'Núi tiền' của VNG lại được bồi thêm nửa nghìn tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hụt hơi trong 3 tháng cuối năm với khoản lỗ sau thuế 223,4 tỉ đồng, VNG báo lãi sau thuế năm 2020 ở mức 190,6 tỉ đồng, hơn một nửa so với năm trước.

Năm 2020, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.034,5 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 190,6 tỉ đồng (Nguồn: Internet)
Năm 2020, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.034,5 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 190,6 tỉ đồng (Nguồn: Internet)

CTCP VNG vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 4/2020 với khoản lỗ sau thuế 223,39 tỉ đồng, ghi nhận đà gia tăng mạnh của nhiều khoản chi phí.

Trong 3 tháng cuối năm 2020, doanh thu thuần của VNG đạt 1.610,7 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; lãi gộp tăng 14% lên 582,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, chi phí bán hàng và tài chính của VNG lần lượt tăng 188% và 52%, lên đạt 2,3 tỉ đồng và 476 tỉ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ 5% xuống còn 213,8 tỉ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, VNG báo lỗ sau thuế 223,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi sau thuế 33,5 tỉ đồng.

Luỹ kế cả năm 2020, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.034,5 tỉ đồng, tăng 16,5% so với năm 2019; lãi sau thuế ở mức 190,6 tỉ đồng, giảm 58% so với năm 2019.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 457,3 tỉ đồng, giảm 19,5% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát là âm 266,6 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2019.

So với kế hoạch đề ra hồi giữa năm, VNG đã hoàn thành được 90% kế hoạch doanh thu và đạt ngoài kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận (năm 2020 VNG đặt kế hoạch lỗ sau thuế 246 tỉ đồng).

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của VNG đạt 7.818 tỉ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm.

Trong đó, tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 4.519 tỉ đồng, chiếm 57,8% tổng tài sản và tăng 575 tỉ đồng so với đầu năm.

Ngoài ra, Tỷ lệ sở hữu tại CTCP Tiki của VNG tăng nhẹ, lên mức 22,27%. Trước đó, kết thúc Quý 2/2020, tỷ lệ sở hữu của VNG tại sàn thương mại điện tử này là 22,23%.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả của VNG đạt 1.737,9 tỉ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm. Đặc biệt, VNG không ghi nhận khoản nợ vay và thuê tài chính.

Tính đến cuối năm 2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG là 6.215,5 tỉ đồng./.