Nữ doanh nhân gốc Việt làm chủ “Đế chế rác” trị giá 10 triệu USD

Mặc dù CCWS đã thực hiện một cú “trở mình” đáng kinh ngạc để trở thành một doanh nghiệp 10 triệu USD chỉ trong vòng 5 năm, nữ doanh nhân thừa nhận ngành công nghiệp mà “cánh mày râu” được cho là thống trị đã gây cho cô không ít khó khăn ban đầu.
Nữ doanh nhân Lê Hồ
Nữ doanh nhân Lê Hồ

Trang Daily Mail (Anh) mới đây đã cho đăng tải một bài viết dài kể về câu chuyện của nữ doanh nhân xinh đẹp gốc Việt – Lê Hồ, 36 tuổi, nhà sáng lập nên “Đế chế rác” trị giá 10 triệu USD – Công ty Capital City Waste Services (CCWS) có trụ sở đặt tại thành phố cảng Sydney, Úc.

Doanh nhân Lê Hồ khởi nghiệp với một cửa hàng áo cưới rồi nhanh chóng bén duyên với ngành công nghiệp xử lý rác thải. Chỉ trong vòng 5 năm bám trụ với nghề, nữ doanh nhân gốc Việt đã khiến cho nhiều người phải thán phục bởi bản lĩnh kinh doanh của mình sau khi biến một công ty đang đứng trên bờ vực phá sản thành một đế chế xử lý rác thải trị giá hàng chục triệu đô la.

Có thể nói, ở thì hiện tại, nhà sáng lập CCWS đang có một cuộc sống mà nhiều người ao ước, nhưng ít ai biết được, người phụ nữ 36 tuổi này đã phải trải qua những khó khăn, vật lộn với các thách thức như thế nào trong giai đoạn đầu để “sinh tồn” trong một ngành công nghiệp nơi mà nam giới thường được xem là “kẻ thống trị”.

Nữ doanh nhân gốc Việt cùng bố mẹ đến Úc trên một chiếc thuyền đánh cá khi cô mới chỉ 18 ngày tuổi. Bố mẹ cô đều là dân nhập cư từ Việt Nam. “Chúng tôi rời Việt Nam trên một con thuyền đánh cá và sau một vài ngày lênh đênh trên biển, đầu máy chiếc thuyền bị hỏng” – nữ doanh nhân chia sẻ cùng tờ Daily Mail Australia.

“Một con tàu cướp biển đã đưa chúng tôi vào bờ, hãm hiếp những người phụ nữ trên tàu, lấy đi tất cả của cải của chúng tôi, và gửi chúng tôi đến 1 trại tị nạn” – cô nói thêm.

Cô kể mình đã trải qua một quãng thời gian khó khăn. Gia đình cô đã buộc phải sống ở Thái Lan trong 6 tháng, sau đó đến năm 1981, gia đình cô chuyển đến định cư ở Nam Úc. “Chúng tôi đến Úc không có gì hơn ngoài bộ quần áo mặc trên người” – cô kể.

Gia đình cô đã buộc phải sống ở Thái Lan trong 6 tháng, sau đó đến năm 1981, gia đình cô chuyển đến định cư ở Nam Úc

Năm 21 tuổi, cô bắt đầu làm quen với kinh doanh bằng việc thành lập nên một cửa hàng bán lẻ đầu tiên chuyên bán giày cưới và áo cưới, đặt tên là Honey Bee

Chỉ 6 năm sau, từ một cửa hàng ban đầu đến nay Lê Hồ đã phát triển thành 6 cửa hàng bán lẻ.

Năm 21 tuổi, cô bắt đầu làm quen với kinh doanh bằng việc thành lập nên một cửa hàng bán lẻ đầu tiên chuyên bán giày cưới và áo cưới, đặt tên là Honey Bee. Chỉ 6 năm sau, từ một cửa hàng ban đầu đến nay Lê Hồ đã phát triển thành 6 cửa hàng bán lẻ. “Tôi luôn luôn có niềm đam mê với việc tạo lập nên các doanh nghiệp” – cô chia sẻ. “Mặc dù tôi biết, một cửa hàng bán lẻ nhỏ sẽ không bao giờ làm trọn vẹn được hết những ước mơ của tôi, nhưng nó chắc chắc sẽ giúp gây dựng nên một nền tảng để một ngày nào đó giúp tôi tạo lập nên một doanh nghiệp lớn hơn” – cô nói thêm.

Sáu năm sau, con đường sự nghiệp của Lê Hồ đã hoàn toàn thay đổi khi xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. “Mua sắm trực tuyến đã trở nên quá phổ biến. Sự tiện lợi của việc mua sắm ngay tại nhà và nhận được những món đồ chuyển ngay đến cửa nhà bạn đã thay đổi cách mà người Úc đi mua sắm” – nữ doanh nhân nói. “Tôi muốn lập nên một doanh nghiệp đứng vững được trước suy thoái, không phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, một doanh nghiệp nơi mà mọi người sẽ luôn luôn có nhu cầu đối với các dịch vụ”.

