Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014 đạt khoảng 5,6 tỷ USD (ODA vốn vay là 5,25 tỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại là 350 triệu USD), cao hơn 9% so với năm 2013.
Một số dự án đầu tư quy mô lớn cũng đã đóng góp vào mức giải ngân này như Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không Nội Bài, Dự án cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL, Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng bằng sông Hồng P4R, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn số 2 và lưới điện truyền tải khu vực ĐBSCL...Theo đánh giá chung, sau những biện pháp đôn đốc kiên quyết, thường xuyên của Ban Chỉ đạo, giải ngân năm 2014 có những cải thiện đáng kể. Các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục được duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA): 1,773 tỷ USD, WB: 1,386 tỷ USD, ADB: 1,058 tỷ USD.
Tuy tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi những chuyển biến tích cực, song theo các ý kiến trong hội nghị là vẫn còn chậm hơn so với kỳ vọng. Giải ngân giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương còn chưa đồng đều.
Các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ cũng thống nhất sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc thu hút các nguồn vốn này sẽ ngày càng khó khăn. Vì vậy, nhiệm vụ trước hết của năm 2015 cũng như thời gian tới cho triển khai ODA và vốn vay ưu đãi là nâng cao năng lực để giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Việt Nam đã cam kết, đã ký với các nhà tài trợ. Số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đang thực hiện còn rất lớn, khoảng 21 tỷ USD. Nếu tình hình giải ngân chậm được cải thiện, mỗi năm Việt Nam mất hàng trăm triệu USD chi phí cơ hội.
Đánh giá các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo xác định nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên là làm thế nào để hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực ở các dự án, qua đó tiếp tục thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn được dự báo là sẽ ngày càng khó khăn, hạn chế trong thời gian tới.
“Trong điều hành nhiệm vụ năm 2015 trở đi, cứ 6 tháng một lần, các Ban quản lý, các chủ đầu tư trong báo cáo đánh giá về triển khai các dự án, phải có phần riêng báo cáo về kiểm soát tiêu cực và lãng phí như thế nào. Thấy có vấn đề gì có khả năng và nguy cơ như thông thầu, chạy thầu thì phải báo cáo ngay. Không để sự việc trôi đi, không xử lý để sai phạm có nguy cơ diễn ra”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Các cơ quan Bộ, ngành là cấp quản lý, cấp quyết định dự án trong quá trình kiểm tra cũng phải có báo cáo riêng về vấn đề này khi họp Ban chỉ đạo, chứ không chỉ nêu vấn đề giải ngân, tiến độ… các dự án. Bộ KHĐT là cơ quan đầu mối trong xây dựng kế hoạch năm 2015 của Ban chỉ đạo cũng đưa ra các hành động cụ thể.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo: “Sắp tới, trong xây dựng mô hình Ban quản lý phải đảm bảo yêu như vấn đề thuê tư vấn dự án. Không nên quyết định dự án rồi mới thành lập Ban quản lý mới”.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo phải bám sát Kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ để cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014-2015.
Theo: Baodautu