|
Tổng thống Putin lý giải nhận định: “Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX” (Ảnh: TASS) |
Theo Tổng thống Nga V.Putin, Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa-chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX. Để đưa nước Nga khắc phục hậu quả của thảm họa này, kể từ khi nhậm chức vào ngày 7/5/2000 Tổng thống V.Putin đã đặt lợi ích quốc gia của Nga lên trên hết trong quá trình hoạch định chiến lược và lãnh đạo đất nước phát triển theo con đường mới trong kỷ nguyên hậu Xô Viết trong điều kiện bị Mỹ và phương Tây ra sức chống phá quyết liệt.
Thách thức lớn nhất đối với nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ
Sau khi Liên Xô sụp đổ, thách thức đối với đại đa số người dân Nga là khó khăn về kinh tế-xã hội, nhưng thách thức lớn nhất và nghiệt ngã nhất đối với nhà nước Nga xuất phát từ mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ là tiếp tục làm tan rã Liên bang Nga như một quốc gia có chủ quyền. Mục tiêu này của Mỹ đã từng được xác định trong thời kỳ Chiến tranh lạnh tại Chỉ lệnh của Hội đồng an ninh quốc gia No.SC-20/11 ngày 18/8/1948: “Bất kể thể chế chính trị nào ở nước Nga, sẽ không thể để quốc gia này phát triển tiềm lực kinh tế đủ mạnh có thể trở thành nguy cơ đối với quyền bá chủ thế giới của Mỹ. Nước Nga tương lai chỉ có thể duy trì tiềm lực quân sự hạn chế và phải luôn phụ thuộc vào Mỹ”.
Năm 1995, triển khai Chỉ lệnh No.SC-20/11, Tổng thống Mỹ Bill Clinton phê chuẩn chiến lược ứng xử với Nga. Trong đó, xác định rõ:“Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ tiếp tục làm tan rã nước Nga thành các quốc gia nhỏ bằng cách kích động các cuộc chiến tranh và xung đột sắc tộc, tương tự như quá trình làm tan rã Liên bang Nam Tư, và sẽ thiết lập các thể chế chính trị theo sự sắp đặt của Mỹ tại những quốc gia mới hình thành từ sự tan rã nước Nga”. Năm 1997, trong bài phát biểu tại Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia Zbignev Brezinski nhấn mạnh: “Cần tiếp tục làm tan rã nước Nga thành các quốc gia nhỏ hơn với dân số và tiềm lực không đáng kể. Chỉ bằng cách đó, phương Tây mới dễ bề sai khiến họ”.
Xuất phát từ mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ đối với Nga, trên thực tế, Chiến tranh lạnh vẫn chưa kết thúc sau khi Liên Xô sụp đổ và vẫn tiếp diễn trong điều kiện mới, được gọi bằng một cái tên khác là là “chiến tranh phức hợp”, bởi Mỹ xác định Nga là nguy cơ chiến lược chủ yếu và là cản trở địa-chính trị lớn nhất đối với trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát. Theo nhận định của Andrei Ilnitsky - Cố vấn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ và phương Tây đang tiến hành cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm chống phá Nga. Sergey Glazyev – cựu Cố vấn của Tổng thống Nga V.Putin, cho rằng cuộc chiến tranh thế giới phức hợp mà nước Nga đang phải đối mặt là cuộc chiến vô cùng phức tạp, quyết liệt, diễn ra trên nhiều chiến tuyến. Đây là một loại hình chiến tranh kiểu mới, trong đó các bên không sử dụng các phương thức tác chiến truyền thống mà là sử dụng các phương thức hành động phi truyền thống kết hợp đan xen chiến tranh kinh tế, chiến tranh thông tin, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh phá hoại ngầm, chiến tranh trong không gian mạng và hoạt động của các lực lượng đối lập trên lãnh thổ đối phương.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ VII tháng 4/2018 ở Moscow, Tổng Thư ký Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu Thomas Greminger đã từng đề cập tới cuộc chiến tranh thế giới phức hợp này. Trong đó, không còn ranh giới giữa trạng thái hòa bình và chiến tranh; trật tự quan hệ quốc tế dựa trên luật pháp sụp đổ; hoạt động thương mại, làn sóng di cư, thông tin, không gian mạng, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức được sử dụng làm vũ khí chiến tranh. Còn những kẻ gây chiến đang lẩn trốn trong bóng tối rất khó xác định. Trong chiến tranh thế giới phức hợp, rất khó phân biệt giữa sự thật và giả dối, giữa ta và địch, trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác, dẫn đến tính trạng bất định, khó lường, khó kiểm soát, tạo ra tình trạng ngờ vực và mất lòng tin.