Chỉ trong vòng 5 năm bám trụ với nghề, nữ doanh nhân gốc Việt đã khiến cho nhiều người phải thán phục bởi bản lĩnh kinh doanh của mình

Vào năm 2010, nữ doanh nhân trẻ tuổi đã ra một quyết định giúp cô thay đổi cả cuộc sống của mình, đấy là quyết định tiếp quản công ty quản lý chất thải Capital City Waste Services có trụ sở đặt tại thành phố cảng Sydney.

Mặc dù công ty này lúc bấy giờ đã bị thua lỗ gần 20.000 USD/tháng. Cô vẫn đồng ý mua lại với giá 50.000 USD. Tại thời điểm bấy giờ, để tối giản chi phí cho công ty, Lê Hồ đảm nhiệm hầu hết tất cả các vai trò của CCWS sau khi cắt giảm gần hết nhân viên của bộ máy cũ, bao gồm cả tổng giám đốc/giám đốc, nhân viên bán hàng, kế toán thậm chí cả tài xế xe tải.

Trong năm đầu tiên, cô đã vận hành doanh nghiệp bằng chính chiếc xe tải của mình. 

Trong năm đầu tiên, cô đã vận hành doanh nghiệp bằng chính chiếc xe tải của mình. Làm việc đến 18 giờ/ngày. Mỗi ngày từ 6 giờ sáng, cô lái xe đi thu gom rác thải, sau đó cô lại nhanh chóng thay quần áo để tham dự vào các cuộc họp vào buổi tối.

“Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi leo lên một xe chở rác, tôi đã không thể với đến bàn đạp”,  “Những lái xe chở rác khác khi đi ngang qua tôi còn phải ngoảnh lại để xem có đúng là một cô gái đang lái xe hay chỉ là một người đàn ông với mái tóc dài.” – Lê Hồ hài hước kể.

Và những nỗ lực của nữ doanh nhân trẻ đã được đền đáp. Sau 12 tháng đầu tiên, doanh thu của Capital City Waste Services đã tăng gấp đôi. “Trong 12 tháng tiếp theo, khi doanh thu lại tăng gấp đôi một lần nữa, tôi nhận ra CCWS đã trở thành một doanh nghiệp được chấp nhận và được tôn trọng trong ngành công nghiệp quản lý chất thải” – nữ doanh nhân chia sẻ.

“Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi đi bộ qua khu trung tâm Sydney và nhìn thấy những thùng đựng rác của CCWS. Tôi tin rằng tôi đã giúp thay đổi nhận thức về một ‘chủ doanh nghiệp quản lý chất thải’ phải như thế nào” – Lê Hồ nói.

Mặc dù CCWS đã thực hiện một cú “trở mình” đáng kinh ngạc để trở thành một doanh nghiệp 10 triệu USD chỉ trong vòng 5 năm, nữ doanh nhân thừa nhận ngành công nghiệp mà “cánh mày râu” được cho là thống trị đã gây cho cô không ít khó khăn ban đầu.

“Vì độ tuổi của tôi và xuất thân là người châu Á, cũng khá khó khăn để nhiều người tin rằng tôi là chủ sở hữu” của CCWS. Tôi thường bị nhầm lẫn là đại diện hay trợ lý bán hàng và do đó cũng khó cho tôi có thể có được sự tin tưởng và ủng hộ từ người khác.

Để có được sự tôn trọng từ các đồng nghiệp của mình, Lê Hồ quyết định cô sẽ không bao giờ nói “không”

Để có được sự tôn trọng từ các đồng nghiệp của mình, Lê Hồ quyết định cô sẽ không bao giờ nói “không”. “Tôi rất hiếm khi nói không với bất kỳ yêu cầu công việc nào, cho dù đấy là khách hàng hay đồng nghiệp của tôi, để tìm kiếm các hợp đồng” – cô tiết lộ.

Lê Hồ cũng chia sẽ về quan điểm sống tích cực của mình “Tôi luôn cố gắng để tập trung vào những mặt tích cực thay vì tiêu tốn thời gian với những con quỷ hút năng lượng và khiến tôi gục ngã”. “Khi bắt đầu, đồng nghiệp không muốn làm việc cho tôi vì tôi là nữ nhưng tôi đã tập trung vào những người ủng hộ mình trên cuộc hành trình này” – cô nói.

“Tôi đã rất may mắn vì có được sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và những người cố vấn, họ đã giúp tôi gây dựng nên công ty như ngày hôm nay”.

Khi nói về việc khởi nghiệp, Lê Hồ tin rằng một lời khuyên tốt nhất cho những doanh nhân trẻ có tiềm năng là hãy “luôn luôn làm theo đam mê của bạn” và “luôn luôn nhìn vào mặt tích cực” của vấn đề. “Đừng lo lắng về việc mắc sai lầm. Gia đình tôi và tôi đến đây mà chẳng có gì. Vậy nên khi bạn chẳng có gì để bắt đầu, bạn cũng không có gì để mất”.

Theo ANTT