Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga - bác sĩ nội trú Nhi ở Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga - bác sĩ nội trú Nhi ở Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

E-magazine Nữ bác sĩ kể câu chuyện đẫm nước mắt về bệnh lao trong 3 phút

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vượt qua 23 thí sinh khác với bài trình bày về bệnh lao đầy sức thuyết phục, nữ bác sĩ nội trú Nhi đã giành giải Nhất cuộc thi “3MT- Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt ”.

Đúng vào ngày thế giới phòng, chống lao (24/3), cuộc thi “3MT (Three Minute Thesis) - Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt” đã được Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia và Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock tổ chức với sự tham gia của 23 thí sinh là sinh viên, bác sĩ đang học tập, làm việc trong ngành Y.

Câu chuyện đẫm nước mắt về bệnh lao

Sau hơn 2 tiếng lắng nghe bài thuyết trình của 23 thí sinh, ban giám khảo gồm PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và TS.BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney đã tìm ra người chiến thắng và đạt giải Nhất cuộc thi “3MT - Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt”. Đó chính là chị Nguyễn Thị Ngọc Nga - bác sĩ nội trú Nhi ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga đạt giải Nhất cuộc thi “3MT - Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt” (Ảnh - Minh Thuý)

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga đạt giải Nhất cuộc thi “3MT - Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt” (Ảnh - Minh Thuý)

Ngay sau khi đạt giải Nhất cuộc thi, chia sẻ với PV VietTimes, chị Nga cho biết: “Tôi là bác sĩ nội trú Nhi đang học chương trình nội trú ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Bài thuyết trình “Vẫn còn đó một bệnh dịch cần chấm dứt – nhưng chúng ta có thể chấm dứt nó!” là câu chuyện có thật mà chính bản thân tôi đã trải qua. Trước đó tôi chưa để tâm tới bệnh lao cho đến khi em trai tôi mắc bệnh. Khi biết em tôi mắc bệnh lao, tôi cùng cả gia đình đều vô cùng bất ngờ, cả gia đình đã phải trải qua thời gian khó khăn. Đây chính là một lời cảnh tỉnh cho tôi cùng cả gia đình. Vì thế, tôi muốn gửi tới các bạn học sinh, sinh viên thông điệp hãy cảnh giác với bệnh lao, chủ động phòng, chống bệnh lao vì lao có thể chữa được và sắp được loại trừ. Tuy nhiên, nếu chúng ta không chung tay, rất nhiều hệ luỵ sẽ xảy ra đối với từng cá nhân, gia đình và cả xã hội”.

Cùng với chị Nga, chị Nguyễn Thị Thu Hà với bài thuyết trình "Chuột và bệnh lao" đạt giải 3 và anh Nguyễn Duy đạt giải Nhì với bài thuyết trình "Hiểu về lao: Cùng chung tay chấm dứt dịch bệnh" (Ảnh - Minh Thuý)

Cùng với chị Nga, chị Nguyễn Thị Thu Hà với bài thuyết trình "Chuột và bệnh lao" đạt giải 3 và anh Nguyễn Duy đạt giải Nhì với bài thuyết trình "Hiểu về lao: Cùng chung tay chấm dứt dịch bệnh" (Ảnh - Minh Thuý)

Em trai của chị Nga là một chàng trai 22 tuổi, sinh viên của Học viện Nông nghiệp. Vào tháng 2 năm ngoái, anh thường xuyên bị đau lưng sau mỗi lần vận động. 6 tháng sau, khi bị đau nhiều đến mức không thể chịu đựng được, anh được chị Nga đưa đi khám và phát hiện mắc bệnh lao cột sống và lao phổi. Chưa đầy 1 tháng sau đó, biến chứng của lao phổi đã bắt đầu tấn công anh khiến anh bị viêm phổi, viêm mủ màng phổi, phổi có ổ cặn phải phẫu thuật.

Chị Nga tâm sự: “Hiện, em trai tôi đang trong quá trình điều trị bệnh lao với phác đồ điều trị 12 tháng. Đến nay là tháng thứ 5 em trai tôi điều trị. Đến nay, tình hình sức khoẻ của em trai tôi đã bắt đầu cải thiện. Tôi cùng cả gia đình sẽ tiếp tục hỗ trợ em chữa bệnh. Với giải thưởng ngày hôm nay, tôi cảm thấy rất vui và biết ơn các thầy, cô đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia cuộc thi đầy ý nghĩa này”.

Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19

Chia sẻ thông tin về bệnh lao, PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết: Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước dưới 5 micromet. Không chỉ vậy, vi khuẩn lao còn có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mắc mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong trên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trong năm 2018, Việt Nam đã có 174.000 người mắc lao mới; 11.000 người tử vong do lao; 2.000 người chết vì lao trên nền HIV.

PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Chương trình phòng, chống lao đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Đó chính là việc quản lý bệnh nhân lao đa kháng thuốc, bệnh nhân HIV, bệnh lao ở trẻ em, đặc biệt là việc thiếu hụt các cán bộ làm công tác phòng, chống lao, kinh phí phòng, chống lao và việc kỳ thị bệnh nhân mắc bệnh lao. Do đó, là trường đầu ngành đào tạo y học, Trường Đại học Y Hà Nội đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực y tế phòng, chống lao.

Cuộc thi thuyết trình “3MT - Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt” là cơ hội để sinh viên, học viên, nhân viên, cán bộ Trường Đại học Y Hà Nội nâng cao sự hiểu biết về bệnh lao, đồng thời, góp phần vào công cuộc phòng, chống bệnh lao ở Việt Nam và trên thế giới.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương –Bệnh lao vô cùng nguy hiểm nên mỗi người phải chú trọng sàng lọc đối với những người có nguy cơ mắc bệnh lao. Sau 40 năm, Việt Nam đã xác định được phác đồ điều trị mới chỉ 4 tháng đối với những người mắc bệnh lao. Tuy nhiên, vaccine BCG phòng lao chỉ có hiệu quả đối với trẻ nhỏ còn người lớn thì không.

Trao đổi với PV VietTimes, TS.BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney – cho hay: “Thông điệp của ngày thế giới phòng, chống lao năm nay là “đồng hồ đã điểm” – chúng ta không còn nhiều thời gian để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam và trên thế giới. Để chấm dứt bệnh lao thì phải chẩn đoán, phát hiện sớm người mắc lao để kịp thời chữa trị, không lây bệnh cho những người xung quanh. Cuộc thi “3MT - Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt” diễn ra sẽ giúp các bác sĩ tương lai sẽ nhận thức được tầm quan trọng của bệnh lao, chung tay phòng, chống bệnh lao”.

TS.BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney (Ảnh - Minh Thuý)

TS.BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney (Ảnh - Minh Thuý)

“Khi tham gia cuộc thi, mỗi thí sinh chỉ được trình bày trong 3 phút. Trong 3 phút ngắn ngủi này, thí sinh phải chuyển tải được thông điệp chính về phòng, chống bệnh lao cho người nghe. Thực tế đã chứng minh bệnh lao vô cùng nguy hiểm, lây truyền qua đường không khí. Cứ 3 người thì có 1 người mang vi khuẩn lao tiềm ẩn trong cơ thể. Do đó rất khó để có thể phát hiện bệnh bởi nhiều người mắc bệnh không có biểu hiện ra bên ngoài. Hiện nay chưa có vaccine hiệu quả đối với bệnh lao nên mỗi người cần thường xuyên khám sàng lọc để phát hiện sớm và điều trị kịp thời” - TS.BS. Nguyễn Thu Anh nói.

TS. BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội – cho hay: Đây là lần đầu tiên cuộc thi thuyết trình “3MT- Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt” được tổ chức dành riêng cho sinh viên ở các ngành y, dược học ở Việt Nam. Ý tưởng của cuộc thi được khởi xướng bởi PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

TS. BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

TS. BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

Chương trình có Format giống với các cuộc thi trên thế giới. Tham dự cuộc thi “3MT – Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt”, các thí sinh sẽ thi thuyết trình trực tiếp trên sân khấu. Thí sinh tham gia được lựa chọn 1 chủ đề về bệnh lao để thuyết trình trong tối đa 3 phút trước mặt Ban giám khảo và khán giả. Mỗi thí sinh được chuẩn bị trước 1 slide PowerPoint duy nhất tỉ lệ 16:9 để sử dụng cho bài thuyết trình của mình, không sử dụng hiệu ứng, âm thanh, video. Bài trình bày là bài nói (không đọc thơ, không hát, không đọc rap) và không sử dụng phụ kiện hỗ trợ biểu diễn.