Hiện thực hóa Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Sở Giao dịch 2 đang tiến hành các thủ tục cần thiết để bán đấu giá toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của Công ty Cổ phần Đầu tư Y tế Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 tại ngân hàng này, nhằm xử dứt điểm khoản nợ xấu liên quan.
Cập nhật đến ngày 31/07/2017, giá trị nợ gốc và lãi được ghi nhận là 1.091 tỷ đồng, với tài sản thế chấp kèm theo khoản nợ là Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại Xã Tân Kiên, Huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Dự án bao gồm 1 nền đất có diện tích 174,5 m2 tại thửa đất số 302, tờ bản đồ 62, bộ địa chính xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; Quyền sử dụng 41.242,1m2 theo Giấy CNQSDĐ số CT05280 do Sở TN và MT Tp.HCM cấp ngày 21/02/2011 và tài sản gắn liền với đất là 2 Khối chung cư với 712 căn hộ.
Với mức giá khởi điểm được ấn định là 810 tỷ đồng (đã làm tròn), dự kiến nhà đầu tư nào trúng đấu giá trong thương vụ trên, sẽ có quyền quản lý và định đoạt số phận của Dự án 584 Tân Kiên. Và điều này có lẽ cũng sẽ là động lực chính đem các nhà đầu tư đến với phiên đấu giá – nếu có.
ĐHĐCĐ không thông qua
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 – lần 3 diễn ra vào ngày 29/09/2017 (2 lần trước đại hội không đủ điều kiện tiến hành vì không hội đủ số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự) của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (UPCoM: NTB), vấn đề trên cũng được đem ra thảo luận.
Trước sự tham dự của 46 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 42,26% cổ phần có quyền biểu quyết của NTB, chủ tọa đoàn đã xin ĐHĐCĐ thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) đàm phán với các Ngân hàng tại Tòa án về việc giao tài sản dự án Trịnh Đình Trọng cho Ngân hàng Sacombank, dự án Nguyễn Oanh Phường 6 Gò Vấp và dự án Tân Kiên Bình Chánh cho Ngân hàng BIDV – CN Sở Giao dịch II để các Ngân hàng phát mãi tài sản trả nợ vay cho Ngân hàng (Dự án Tân Kiên Bình Chánh là cách viết tắt của Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên).
Tuy nhiên, đề xuất trên của chủ tọa đoàn chỉ nhận được phiếu biểu quyết “đồng ý” của các cổ đông đại diện cho 191.400 cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 1,14% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội.
Trong khi, số phiếu biểu quyết “không đồng ý” lên tới 16.251.119 cổ phần, chiếm tỷ lệ 96,71%.
Như vậy, ĐHĐCĐ NTB đã không thông qua việc ủy quyền cho HĐQT đàm phán với các Ngân hàng tại Tòa án về việc giao tài sản dự án cho các ngân hàng chủ nợ để các ngân hàng phát mãi tài sản trả nợ nay cho ngân hàng. Bao gồm cả việc ủy quyền cho HĐQT đàm phán với BIDV về việc giao tài sản dự án Tân Kiên Bình Chánh.
Nhưng như đã nói, hiện BIDV – Chi nhánh Sở Giao dịch 2 đang hoàn thiện các thủ tục bán đấu giá cần thiết, để thu hồi khoản cho vay liên quan đến dự án Tân Kiên Bình Chánh.
Sự việc có thể xem như một ví dụ đầy thực tiễn cho ý nghĩa của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng mà Quốc hội khóa XIV mới ban hành trong việc “mở nút thắt” cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.
Trước đây, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi khoản vay vốn rất phức tạp và đầy nhiêu khê; “Có khi phải mất đến 3 năm cho mỗi khoản” – theo như lời lãnh đạo một ngân hàng.
Sacombank mới là chủ nợ lớn nhất của NTB
Không chỉ là BIDV, như đề cập phía trên, tại ĐHĐCĐ, NTB còn thảo luận về việc giao tài sản để xử lý nợ tại Ngân hàng Sacombank. Thực tế, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2016 của NTB, không phải BIDV, mà Sacombank mới là chủ nợ lớn nhất của công ty.
Cập nhật tại ngày 31/12/2016, trong tổng số vay ngân hàng 1.941 tỷ đồng của NTB thì đã có tới 1.165 tỷ đồng dư nợ vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), chiếm tỷ trọng hơn 60%. Chưa kể tới hơn 135 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng TMCP Phương Nam – Chi nhánh 3/2 (Ngân hàng Phương Nam hiện đã sáp nhập vào Sacombank). Trong khi cùng thời điểm, dư nợ tại BIDV – Chi nhánh Sở Giao dịch 2 chỉ là 88 tỷ đồng.
