‘Núi’ trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi 19.100 tỉ đồng của VNDirect

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính đến cuối quý 2/2022, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi chiếm tới 43,3% tổng tài sản của VND, tăng mạnh so với đầu năm. Xu hướng diễn ra trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam vừa trải qua nhịp điều chỉnh lớn.
‘Núi’ trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi 19.100 tỉ đồng của VNDirect
‘Núi’ trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi 19.100 tỉ đồng của VNDirect

CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) vừa công bố kết quả kinh doanh riêng lẻ quý 2/2022 với khoản lợi nhuận sau thuế 524,2 tỉ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 2/2022, tổng doanh thu hoạt động của VND tăng tới 74% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1.837 tỉ đồng. Ngoại trừ doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán, các nguồn thu khác của VND đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) với giá trị đạt 871,4 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với quý 2/2021. Nguồn thu này chủ yếu đến từ lãi bán trái phiếu và chứng khoán chưa niêm yết, lên tới 523,9 tỉ đồng.

Ở hướng ngược lại, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL trong kỳ của VND đạt 590,6 tỉ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối quý 2/2022, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của VND đạt 20.978 tỉ đồng, chiếm 47,34% tổng tài sản và tăng tới 8.700 tỉ đồng so với đầu năm.

Trong đó, PTI vẫn là cổ phiếu sinh lời bậc nhất của VND, với giá trị hợp lý được ghi nhận lên tới 948,9 tỉ đồng, cao gấp 3,5 lần giá gốc và tăng 169,2 tỉ đồng so với đầu năm. Tiếp đến là các cổ phiếu MWG, NLG.

VND cũng gom mạnh cổ phiếu HSG trong nửa đầu năm 2022, với giá gốc tại ngày 30/6 đạt 208,2 tỉ đồng, trong khi đầu năm ghi nhận chưa tới 1 tỉ đồng đối với khoản đầu tư này. Cùng với đó, VND cũng gia tăng đầu tư vào cổ phiếu LTG, với giá gốc ở mức 115,1 tỉ đồng.

Tuy vậy, các khoản đầu tư cổ phiếu chỉ chiếm tỷ trọng thứ yếu trong cơ cấu tài sản tài chính FVTPL của VND.

Trong nửa đầu năm 2022, công ty chứng khoán do nữ doanh nhân Phạm Minh Hương làm Chủ tịch HĐQT đẩy mạnh việc mua vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2022, VND nắm giữ 6.870 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, cao gấp 3,9 lần so với đầu năm. Tương tự, VND cũng nắm giữ tới 9.646,7 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi, tăng 3.816,7 tỉ đồng so với đầu năm 2022.

Đáng chú ý, lượng chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu mà VND nắm giữ đã tăng mạnh trong 2 quý liên tiếp, cả về quy mô và tỉ trọng trong cơ cấu tài sản. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhịp điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 4/2022 tới nay.

Lưu ý, VND là bên bán lượng chứng chỉ tiền gửi lớn cho công ty chứng khoán khác, cụ thể là CTCP Chứng khoán DSC. Như VietTimes từng đề cập, liên tiếp trong các ngày 12 và 19/5, Tổng giám đốc DSC đã ký các quyết định phê duyệt việc mua bán chứng chỉ tiền gửi với VND, với tổng giá trị lên tới 401 tỉ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu hoạt động của VND đạt 3.604 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí, VND báo lãi sau thuế 1.286 tỉ đồng, tăng tới 42% so với nửa đầu năm 2021./.