốt công việc này hơn chúng tôi" - Zuckerberg nói - "Họ cũng phải đối mặt với kiểu vấn đề tương tự. Nhưng họ lại không thể chi tiền đầu tư. Khoản đầu tư của chúng tôi cho vấn đề an ninh còn lớn hơn tổng doanh thu của công ty họ".
Trong hôm thứ Ba vừa qua, vị CEO 35 tuổi của Facebook đã công khai xác nhận rằng những bình luận trên là do ông đưa ra, thêm rằng ông thường xuyên chia sẻ "một cách công khai những điều mà tôi nghĩ về mọi vấn đề và dự án".
"Đoạn băng ghi âm một trong những câu trả lời của tôi cách đây vài tháng vừa được công bố trên mạng - và dù cho mục đích của phiên trả lời này là việc nội bộ công ty, nhưng giờ nó đã được công bố. Các bạn có thể xem nó nếu hứng thú với một phiên bản chưa qua chọn lọc những điều mà tôi suy nghĩ và nói với nhân viên trong công ty, về hàng loạt chủ đề như trách nhiệm xã hội, phá vỡ các công ty công nghệ, đồng Libra hay làm những việc đúng đắn trong dài hạn..." - Zuckerberg viết trên Facebook.
Bà Elizabeth Warren - ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ - cũng phản ứng trước thông tin trên, nói rằng các hệ thống cho phép "các tập đoàn lớn như Facebook tham gia vào các hoạt động chống tranh cử phi pháp" cần phải được sửa lại.
Chiều cùng ngày, bà Warren còn mở rộng kế hoạch phá vỡ các tập đoàn công nghệ lớn, cho rằng dù cho chúng bị phá sản thì "các bạn vẫn có thể sử dụng Facebook và Instagram để tương tác với bạn bè, gia đình và chia sẻ những bức ảnh về cún cưng của các bạn".
"Hãy tưởng tượng xem Facebook và Instagram đang cố cạnh tranh lẫn nhau để bảo vệ sự riêng tư của các bạn và giúp các bạn tránh xa thông tin sai lệch; thay vì hợp tác để bán dữ liệu của các bạn, bơm cho các bạn thông tin sai lệch và hủy hoại an ninh bầu cử của chúng ta" - bà Warren viết trên Twitter.
Trong tháng 3 năm nay, bà Elizabeth Warren - thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đến từ bang Massachusetts - đã công bố một kế hoạch công kích hàng loạt công ty công nghệ lớn của Mỹ mà đứng đầu là Facebook, Amazon, Google và Apple; nói rằng quyền lực mà chúng nắm giữ quá lớn.
"Tôi muốn dựng nên một chính phủ giúp đảm bảo rằng tất cả người dân - và cả những công ty lớn nhất, quyền lực nhất nước Mỹ - cần phải chơi theo luật" - bà Warren nói trong lúc công bố kế hoạch - "Và tôi muốn đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo của các công ty công nghệ lớn của Mỹ có thể phát triển rực rỡ. Để làm được điều đó, chúng ta cần ngăn chặn thế hệ công ty công nghệ hiện nay lạm dụng quyền lực chính trị của họ để xây dựng các quy định có lợi cho họ, hay sử dụng tài lực để mua lại bất cứ công ty nào cạnh tranh với họ".
Trong bản kế hoạch này, bà Warren còn đặc biệt đề cập tới việc bà muốn tiêu hủy quyền sở hữu của Facebook đối với Instagram và WhatsApp.
Được biết, trong cuộc gặp với các nhà lập pháp Mỹ, Zuckerberg đã có buổi làm việc với thượng nghị sĩ Josh Hawley - người đã đề xuất một dự luật cấm một số tính năng "gây nghiện" của Facebook như cuộn không giới hạn, tự động bật các nội dung video cùng nhiều tính năng khác. Ông Hawley cho biết đã yêu cầu ông chủ Facebook hai việc để chứng tỏ trang mạng xã hội này không e ngại canh tranh và thực sự nghiêm túc về vấn đề quyền riêng tư của người dùng: Một là bán ứng dụng nhắn tin đa nền tảng WhatsApp và phần mềm chia sẻ ảnh Instagram; và hai là cho phép bên thứ ba độc lập giám sát và kiểm duyệt.
Tuy nhiên, Zuckerberg đã từ chối cả hai đề nghị này.
Facebook đang đối mặt với những hoài nghi về mặt pháp lý xung quanh các vấn đề như cạnh tranh, quyền riêng tư, kiểm duyệt và sự minh bạch trong lĩnh vực quảng cáo chính trị. Trước đó 2 tháng, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đã quyết định phạt Facebook 5 tỷ USD do vi phạm các quyền riêng tư của ngời dùng.
Theo Fox News