Theo Hợp đồng tín dụng từng lần số BM.MBTB02.HDTD-TL giữa NTB và BIDV – Sở Giao dịch Tp. HCM, khoản vay 1.165 tỷ đồng trên có mục đích vay là góp vốn hợp tác đầu tư “Dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp lô A2 & A3 thuộc Khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng tại P. Tân Hưng, Q. 7, Tp. HCM; Lãi suất 11%/năm; Thời hạn vay 24 tháng, thời điểm trả hết nợ là 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Tính đến cuối năm 2016, khoản vay tại Sacombank đã quá hạn, với dư nợ gốc là 1.165 tỷ đồng, kèm theo lãi phải trả ước tính là hơn 322 tỷ đồng. Tính thêm cả các khoản vay tại các ngân hàng và cá nhân khác, tổng nợ gốc qua hạn của NTB là 2.126 tỷ đồng, chưa kể lãi phải trả tính kèm là 1.041 tỷ đồng.
Sẽ có những ý kiến băn khoăn về việc tại sao HĐQT NTB lại xin cổ đông ủy quyền cho đàm phán với Sacombank về việc giao tài sản dự án Trịnh Đình Trọng cho Ngân hàng Sacombank để xử lý nợ. Dự án Trần Đình Trọng có liên quan thế nào giữa Sacombank và NTB.
Thực tế, thuyết minh BCTC không đề cập Sacombank trực tiếp tài trợ vốn cho NTB để triển khai dự án Trần Đình Trọng. Mà chỉ đề cập đến khoản vay của NTB tại Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc VKXD An Pha (An Pha) liên quan đến Dự án Trần Đình Trọng.
Cụ thể, ngày 30/08/2011, An Pha và NTB ký hợp đồng cho vay tiền số 02/TCKT, số tiền vay là 15 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng tính từ ngày 30/08/2011, với lãi suất thả nổi có điều chỉnh, lãi suất ban đầu là 22%/năm, hình thức đảm bảo là tín chấp.
Theo Biên bản họp Hội đồng thành viên của An Pha ngày 12/08/2014, An Pha đồng ý cho NTB vay số tiền 154 tỷ đồng nhằm phục vụ thi công dự án Trần Đình Trọng với thời hạn vay 12 tháng, lãi suất theo quy định của Ngân hàng Phương Nam, hình thức đảm bảo là toàn bộ tài sản hình thành trên đất trong tương lai là các căn hộ thuộc dự án khu căn hộ thu nhập thấp và tái định cư Trần Đình Trọng – 584 tọa lại tại Thửa đất số 61 – Tờ bản đồ số 33, địa chỉ 384 Trần Đình Trọng, P. Hòa Thạnh, Q. Tân Phú, Tp. HCM.
Tính đến cuối năm 2016, khoản vay trên cũng đã quá hạn, với dư nợ gốc là 154 tỷ đồng và 61 tỷ đồng lãi phải trả.
Lưu ý, “lãi suất theo quy định của Ngân hàng Phương Nam”, nên không loại trừ khả năng, khoản vay từ An Pha có liên quan đến ngân hàng vừa sáp nhập vào Sacombank. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu, khoản vay hơn 135 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng TMCP Phương Nam – Chi nhánh 3/2 (hiện đã quá hạn) được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng số 013/04/11/HMTD (Không bao gồm QSD đất và QSH nhà) tại số 1010B Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú, TP.HCM.
Là chủ nợ lớn nhất của NTB, với cả nghìn tỷ đồng nợ xấu bị đọng tại đây, nắm giữ tài sản đảm bảo là Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh “Dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp lô A2 & A3” thuộc Khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng tại Phường Tân Hưng, Quận 7, Tp.HCM giữa CTCP Him Lam và NTB ngày 19/11/2013, chưa rõ Sacombank có học cách xử lý nợ của BIDV để thu hồi khoản cho vay tại NTB. Hiện đến thời điểm này, chưa thấy Sacombank công bố thông tin đấu giá nào có liên quan.
Nguy cơ phá sản và "giải pháp" Him Lam
NTB đang phải đối diện với một tình thế ngặt nghèo, dễ thấy điều này.
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 29/09/2017, chủ tọa đoàn đã đặt ra một vấn đề để xin ý kiến các cổ đông. Đó là, thông qua việc giao HĐQT lựa chọn phương ái tái cấu trúc Công ty theo hướng sáp nhập hoặc bán cho một đối tác khác hoặc phá sản.
Nêu ý kiến về vấn đề này, quan điểm của các cổ đông NTB khá đa dạng.
Cổ đông Nguyễn Thị Kim Loan bày tỏ: Nếu phá sản có vướng mắc gì? Mấy năm nay lỗ liên tục, cổ đông không có lợi nhuận, lãi suất ngân hàng tăng nhanh. Nguồn thu không có thì lấy đâu ra trả lương? Nếu giao cho Ngân hàng thì có thể khả thi hơn vì Ngân hàng có vốn để tiếp tục. HĐQT phải duy trì để giải quyết các tồn tại và cắt giảm tối đa chi phí. Nên phá sản nhanh.
Trong khi, theo cổ đông Lưu Thị Thu Hương – đại diện ủy quyền: Phá sản là phương án cuối cùng, thiệt thòi cho tất cả. Tăng vốn thì rất mơ hồ, tăng thì Ngân hàng, thuế sẽ thu hồi hết rồi không giải quyết được gì.
“Phương án khả thi thì sáp nhập hoặc bán. HĐQT nên chủ động gặp Công ty Him Lam để đàm phán, thương thảo”, vị này đề xuất.
Tương tự, cổ đông Hoàng Kim Lập tỏ ý tin tưởng Công ty nếu liên kết được với ngân hàng và Công ty Him Lam.
Chia sẻ với các cổ đông, Tổng Giám đốc NTB Đỗ Biên Thùy đáp rằng: “HĐQT cũ và Ban điều hành đã vô cùng cố gắng nếu không không Công ty đã phá sản từ nhiều năm trước. Tình hình tài chính bế tắc. Công ty không thể hoạt đông khi không có nguồn tài chính. Công ty tha thiết mong muốn cổ đông có ý kiến gì thì chia sẻ cho sự phát triển của công ty”.
Một số cổ đông mong muốn “Công ty Chứng khoán Phương Nam – cổ đông lớn có ý kiến để các cổ đông nhỏ lẻ như chúng tôi an tâm”.
Cổ đông Thịnh – đại diện cho Công ty Chứng khoán Phương Nam cho biết: Chứng khoán Phương Nam sẽ cử thành viên tham gia HĐQT và Ban Kiểm soát của NTB để góp phần cải thiện hơn các dự án của công ty. “Tuy nhiên chúng tôi mong muốn các thành viên HĐQT cũ, Ban điều hành cũ ở lại thì chúng tơi mới tham gia để cùng tìm phương hướng, giải pháp”.
Tuy nhiên, theo TGĐ Đỗ Biên Thùy, Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS) muốn cử đại diện tham gia HĐQT, Ban Kiểm soát thì phải có ý kiến và gửi đến Công ty trước ngày đại hội trước 3 ngày để công ty kịp thời chuẩn bị. Do đó, tại đại hội này, chưa thể thực hiện.
Kết quả biểu quyết cho thấy, chỉ có 3,62% “đồng ý”, còn 96,37% “không đồng ý”. Do đó, ĐHĐCĐ không thông qua việc giao HĐQT lựa chọn phương ái tái cấu trúc Công ty theo hướng sáp nhập hoặc bán cho một đối tác khác hoặc phá sản.
Tuy nhiên, căn cứ theo ý kiến phát biểu, có vẻ như không ít cổ đông NTB đang hướng tới Him Lam như một giải pháp “cứu cánh” cho việc tái cấu trúc công ty. Theo chia sẻ của TGĐ Đỗ Biên Thùy với các cổ đông: “Khi giải quyết được các khoản nợ xấu thì NTB sẽ có cơ hội hồi phục và phát triển”. Vậy tại sao lại là Him Lam?
Như đã đề cập, chủ nợ lớn nhất của NTB là Sacombank, còn khoản nợ lớn nhất của NTB là khoản vay Sacombank 1.165 tỷ đồng cho mục đích vay góp vốn hợp tác đầu tư “Dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp lô A2 & A3” thuộc Khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng tại P. Tân Hưng, Q. 7, Tp. HCM. Khoản vay này có tài sản đảm bảo là Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án giữa CTCP Him Lam và NTB ngày 19/11/2013.
Có nghĩa rằng, gánh nặng tài chính lớn nhất của NTB có đến từ thương vụ hợp tác đầu tư với CTCP Him Lam (Him Lam). Do vậy, ở một khía cạnh nhất định, Him Lam cũng ít nhiều có sự liên quan tới trách nhiệm xử lý nợ và tái cấu trúc NTB.
“Dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp lô A2 & A3” còn được biết đến dưới cái tên Him Lam Riverside, do Tập đoàn Him Lam làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 1,317 ha; Gồm 03 tòa nhà cao từ 18 – 25 tầng được bố trí so le nhau với 314 căn hộ (diện tích: 95,95 – 319 m2) và 02 tầng hầm làm bãi đậu xe; Tổng vốn đầu tư là 1.563 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, đã có cổ đông chất vấn ban lãnh đạo NTB về việc hợp tác với Him Lam. “Không thể hiện dự án góp vốn với Công ty Tấn Hưng và Him Lam trong báo cáo lần 3 này? Đề nghị giải thích việc góp vốn của các dự án trên”, vị này băn khoăn nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Khá thú vị và có lẽ sẽ là một điểm thuận lợi cho NTB trong nỗ lực tái cấu trúc. Cuối tháng 6 vừa qua, ông chủ Him Lam –doanh nhân Dương Công Minh - đã đắc cử chức vụ Chủ tịch HĐQT. Với sự hiện diện của ông Minh trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại Sacombank, hy vọng NTB sẽ tìm ra phương án hợp lý để xử lý khoản nợ xấu liên quan đến dự án Him Lam Riverside.
Về phần Him Lam, được biết, Sacombank chính là ngân hàng tài trợ vốn và bảo lãnh dự án hàng đầu cho tập đoàn này. Sự hợp tác giữa hai bên đã được gây dựng qua nhiều năm, từ thời ông Minh còn ở LienVietPostBank. Và trước khi trở thành Chủ tịch Sacombank, ông Minh và người thân cũng đã sở hữu nhiều triệu cổ phiếu STB./.