V.Putin xác định con đường phát triển của nước Nga trong kỷ nguyên hậu Xô Viết
Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Tổng thống V.Putin sau khi nhậm chức vào ngày 7/5/2000 là xác định con đường phát triển của nước Nga trong kỷ nguyên hậu Xô Viết. Hình hài của con đường này đã được V.Putin trên cương vị Thủ tướng Nga phác họa trong bài viết của ông có tựa đề “Nước Nga trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba“ được công bố vào ngày 30/12/1999-nghĩa là chỉ 1 ngày trước khi ông được B.Yeltsin trao Quyền Tổng thống Nga. Theo V.Putin, sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga phải tìm lời giải cho những câu hỏi bức thiết: cần phải vận dụng cơ chế kinh tế thị trường trong điều kiện nước Nga ra sao để mang lại hiệu quả?Làm thế nào để vượt qua sự chia rẽ sâu sắc về hệ tư tưởng và chính trị trong xã hội khi hệ tư tưởng cộng sản đã bị phá hoại? Nước Nga cần nỗ lực để hướng tới những mục tiêu chiến lược nào? Vị thế của nước Nga sẽ ra sao trên thế giới trong thế kỷ XXI? Thế mạnh và hạn chế của nước Nga trong kỷ nguyên mới là gì? Nước Nga có những nguồn lực vật chất và tinh thần nào? V.Putin nhấn mạnh, nếu không tìm được câu trả lời rõ ràng và dễ hiểu cho người dân trước những câu hỏi này, nước Nga sẽ không thể vững tin tiến lên phía trước để giành lại vị thế xứng đáng của một cường quốc trong kỷ nguyên mới. Theo V.Putin, chỉ có thể hóa giải được những câu hỏi này trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra được từ quá khứ.
Bài học thứ nhất là, trong gần ba phần tư thế kỷ qua, nước Nga đã phát triển theo học thuyết chủ nghĩa cộng sản. Sẽ là sai lầm nếu không nhận thấy hoặc phủ nhận những thành tựu hiển nhiên của thời kỳ đó. Nhưng sẽ là sai lầm lớn hơn nếu không nhận ra cái giá quá lớn mà xã hội và con người phải trả trong quá trình áp dụng học thuyết đó trong phát triển kinh tế-xã hội.
Bài học thứ hai là, phải nhận thấy nước Nga đã vượt qua giới hạn tột cùng của các biến động chính trị và kinh tế - xã hội, các trận đại hồng thủy và cuộc cải tổ triệt để, nên không thể tiến hành thêm một cuộc cách mạng nữa.
Bài học thứ ba là, kinh nghiệm cay đắng của những năm 1990 chứng tỏ, không thể đổi mới thực sự thành công nếu áp dụng một cách máy móc và đơn giản các mô hình và đề án trừu tượng trong sách giáo khoa nước ngoài vào điều kiện của nước Nga.
