Tại hội thảo, TS. Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho biết nhiều nghiên cứu của chị em phụ nữ ở các trường đại học viện nghiên cứu đã được thực hiện.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này cần được phổ biến rộng rãi, lan tỏa đến cộng đồng để giải quyết các vấn đề nóng của xã hội. Vì thế, hoạt động của Hội Nữ trí thức đóng vai trò quan trọng góp phần đưa các nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng trong thực tiễn và đến gần hơn với người dân.
TS. Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Minh Thúy
|
GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam - cho hay: Mục đích chính của hội thảo nhằm kết nối nữ trí thức với doanh nhân, đồng thời, thông báo hoạt động của Hội Nữ trí thức, phát triển, quảng bá sản phẩm nghiên cứu của các hội viên. Hội thảo không chỉ giới thiệu một số sản phẩm phòng, ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 mà còn đưa ra giải pháp giải cứu nông sản trong giai đoạn hiện nay.
GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam. Ảnh: Minh Thúy
|
Giải pháp hiệu quả giải cứu nông sản trước dịch Covid-19
Hiện, một số loại nông sản như dưa hấu, thanh long,… đang bị rớt giá, được bày bán tràn lan vì không thể xuất khẩu do dịch Covid-19. Để khắc phục tình trạng này, công nghệ cô đặc dịch quả (JEVA) là một giải pháp hiệu quả để giải cứu nông sản, đặc biệt là các loại hoa quả tươi không bảo quản được lâu.
Theo PGS. TS. Nguyễn Minh Tân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên, Trường Đại học Bách Khoa - với công nghệ JEVA, các doanh nghiệp chế biến rau quả có thể thu mua các loại hoa quả khác nhau với chất lượng đa dạng để chế biến thành nước quả cô đặc đạt chất lượng có thể xuất khẩu sang châu Âu.
Công nghệ JEVA sẽ giúp nông dân có đầu ra sản phẩm và thu nhập ổn định, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” do không thể tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch.
PGS. TS. Nguyễn Minh Tân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên, Trường Đại học Bách Khoa. Ảnh: Minh Thúy
|
GS. Tân khẳng định công nghệ JEVA có thể khắc phục hạn chế của công nghệ cô đặc nhiệt, thích hợp với quy mô sản xuất vừa và nhỏ.
Vì thế, nông dân, các hộ gia đình có thể đầu tư hoặc thuê hệ thống thiết bị để tự chế biến hoa quả giúp tăng giá trị sản phẩm và giảm thiếu tối đa tổn thất sau thu hoạch nông sản.
Ngoài ra, phạm vi ứng dụng của công nghệ không bị ràng buộc, bó hẹp ở một vùng nguyên liệu, có thể sản xuất, chế biến nhiều loại nước hoa quả khác nhau.
Đáng chú ý, hệ thống thiết bị, công nghệ của JEVA được chế tạo tại Việt Nam nên giá sẽ rẻ hơn thiết bị cô đặc nước quả theo công nghệ bốc hơi nhập ngoại, trên thế giới chưa có sản phẩm nào tương tự.
Ứng dụng trên thực tế cho thấy, nước quả thanh long, dưa hấu được cô đặc bằng JEVA có thể sử dụng trong 1 năm.
Tăng cường hệ thống miễn dịch để phòng dịch bệnh
Theo GS. TS. Lê Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam – đông trùng hạ thảo và nấm linh chi là 2 loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Đông trùng hạ thảo có tác dụng điều chỉnh và tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường khả năng chống ung thư, chức năng gan, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, chống lại bệnh tật, điều chỉnh nội tiết tố cơ thể, tăng cường lưu thông máu, loại bỏ axit Lactic, chống lão hóa,…
Còn nấm kinh chi giúp kích thích, điều hòa hệ thống miến dịch thông qua cách hoạt hóa tế báo, tăng khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi khuẩn, virus và tế bào khối u.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Minh Thúy
|
Đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (Covid-19), virus thường không xâm nhập vào trẻ nhỏ, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là những người bị suy giảm miễn dịch, có các yếu tố bệnh nền.
Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, mỗi người cần bổ sung cho cơ thể các sản phẩm giúp kích thích hệ thống miễn dịch tự nhiên, chống lại virus.
Đáng chú ý, tại hội thảo, TS. Trần Thị Ngọc Dung - Trưởng phòng công nghệ Thân Môi trường Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho hay: các sản phẩm Nano bạc gồm: khẩu trang sát khuẩn, nước súc miệng,... là giải pháp hữu hiệu để mỗi người dân chủ động phòng dịch Covid-19.
Để phòng dịch, người dân hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang vải có miếng lót chứa nano bạc giúp lọc bụi, vi khuẩn thay vì dùng khẩu trang y tế.
TS. Trần Thị Ngọc Dung - Trưởng phòng công nghệ Thân Môi trường Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu về khẩu trang sát khuẩn. Ảnh: Minh Thúy
|
Cùng với đó, ThS. Bá Thị Châm – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – đã thông tin thêm về công dụng của củ tỏi đối với cơ thể. Củ tỏi khi lên men sẽ trở thành một siêu thực phẩm với chất dinh dưỡng vượt trội giúp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, giảm xơ vữa động mạch, ngừa đột quỵ, hỗ trợ điều trị tiểu đường, giảm béo, bồi bổ cơ thể.
Với những công nghệ và các sản phẩm khoa học công nghệ, hội thảo đã thông tin rõ hơn về những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa dịch Covid-19, đồng thời, khuyến khích các nữ trí thức tích cực nghiên cứu những sản phẩm thiết thực với người dân trong tương lai để chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng.