Hôm 21/11, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FFC) thông báo rằng họ đã lên kế hoạch biểu quyết yêu cầu bãi bỏ quy định từ thời tổng thống Obama về quản lý nhà nước đối với vấn đề bình đẳng trên internet (Net Neutrality).
Nói đơn giản, net neutrality nghĩa là tất cả các dữ liệu trên internet đều được đối xử công bằng. Một nhà cung cấp dịch vụ internet không được ưu tiên các công ty hay các kiểu dữ liệu nào, không được bắt người dùng phải trả phí cao hơn để truy cập vào các trang web và các ứng dụng nhất định, hay buộc các doanh nghiệp phải trả phí cho các quyền truy cập ưu tiên.
Những người vận động ủng hộ net neutrality cho rằng Net Neutrality sẽ đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả mọi người trên không gian internet. Tuy nhiên, các công ty truyền thông về cơ bản đều phản đối Net Neutrality bởi nó sẽ đặt thêm những quy định bắt buộc bổ sung lên các công ty này.
Nhưng với việc chiếm đa số ghế trong quốc hội, các thành viên thuộc Đảng Cộng hòa rất có thể sẽ biểu quyết vào ngày 14/12 ủng hộ việc hủy bỏ quy định này. Nếu không có quy định Net Neutrality, muốn biết mạng internet của Mỹ sẽ như thế nào? Hãy nhìn sang Bồ Đào Nha.
Nhà cung cấp mạng di động của nước này là MEO đang áp dụng gói internet rất khác so với những gì ở Mỹ. Người dùng trả tiền cho “các dữ liệu” truyền thống – và đỉnh điểm của nó là người dùng phải trả tiền cho các gói bổ sung dựa trên loại dữ liệu và ứng dụng họ muốn dùng.
Nếu muốn nhắn tin ư? Người dùng sẽ phải trả 4,99 euro (tương đương với 5,86 USD hoặc 4,43 bảng Anh)/ tháng và họ được sử dụng các ứng dụng như WhatsApp, Skype, and FaceTime. Nếu muốn vào các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat, Messenger…, người dùng sẽ phải trả một khoản phí 4,99 euro nữa.
Các ứng dụng xem video như Netfix và YouTube lại là một gói, và các ứng dụng nghe nhạc (Như Spotify, SoundCloud, Google Play Music ,…) cũng là một gói, email và cloud (Gmail, Yahoo Mail, iCloud…) cũng vậy. Người dùng muốn sử dụng thì cứ trả tiền riêng cho từng gói.
Những người ủng hộ Net Neutrality cho rằng mô hình này rất nguy hiểm bởi nó gây nguy cơ tạo ra một hệ thống hai cấp làm kìm hãm cạnh tranh – người dân sẽ chỉ dùng các ứng dụng thuộc các thương hiệu lớn trong các gói là họ trả tiền, trong khi những thương hiệu nhỏ sẽ sớm chết yểu vì không ai dùng.
Ví dụ, nếu bạn muốn xem các video, và Netflix được bao kèm trong gói video nhưng Hulu thì không, người dùng sẽ cố gắng tiết kiệm bằng cách chỉ sử dụng Netflix, điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh của Netflix.
Và về lý thuyết, nếu không có Net Neutrality, các ứng dụng thuộc các thương hiệu thậm chí còn bắt tay bằng việc trả tiền cho các công ty truyền thông để được quyền truy cập ưu tiên, và các công ty nhỏ không thể cạnh tranh nổi với thương hiệu lớn. (Vẫn chưa rõ là có công ty này được nêu tên ở trên trả tiền cho quyền truy cập ưu tiên không). Các ISP (nhà cung cấp dịch vụ internet) thậm chí còn có thể từ chối cấp quyền truy cập cho một ứng dụng nếu như chưa trả hết nợ hay ISP đó không thích.
Hạ nghĩ sỹ thuộc Đảng Dân chủ Ro Khanna, bang California là người đầu tiên chia sẻ ví dụ của tập đoàn MEO trên Twitter hồi tháng 10.
“Ở Bồ Đào Nha, không có Net Neutrality, các nhà cung cấp dịch vụ internet đang bắt đầu chia mạng internet thành các gói. Một ưu thế rất lớn cho các thương hiệu lớn, nhưng nó hoàn toàn làm đóng băng các công ty khởi nghiệp đang cố gắng bước ra thị trường, điều này làm triệt tiêu sáng tạo. Đó là điều cực kỳ đáng lo ngại, và đó là lý do tại sao chúng ta phải bảo vệ Net Neutrality”, ông viết.
Về mặt kỹ thuật, Bồ Đào Nha chịu sự ràng buộc bởi các đạo luật Net Neutrality của Liên Minh châu Âu, nhưng các lỗ hổng pháp luật cho phép họ có các kiểu đặt ra giá như đã nói ở trên.
Yanatan Zunger, cựu nhân viên Google, người gần đây đã đăng lại dòng tweet của ông Khanna, nói thêm: “đây thậm chí không phải là phần tồi tệ nhất nếu net neutrality bị bãi bỏ. Phần tồi tệ nhất là khi các ISP nói “chúng tôi không thích quan điểm chính trị của trang này” nên khóa nó luôn, hoặc “trang này cạnh tranh với chúng tôi”, và cũng khóa luôn.