Những bài học kinh nghiệm đó giúp nước Nga hoạch định một chiến lược dài hạn nhằm vượt qua cuộc đại khủng hoảng sau khi Liên Xô sụp đổ, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững. Vì thế, Tổng thống V.Putin cho rằng, để tiếp tục phát triển, nước Nga rất cần có được sự đồng thuận trong xã hội về con đường phát triển hướng đến tương lai tốt đẹp.
|
Phong trào yêu nước “Trung đoàn bất tử” bảo vệ ký ức về thế hệ các chiến binh trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại-biểu hiện sinh động về chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết xã hội Nga (Ảnh: TASS). |
V.Putin cho rằng, sự đồng thuận này dựa trên nhiều yếu tố có ý nghĩa như những trụ cột. Một là, những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa Nga, trước hết là chủ nghĩa yêu nước, hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Một khi đánh mất lòng yêu nước, niềm tự hào và bản sắc văn hóa Nga thì cũng đánh mất chính mình như là một dân tộc có khả năng đạt được những thành tựu vĩ đại. Hai là, tinh thần cường quốc, theo đó Nga đã và sẽ vẫn là một đất nước vĩ đại xuất phát từ các đặc điểm vốn có về địa-chính trị, kinh tế và văn hóa. Ba là, nước Nga cần có một nhà nước mạnh. Trong hàng ngàn năm lịch sử của nước Nga, thể chế và cấu trúc của nhà nước mạnh và bền vững luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong và phát triển một đất nước rộng lớn với rất nhiều dân tộc cùng chung sống. Bốn là, tinh thần đoàn kết. Lịch sử Nga chứng tỏ, đối với người dân Nga, tinh thần đoàn kết và chủ nghĩa tập thể luôn chiếm ưu thế trước chủ nghĩa cá nhân. Năm là, tính gia trưởng ăn sâu vào xã hội Nga, trong đó đa số người đã quen với ý nghĩ cho rằng vị thế của họ được khẳng định không chỉ bằng nỗ lực, sự tháo vát và sáng kiến của bản thân mà chủ yếu là nhờ sự giúp đỡ và hỗ trợ của nhà nước. Theo Tổng thống V.Putin, sự đồng thuận xã hội ở Nga được hình thành như một kiểu hợp kim, một sự kết hợp hữu cơ giữa các giá trị phổ quát của nhân loại với các giá trị văn hóa truyền thống của Nga đã từng đứng vững trước thử thách của thời gian.
Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đó, Tổng thống V.Putin xác định con đường phát triển của nước Nga. Về kinh tế, nước Nga xây dựng nền kinh tế thị trường-định hướng xã hội có sự quản lý của nhà nước. Theo đó, Nga xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh làm đầu tàu cho sự phát triển kinh tế. Theo mô hình này, trên cơ sở các thành tựu của nền kinh tế thị trường, nước Nga sẽ giải quyết những nhu cầu xã hội bức thiết như xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, xóa bỏ tình trạng thất nghiệp, áp dụng chế độ giáo dục phổ cập và y tế miễn phí, duy trì tốc độ tăng trưởng dân số v.v. Về chính trị, nước Nga chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng và không coi bất cứ hệ tư tưởng nào là tư tưởng quốc gia. Tổng thống V.Putin kêu gọi, người dân Nga dù đi theo đảng phái chính trị nào, đều phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước, hướng tới mục tiêu xây dựng nước Nga phát triển hùng mạnh. Nga tôn trọng tự do tín ngưỡng, chấp nhận và tiếp thu nhiều tôn giáo, nhưng không chấp nhận bất cứ tôn giáo nào làm quốc giáo. Về đối ngoại, Nga chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng với tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực chỉ do một siêu cường lãnh đạo và áp đặt các giá trị của họ cho các nước còn lại của thế giới; chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều phải được tôn trọng.
Về quân sự, lấy chủ nghĩa yêu nước làm nền tảng tư tưởng, Nga xây dựng học thuyết quân sự và chiến lược quân sự mới, phục hồi và phát triển tổ hợp công nghiệp-quân sự hùng mạnh kế thừa từ thời Liên Xô làm cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang mạnh, được trang bị hiện đại, biên chế tinh gọn, thiện chiến, đủ sức bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh xâm lược trên mọi quy mô./.