Một nguồn tin khả tín xác nhận với VietTimes về tính xác thực của lá đơn cầu cứu được lan truyền và làm nóng mạng xã hội từ chiều nay.
Lá đơn đề ngày 25/1, tức Mồng 1 Tết, ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý. Rất có thể đây cũng chính là văn bản "khai bút" đầu năm của Chủ tịch Tập đoàn Novaland (Mã CK: NVL) - một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dấu công văn đến cho thấy, nó đến Bộ Xây dựng vào ngày 3/2 (Thứ Hai tuần này), mất 8 ngày kể từ khi viết. Hẳn ông Bùi Thành Nhơn đã nghĩ rất lung và nâng lên đặt xuống nhiều lần trước khi gửi. Nếu được gửi vào ngày viết hay sau kỳ nghỉ Tết, lá "đơn cầu cứu khẩn cấp" này phải đến sớm hơn, bởi các cơ quan nhà nước đã bắt đầu làm việc trở lại từ Thứ Năm tuần trước (30/1).
Trong đơn, Novaland bày tỏ “đã kiệt sức”, cần sự hỗ trợ vì đang bị mất tính thanh khoản. Tập đoàn địa ốc lớn bậc nhất Việt Nam khẩn cầu Bộ trưởng Xây dựng cho công ty con là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Century 21) được tiếp tục thực hiện dự án Khu dân cư tại lô đất rộng 30,224 ha thuộc Phường Bình Khánh, Quận 2, Tp. HCM.
Theo Novaland, dự án đã đủ điều kiện bán hàng và số vốn bỏ vào đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên việc tạm dừng dự án có khả năng khiến cổ phiếu của doanh nghiệp mất dần tính thanh khoản, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp (trong đó có thể dẫn đến phát sinh hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng).
Chia sẻ với VietTimes, một đại diện Novaland cho hay dự án kể trên nằm trong phạm vi rà soát đất đai và các dự án bất động sản của Thủ Thiêm nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung trong 2 năm qua.
Điều này dẫn đến tình trạng dự án bị kéo dài thời gian triển khai, việc đình trệ đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của tập đoàn cũng như gây ra nhiều khó khăn khác cho môi trường đầu tư bất động sản.
“Tập đoàn đã và đang gửi Thư khẩn cấp đến Chính phủ và Bộ ban ngành liên quan để xem xét, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục triển khai trong thời gian sớm nhất nhằm giúp ổn định môi trường kinh doanh” - vị này cho biết.
Theo Novaland, việc cho phép tiếp tục phát triển dự án không chỉ giúp doanh nghiệp có nguồn thu mà còn giúp hơn 200 nhà đầu tư ngước ngoài yên tâm tiếp tục bỏ vốn để phát triển các dự án khác còn dang dở.
Năm 2015, Novaland đã thâu tóm 50% vốn tại công ty Century 21 từ việc mua lại 99,91% vốn của CTCP Bất động sản Khải Hưng. Tới năm 2016, thông qua 2 đợt gom mua thêm cổ phần, tập đoàn này đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Century 21 lên 99% vốn điều lệ.
Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư (khu tái định cư 30,224ha) thuộc phường Bình Khánh, quận 2 xây dựng 4.216 căn hộ và hạ tầng kỹ thuật do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 là chủ đầu tư. Ngày 17/1/2019, UBND Tp. HCM có công văn số 54/UBND-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép chấp thuận thành phố được tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư để không thực hiện việc thanh toán và mua lại quỹ nhà và nhà đầu tư được chỉ định tiếp tục phát triển dự án theo quy hoạch trên các lô đất mà nhà đầu tư đã xây dựng móng cọc và một khối chung cư với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại. Đồng thời UBND Tp. HCM sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá trị thị trường phù hợp với mục đích sử dụng đất để thu tiền sử dụng đất của các khu đất này theo đúng quy định của pháp luật. Về các kiến nghị này, tháng 4/2019, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương với lãnh đạo Tp. HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tp. HCM tập hợp hồ sơ báo cáo Chính phủ để làm rõ, không để thất thoát ngân sách của nhà nước. Tuy nhiên quan điểm chung là từ nhà tái định cư muốn chuyển sang nhà ở thương mại phải thông qua đấu giá./. |