CEO VNG: 10 năm nay tôi không khai thông tin cá nhân trên mạng vì sợ lộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VNG là một doanh nghiệp internet tỉ đô và kinh doanh qua mạng internet, nội dung số (với sản phẩm nhiều người sử dụng là Zalo), nhưng tổng giám đốc tập đoàn này là ông Lê Hồng Minh lại cho biết 10 năm nay không dám cung cấp thông tin cá nhân trên mạng do lo sợ lộ. Ông cũng đề xuất với chính phủ những biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân để có thể phát triển kinh tế số.

Ông Lê Hồng Minh CEO của VNG phát biểu tại Ngày Imternet được tổ chức vào 16-12. Ảnh: P.Anh

Ông Lê Hồng Minh CEO của VNG phát biểu tại Ngày Imternet được tổ chức vào 16-12. Ảnh: P.Anh

Thông tin trên được ông Minh nói tại chuyên đề Kinh tế số, của Ngày Internet Việt Nam diễn ra vào 16-12. Trong phần phát biểu của mình, ông Minh cho biết gần đây nhiều người cho rằng dữ liệu chính là “dầu mỏ” của thế kỷ 21. Nhưng ông cho rằng có sự khác biệt ở đây vởi vì dầu mỏ thì hữu hạn trong khi dữ liệu là vô hạn. Các số liệu của thế giới cho biết trung bình mỗi người tạo ra tới 1,7 GB dữ liệu một ngày. Đó là nguồn dữ liệu vô cùng lớn.

“Nhưng cũng như dầu thô, dữ liệu thô không có giá trị. Quan trọng là phải thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu như thế nào. VNG cũng luôn suy nghĩ về việc phân tích, xử lý dữ liệu ra sao,” ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cho hay, 10 năm trở lại đây ông không bao giờ cung cấp số điện thoại và email cá nhân vào bất cứ mẫu yêu cầu thông tin (form) nào trên mạng. Vì một lần, ông Google thử số điện thoại của mình thì thấy một loạt thông tin của ông được trả về trong danh sách những người có thu nhập trên 1000 đô la Mỹ tại TP.HCM. Điều đó làm ông Minh cho rằng dữ liệu cá nhân của ông, giống như rất nhiều người, đã bị lộ lọt.

“Hôm trước, tôi vừa nghe bạn bè nói chuyện về một sản phẩm y tế mới ra mắt tại Mỹ, thì ngay hôm sau thấy quảng cáo sản phẩm đó xuất hiện trên NewsFeed của mình, dù trước đó tôi chưa từng biết về sản phẩm đó, chưa từng tìm kiếm sản phẩm,” ông Minh kể.

Ông Minh cho hay trung bình mỗi năm ông phải khai tới 100-150 sơ yếu lý lịch để phục vụ cho công việc. Và với những câu chuyện kể trên, ông Minh cho rằng tại Việt Nam dữ liệu của người dùng không được tôn trọng và bảo vệ.

Ông nói: “Chúng ta không biết thông tin của mình đang bị những ai thu thập và thu thập để làm gì. Hiện nay, 99% dữ liệu là dữ liệu thô, chỉ có 1% dữ liệu được xử lý để tạo ra giá trị. Nhưng trong 1% này thì có tới 99% là do các doanh nghiệp đa quốc gia lớn trên thế giới xử lí, phân tích. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ phân tích, xử lý được 1% còn lại. Các nguồn dữ liệu tại Việt Nam cũng tương đối rời rạc, không liên thông, nhiều dữ liệu trùng lặp.”

Vậy làm sao để Việt Nam có thể phát triển được kinh tế số? Ông Minh cho rằng trước hết người dân cần phải có được sự tin tưởng là là dữ liệu cá nhân của mình được tôn trọng và bảo vệ. Đó là tiền đề, là nền tảng đầu tiên. Ông cho rằng Việt Nam rất cần xây dựng một Luật bảo vệ dữ liệu quyền riêng tư - để thúc đẩy kinh tế số thì đây là việc cực kỳ quan trọng. Mỗi người có quyền được biết dữ liệu của mình do ai thu thập, vì mục đích gì và có quyền đồng ý hoặc từ chối không cho thu thập.

“Trên thế giới đã có khung pháp lý cho vấn đề này để VN có thể tham khảo, ví dụ như Luật GDPR của châu Âu,” ông Minh tư vấn.

Sau khi đã tạo dựng được niềm tin rồi thì ông Minh cho rằng Chính phủ cần một hạ tầng để phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam. Hiện tại các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn nằm trong dự án của các bộ ngành riêng biệt. Hiện nay Việt Nam đang thiếu hồ sơ định danh điện tử cho mỗi công dân (thay cho chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch), hy vọng là 3-5 năm tới ta sẽ có được điều này.

“Sau khi xây dựng cơ sở dữ liệu thì Chính phủ cần phải làm sao khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức trao đổi dữ liệu với nhau. Chính phủ cần tạo ra một nền tảng để các bên có thể chia sẻ, trao đổi dữ liệu, vì việc này thì không doanh nghiệp nào có thể tự làm được,” ông Minh đề xuất.

Theo TBKTSG