|
Ông Phạm Phú Quốc (Nguồn: VCCINews)
|
Cuối năm 2019, ông Phạm Phú Quốc (SN 1968) được điều động, bổ nhiệm làm Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Quyết định được UBND TP. HCM ban hành sau hơn nửa năm ông Tề Trí Dũng – cựu CEO IPC – bị nhà chức trách khởi tổ, bắt tạm giam về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Những lần làm “sếp” DNNN của ông Phạm Phú Quốc
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Phạm Phú Quốc có học vị Tiến sỹ kinh tế, là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội TP. HCM. Trước khi về IPC, ông Quốc đã có nhiều kinh nghiệm làm sếp ở một số doanh nghiệp nhà nước, trong đó có thể kể tới Tổng Công ty Bến Thành và Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC).
Năm 1998, ông Phạm Phú Quốc bắt đầu công tác tại Tổng Công ty Bến Thành với vị trí trưởng phòng điều hành tour của Công ty Thương mại dịch vụ Du lịch Tân Định Fiditourist. Sau đó, ông Quốc lần lượt trải qua nhiều vị trí quản lý khác trong tổng công ty. Đến tháng 2/2014, ông Quốc được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Bến Thành và nắm giữ cương vị này tới tháng 9/2015.
Trong khoảng thời gian gắn bó hơn 1,5 năm với Tổng Công ty Bến Thành, ông Quốc còn làm Chủ tịch HĐQT tại CTCP TMDV Bến Thành (TSC), Công ty TNHH LD KS Plaza, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội; Thành viên HĐTV tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Là người đứng đầu tại nhiều doanh nghiệp thành viên, ông Quốc cũng có thu nhập cao nhất trong số các lãnh đạo tại Tổng Công ty Bến Thành. Chỉ riêng trong năm 2015, tổng thù lao và lợi ích khác dành cho ông Phạm Phú Quốc tại tổng công ty này là 969 triệu đồng.
Rời Tổng Công ty Bến Thành, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP. HCM bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách HĐTV kiêm Tổng Giám đốc HFIC. Quyết định bổ nhiệm có thời hạn 5 năm, song tới ngày 18/1/2018, ông Quốc tiếp tục được điều chuyển công tác, giữ chức Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM (HIDS).
Đáng chú ý, chỉ 3 ngày trước khi được điều chuyển công tác, ông Quốc được chấp thuận cho đi nước ngoài về việc riêng theo quyết định số 170/QĐ-UBND ban hành ngày 15/1/2018.
Trong quãng thời gian công tác tại HFIC, ông Phạm Phú Quốc cũng có không ít nốt trầm. Ngày 28/9/2018, UBKT Thành ủy TP. HCM đã tổ chức cuộc họp thông báo kết quả thi hành kỷ luật đối với ban thường vụ Đảng ủy HFIC và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 8 cùng các đảng viên của 2 tổ chức Đảng tại đơn vị này.
Theo đó, ủy ban kiểm tra cho biết Ban Thường vụ Đảng ủy HFIC nhiệm kỳ 2015-2020 và các cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, vi phạm trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ bị giảm sút. Trong đó, ông Phạm Phú Quốc nằm trong số 4 đảng viên của HFIC bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Dấu ấn tại IPC
Nửa năm sau khi “thay tướng”, IPC ghi nhận doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 19,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu trọng yếu của doanh nghiệp này trong kỳ đến từ các khoản thu nhập khác, đạt hơn 644 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, IPC báo lãi gần 663 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm 2020.
Theo tìm hiểu của VietTimes, nguồn thu nhập khác của IPC chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH PT Phú Mỹ Hưng (456,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Tân Thuận (114,1 tỷ đồng) và Công ty TNHH Sepzone Linh Trung (27,6 tỷ đồng).
Tính đến ngày 30/6/2020, quy mô tổng tài sản của IPC đạt 5.682 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền của IPC tăng gấp 3,5 lần so với đầu năm, đạt mức 306,2 tỷ đồng. Thêm nữa, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (là các khoản tiền gửi) cũng tăng từ 800 tỷ đồng lên 921,5 tỷ đồng.
“Núi tiền” lên tới cả nghìn tỷ đồng cũng giúp IPC thu về gần 50 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính trong nửa đầu năm 2020.
Mạng xã hội và truyền thông trong nước đang xôn xao trước một tài liệu mà hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) mới công bố. Theo đó, Al Jazeera tung ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus), một quốc gia châu Âu, cho phép các chính trị gia “dễ tham nhũng” mua hộ chiếu châu Âu. Đại biểu Quốc hội của TP. HCM Phạm Phú Quốc bị Al Jazeera cáo buộc có tên trong danh sách này. Sáng nay (25/8), trao đổi với phóng viên báo SGGP về thông tin Đại biểu Quốc hội TP. HCM Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách các chính trị gia “mua” hộ chiếu châu Âu, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, ông đã giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin này. Tuy nhiên, ông Túy lưu ý rằng, cần rất thận trọng khi xem xét thông tin từ các trang thông tin nước ngoài. Tổng thư ký, Người phát ngôn của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông chưa có thông tin gì về việc này và đề nghị báo chí xác minh cẩn trọng, bởi ngay cả trang thông tin của Quốc hội Việt Nam cũng bị giả mạo./. |