Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên: Tôi không dám so sánh mình với bà Thatcher

Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC) gọi CEO Vinamilk Mai Kiều Liên là “nữ hoàng sữa” và “Margaret Thatcher của Việt Nam”, nhưng bà Mai Kiều Liên khiêm tốn từ chối những cái tên mỹ miều này.
Bà Mai Kiều Liên là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam

Bà Liên nhấn mạnh: “Tôi không dám so sánh mình với bà Thatcher, nhưng cũng phải khẳng định rằng Vinamilk không thể có ngày nay nếu thiếu những quyết định đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt.”

Nữ hoàng sữa...

Tham gia vào ngành công nghiệp chế biến sữa 40 năm, bà Mai Kiều Liên đã chuyển đổi thành công từ mô hình công ty nhà nước sang hình thức cổ phần hóa theo xu hướng tư nhân hóa được tiến hành mạnh mẽ từ năm 2006.

Với mức lợi nhuận trước thuế khoảng 359 triệu USD năm 2014 và chiếm 51% thị phần sữa nội địa, Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam, theo nhận xét của Nielsen.

Dưới sự lãnh đạo của CEO Mai Kiều Liên, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm của mình đến 23 quốc gia, kỳ vọng đạt doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017. Cổ phiếu Vinamilk tăng liên tiếp trong 5 năm vừa qua, và hiện được định giá khoảng 5,6 tỷ USD.

Hãng tin Bloomberg nhận định, chiến tranh đã "giúp" nữ CEO Việt thành công hơn nhờ những kỹ năng  "việc nước, việc nhà vẹn toàn" được mài dũa trong suốt những năm kháng chiến tranh khi đàn ông ra trận hết.

“Không giống như nhiều quốc gia châu Á, nơi phụ nữ bị thiệt thòi, ở Việt Nam, phụ nữ rất mạnh mẽ”, Peter Ryder, CEO của tổ chức Indochina Capital, nhà đầu tư vào những công ty do các “quý bà” lãnh đạo như Vinamilk, cho biết.

Bà Mai Kiều Liên cũng được trao giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20 vì những đóng góp mang tầm khu vực và thế giới.

Giới thiệu về bà Mai Kiều Liên, Nikkei cho biết, bà là người tiên phong trong thị trường các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam và đã xây dựng Vinamilk thành công ty hàng đầu trong ngành này, và đang tích cực mở rộng ra quốc tế.

... và cuộc “cách mạng”

Dưới sự dẫn dắt của CEO Mai Kiều Liên, trong những năm qua, Vinamilk đã làm được cuộc cách mạng trong thói quen ăn uống của người Việt.

CNBC nhận định, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người hàng năm tại Việt Nam tăng 36 lần trong vòng 25 năm qua, một phần nhờ vào “kỳ tích” của Vinamlik.

Ảnh minh họa - Getty Images

CNBC cho biết lượng sữa tiêu thụ ở Việt Nam tăng từ 0,5 lít/người/năm vào năm 1990 lên 18 lít/người/năm tại thời điểm hiện nay. “Có lẽ sữa tươi đã ‘thấm’ vào chế độ ăn của người Việt trong thập kỷ qua,” tác giả Kaori Enjoji - trưởng bộ phận  chuyên trách về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của CNBA tại Tokyo – nhấn mạnh.

Tác giả miêu tả mùi thơm của đường nóng chảy lan tỏa khắp máy sữa lớn nhất của Việt Nam tại Bình Dương, với công suất lên tới 400 triệu lít mỗi ngày. “Đó là hương vanilla”, giám đốc sản xuất của Vinamilk – bà Bùi Thị Thu Hoài chia sẻ.

Bà Hoài cho hay, khẩu vị của người Việt ưa đồ ngọt, vì thế sản phẩm của Vinamilk nhanh chóng chiếm được chỗ đứng trong khẩu phần ăn của các gia đình.

Kênh CNBC cho biết, với lượng vốn ‘khủng’, Vinamilk được xem là công ty lớn thứ 2 tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian vừa qua dưới sự lãnh đạo tài tình của CEO nữ 61 tuổi - Mai Kiều Liên./.

Theo VOV