Chưa xảy ra chiến tranh đã hoảng loạn, Ukraine hiện là bên thua thiệt nhất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện tại, tuy chưa xảy ra “cuộc xâm lược của Nga” như Mỹ và truyền thông phương Tây tuyên truyền, nhưng những điều mà Ukraine lo ngại nhất đã xuất hiện.
Từ ngày 13/2, Ukraine đã cấm tất cả các chuyến bay từ trong nước ra nước ngoài để ngăn chặn những người chạy khỏi đất nước do hoảng sợ chiến tranh (Ảnh: Sina).
Từ ngày 13/2, Ukraine đã cấm tất cả các chuyến bay từ trong nước ra nước ngoài để ngăn chặn những người chạy khỏi đất nước do hoảng sợ chiến tranh (Ảnh: Sina).

Ngay từ ngày 28/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ ra rằng do trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin khác nhau về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sắp xảy ra, những thông tin này đã gây ra sự hoảng loạn trên thị trường và lĩnh vực tài chính, dẫn đến việc 12,5 tỷ USD vốn từ Ukraine chảy ra nước ngoài.

Ông Zelensky nói thêm, để ổn định tiền tệ Ukraine, đã phải sử dụng đến nguồn dự trữ nhà nước, điều này rất tốn kém đối với Ukraine.

Tính đến ngày 28/1, đã có 12,5 tỷ USD đã bị chảy ra ngoài. Cho đến nay đã có thêm bao nhiều tiền vốn bị chuyển ra nước ngoài thì vẫn chưa thể tính toán được.

Hiện tượng thứ hai là các nhà giàu lần lượt ôm tài sản bỏ nước ra đi. Người giàu nhất Ukraine, Rinat Akmetov, rời đi bằng máy bay riêng vào ngày 13/2. Người giàu thứ hai Ukraine, ông vua thép Viktor Pinchuk, đã rời Ukraine hồi cuối tháng 1. Cũng bỏ nước ra đi trong vài ngày qua còn có người giàu thứ 9 Ukraine Oleksandr Yaroslavsky và tỷ phú Ukraine Vadim Nowitzki, người có tài sản 1,3 tỷ USD.

Tỉ phú Rinat Akmetov, người giàu nhất Ukraine đã cùng 93 người khác trong top 100 người giàu nhất đã mang tài sản chạy ra nước ngoài (Ảnh: Fx361)

Tỉ phú Rinat Akmetov, người giàu nhất Ukraine đã cùng 93 người khác trong top 100 người giàu nhất đã mang tài sản chạy ra nước ngoài (Ảnh: Fx361)

Theo báo Nga Rossiyskaya Gazeta ngày 15/2, một số công dân Ukraine đã đáp lại lời kêu gọi của chính phủ các nước ngoài yêu cầu công dân của họ sơ tán khỏi Ukraine. Theo các cơ quan truyền thông ở Kiev, 100 người giàu nhất trong Danh sách Người giàu Ukraine của Forbes đã tới tấp chạy trốn khỏi đất nước của họ.

Ví dụ, trang web của Ukraine Pravda, trích dẫn dữ liệu từ trang web Flightradar24, cho biết một số lượng lớn máy bay thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Ukraine đã bay đến Síp, Nice, Vienna, Zurich, London và Munich. Theo thống kê của các phóng viên trên trang web này, tính đến tối ngày 13/2, trước khi các chuyến bay từ Ukraine ra nước ngoài bị đình chỉ, chỉ có 4 trong số 100 người giàu nhất Ukraine còn ở lại đất nước.

Theo một bài báo đăng trên Ukraine Pravda ngày 13/2, trong mấy ngày qua, những người Ukraine giàu nhất, tức là nhóm người nhiều tiền nhất Ukraine, đang cùng gia đình và họ hàng “tháo chạy tập thể" khỏi Ukraine. Chỉ riêng một ngày 13/2 đã có khoảng 20 chuyến bay thuê bao và máy bay cá nhân đã cất cánh từ thủ đô Kiev.

Theo báo này, Rinat Ahmetov, Viktor Pinchuk và nhiều tài phiệt khác ít được công chúng biết đến đều đã trốn ra nước ngoài. Igor Kolomoysky, một tỷ phú có ba hộ chiếu nước ngoài, phải ở lại Ukraine vì không có nơi nào để đi do bị cáo buộc liên quan đến các vụ án hình sự ở Mỹ và Israel. Cựu Tổng thống Petro Poroshenko cũng chưa thể rời Kiev vì tòa án đã giữ lại hộ chiếu của ông. Nhưng theo báo chí Ukraine, ông Poroshenko đã chuyển người thân trong gia đình và tài sản ra nước ngoài. Để vận chuyển tiền mặt, ông ta đã thuê một số xe chuyên dụng chở tiền.

Ngày 14/2, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi các nhà giàu và chính khách đã chạy ra nước ngoài hãy quay về để thể hiện tình đoàn kết (Ảnh: RIA).

Ngày 14/2, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi các nhà giàu và chính khách đã chạy ra nước ngoài hãy quay về để thể hiện tình đoàn kết (Ảnh: RIA).

Ngoài những người giàu có, một số chính trị gia Ukraine cũng đã thuê các chuyến bay rời khỏi Ukraine. Theo tin trên trang web Izvestia của Nga ngày 14/2, David Allahamia, người đứng đầu nhóm nghị sĩ của Đảng Công bộc Nhân dân ủng hộ tổng thống Zelensky ngày 14/2 cho biết, các nhà lập pháp Ukraine có kế hoạch đệ trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội) pháp lệnh cấm các quan chức và các nhà lập pháp ra nước ngoài trong trường hợp thực hiện trạng thái giới nghiêm quân sự trong nước.

Ông Allahamia cho biết dự luật sẽ được đệ trình lên quốc hội trong vài ngày tới. Dự luật sẽ đề xuất rằng một khi trạng thái quân quản được thực hiện ở Ukraine, các quan chức các cấp và các nghị sĩ quốc hội sẽ bị cấm rời khỏi đất nước.

Ông Allahamia nói: "Trước tình trạng hiện tại các nghị sĩ tới tấp rời khỏi đất nước vì sợ hãi, cần phải bổ sung các điều khoản ở đó (trong dự luật) liên quan đến việc tước bỏ tư cách nghị sĩ của họ."

Trước đó cùng ngày, ông Alexei Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết đã có tổng cộng 23 thành viên nghị viện đã rời khỏi đất nước trong những ngày gần đây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14/2 đã lên tiếng kêu gọi, mong các chính trị gia và doanh nhân giàu có đã rời Ukraine “hãy quay trở về nước trong vòng 24 giờ tới để thể hiện tình đoàn kết”. Ông cũng nhấn mạnh rằng những người trong chính quyền Ukraine nên làm gương cho người dân trong việc duy trì đoàn kết dân tộc.

Xe tăng Nga quay trở về căn cứ sau khi kết thúc diễn tập ở gần biên giới Ukraine (Ảnh: RT).

Xe tăng Nga quay trở về căn cứ sau khi kết thúc diễn tập ở gần biên giới Ukraine (Ảnh: RT).

Từ hai hiện tượng này, có thể thấy 2 vấn đề mà Ukraine lo lắng nhất đang diễn ra:

Thứ nhất là chảy máu tiền vốn. Từ các thông tin trên có thể thấy, không chỉ có tiền vốn trực tiếp tháo chạy mà giới nhà giàu Ukraine cũng đồng loạt bỏ nước tháo chạy, họ không chỉ ra đi với tư cách công dân, mà để phòng ngừa rủi ro tài sản, họ cũng phải mang theo tiền bạc của mình.

Bất kỳ quốc gia nào cũng lo sợ tình trạng một số lượng lớn tiền vốn tháo chạy, điều này cực kỳ không tốt cho sự phát triển kinh tế, Ukraine cũng không ngoại lệ.

Điều này cũng đúng với cá nhân ông Zelensky. Việc tiền vốn chảy ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Ukraine và nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào tài chính và thị trường của Ukraine. Nó sẽ có tác động đáng kể đến sự điều hành đất nước của cá nhân ông. Đây cũng là điều ông rất lo ngại.

Thứ hai là tình trạng hoảng loạn. Chiến tranh thực sự chưa bắt đầu, sự thể chưa biết sẽ diễn ra như thế nào, nhưng điều đáng lo lắng nhất là tâm lý hoang mang trước khi chiến tranh bùng nổ.

Dân chúng Kiev được động viên tập luyện quân sự do lo ngại chiến tranh với Nga (Ảnh: AP).

Dân chúng Kiev được động viên tập luyện quân sự do lo ngại chiến tranh với Nga (Ảnh: AP).

Hiện nay Mỹ không ngừng “nhóm lửa” tạo ra bầu không khí căng thẳng “sắp nổ ra chiến tranh” và “đại chiến đã gần kề”. Động thái mới nhất của Washington là đại sứ quán Mỹ tại Kiev bị đóng cửa và di chuyển về biên giới phía Tây Ukraine. Bầu không khí này sẽ làm cho tất cả mọi người cảm thấy bị đe dọa, thậm chí ngay cả những người giàu có ở Ukraine cũng đua nhau tháo chạy, có thể thấy không khí chiến tranh tại địa phương là tương đối mạnh.

Trên thực tế, nhiều nhà quan sát đã phân tích rằng khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO gần như bằng “0”. Mặc dù cũng có khả năng xảy ra đụng độ giữa Nga và Ukraine nhưng xác suất xảy ra là không cao.

Tuy nhiên, đối với người dân Ukraine, họ không hiểu được điều này, dù sao không phải ai cũng đọc được các ý kiến phân tích nhiều chiều trên các cơ quan truyền thông quốc tế. Cho dù có đọc được chắc hẳn cũng có người sẽ nghĩ “Tuy xác suất không cao nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định, nếu chiến tranh bùng phát thì sao?”

Vì vậy, đối với Ukraine hiện nay, điều tai hại nhất thực ra không phải là chiến tranh, mà là tình trạng hoảng loạn chiến tranh đã được cố tình tạo ra.

Trong bối cảnh tình hình của Nga và Ukraine hiện nay, dường như tất cả các bên đều là người chiến thắng, chỉ có Ukraine là bên thua cuộc.

Đối với Mỹ, về lâu dài, tình hình này có lợi cho việc kiềm chế Nga và đoàn kết châu Âu; xét về lợi ích ngắn hạn, dòng vốn bỏ chạy sang Mỹ có lợi cho việc Mỹ lấy lại tiềm lực. Dù sao, nợ quốc gia của Mỹ cũng đã vượt quá 30 ngàn tỷ USD, bong bóng thị trường chứng khoán quá cao và lạm phát đã tăng lên 7,5%, không thể tiếp tục in thêm tiền, không thể nuôi cơ thể bằng việc hút máu mình.

Trên thùng chứa tên lửa phòng không Stinger do Mỹ viện trợ chở từ Liathunia tới ghi năm sản xuất là 2010 khiến giới quan sát cho là vũ khí đã hết hạn sử dụng (Ảnh: Sina).

Trên thùng chứa tên lửa phòng không Stinger do Mỹ viện trợ chở từ Liathunia tới ghi năm sản xuất là 2010 khiến giới quan sát cho là vũ khí đã hết hạn sử dụng (Ảnh: Sina).

Đối với Nga, nhìn ở phạm vi rộng, tình huống này liệu có phải là nước cờ của Tổng thống Putin? Ông biết rõ đối tượng chủ yếu mà Mỹ đối phó là Trung Quốc, nhưng Mỹ khó có thể cùng lúc kiềm chế cả Nga lẫn Trung Quốc, nên có thể phán đoán Mỹ không dám thực sự ra tay với Nga, do đó Nga muốn nắm lấy cơ hội này để “dọn dẹp” phía Tây, mở rộng lợi ích địa chính trị của riêng mình, biện pháp được Nga sử dụng là "trò chơi bên bờ vực chiến tranh + sách lược ngoại giao".

Xét về lợi ích ngắn hạn, chênh lệch giá dầu thô quốc tế là không nhỏ, nếu tình hình khu vực căng thẳng, giá dầu tăng cũng là điều tốt cho Nga.

Đối với châu Âu, chỉ cần kiểm soát được "ngọn lửa", không để bùng phát chiến tranh là ổn.

Chỉ có Ukraine, ngoài việc nhận được một đống vũ khí đã hết hạn sử dụng từ Mỹ, thì trăm điều hại không một điều lợi, nay lại chảy máu tiền vốn và dân chúng hoảng loạn, đã khó lại càng thêm khốn!