Theo hãng tin Anh Reuters ngày 22/3, ông Jim Nickel, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada tại Trung Quốc, tuyên bố, "Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu được dự thính phiên tòa của Tòa án Trung cấp Số 2 Bắc Kinh xét xử ông Michael Kovrig nhà ngoại giao Canada về tội 'nghi ngờ do thám bí mật quốc gia và cung cấp thông tin tình báo cho nước ngoài', nhưng đều bị họ từ chối. Bây giờ chúng tôi thấy rằng bản thân thủ tục xét xử là không minh bạch, chúng tôi rất lo ngại”.
Quyền Công sứ Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, ông William Klein, tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói rằng trong việc xử lý các trường hợp công dân Canada bị Trung Quốc giam giữ, Mỹ sẽ coi họ như công dân Mỹ.
Ngoài ra, sáng ngày 22/3 có 28 nhà ngoại giao thuộc 26 quốc gia đã tập trung bên ngoài tòa án, bao gồm các nhà ngoại giao Mỹ, Anh, Đức, Australia, New Zealand, Hà Lan và Cộng hòa Séc.....
Các nhà ngoại giao , giới báo chí và nhân viên an ninh Trung Quốc bên ngoài phòng xử án (Ảnh: Reuters). |
Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) trước đó đã ra thông cáo, cho biết các quan chức Canada không được phép tham gia phiên tòa và lên án sự thiếu minh bạch trong các thủ tục pháp lý của Trung Quốc khiến chính phủ Canada lo lắng. Tuyên bố nói: “Theo các điều khoản của Hiệp ước lãnh sự song phương giữa Trung Quốc và Canada, Trung Quốc có nghĩa vụ cung cấp cho các quan chức lãnh sự Canada nội dung xét xử các công dân Canada, nhưng họ rõ ràng là thiếu minh bạch trong các thủ tục này, điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng tôi. Canada rất cám ơn tất cả những ai đã bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc”.
Các quan chức tòa án Trung Quốc cho biết do xét xử vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nên họ không cho phép bất cứ nhà ngoại giao nước ngoài nào được tham gia vào quá trình xét xử.
Các nhà ngoại giao kéo đến Tòa án Bắc Kinh (Ảnh: AP). |
Trước đó mấy ngày, vào hôm 19/3, một công dân Canada khác là Michael Spavor, một thương gia đã bị xét xử trong một phiên tòa khác tại Tòa án Nhân dân Trung cấp của thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh vì bị tình nghi “cung cấp trái phép bí mật nhà nước của Trung Quốc”. Báo Mỹ Washington Post ngày 18/3 đưa tin rằng tòa án Trung Quốc sẽ lựa chọn một ngày khác để kết án Michael Spavor theo luật. Vụ án được coi là con tin ngoại giao này, đã kết thúc mà không có phán quyết sơ thẩm. Các quan chức phương Tây đều lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và thực hiện hành vi ngoại giao con tin.
Một phóng viên Reuters đưa tin tại hiện trường cho biết, dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát Bắc Kinh, 28 nhà ngoại giao của 26 quốc gia đã kéo đến bên ngoài tòa án để bày tỏ ủng hộ Canada và phản đối Trung Quốc.
Nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig bị đưa ra xét xử hôm 22/3 (Ảnh: AP). |
Reuters đặc biệt đề cập rằng vợ của Michael Kovrig là Vina Nadjibulla cho rằng cả hai người gồm chồng bà và ông Michael Spavor có liên quan đến một cuộc tranh chấp địa chính trị lớn và bị chính phủ Trung Quốc bắt giam là "cực kỳ bất công"; thế giới bên ngoài cần phải tiếp tục quan tâm để đảm bảo rằng họ được tự do. Bà hy vọng rằng chính phủ các nước Canada, Mỹ và Trung Quốc phải tìm ra các chiến lược ngoại giao thực tế và khả thi.
Điều đáng nói, theo dự báo của Reuters, tỷ lệ kết tội hai người Canada tại tòa án Trung Quốc vượt quá 99%.
Bà Mạnh Vãn Chu bị đeo kiềng điện tử, chịu quản thúc tại nhà riêng ở Vancouver, Canada (Ảnh: AP). |
Vào ngày 19/3, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã xét xử vụ án Michael Spavor và chỉ ra rằng “vì vụ án liên quan đến bí mật quốc gia nên tòa án sẽ không mở phiên tòa xét xử công khai theo quy định của pháp luật đối với bị cáo Spavor người Canada vì làm gián điệp, cung cấp trái phép bí mật nhà nước ra nước ngoài. Tòa đã xét xử xong, sẽ chọn thời gián thích hợp để tuyên án theo quy định của pháp luật".
Tờ The New York Times của Mỹ cũng cho rằng việc mở phiên tòa xét xử hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, đồng nghĩa với việc Trung Quốc leo thang trừng phạt Canada. Giới quan sát cho rằng việc truy tố hai người này là đòn trả đũa của Trung Quốc đối với vụ Mạnh Vãn Chu. Năm 2018, Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei khi quá cảnh Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, Guy Saint-Jacques, cho rằng phiên tòa xét xử sắp tới là một "diễn biến rất đáng lo ngại. Phán quyết sẽ do Bắc Kinh quyết định. Để giải cứu họ khỏi Trung Quốc, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn".
Thương gia Canada Michael Spavor, người bị Tòa án thành phố Đan Đông xét xử hôm 19/3 (Ảnh: AP). |
Sau khi Mạnh Vãn Chu bị bắt, Bắc Kinh cũng bắt giữ hai người nói trên và kết án tử hình một người Canada khác về tội buôn ma túy. Do vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, quan hệ giữa Trung Quốc và Canada trở nên căng thẳng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh vào ngày 18/3: "Các cơ quan tư pháp Trung Quốc xử lý các vụ việc một cách độc lập theo quy định của pháp luật và bảo vệ đầy đủ các quyền hợp pháp của những người có liên quan". Ông cũng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về phiên tòa sắp tới.
Trước đó, các quan chức Trung Quốc liên tục bác bỏ thông tin cho rằng việc bắt giam hai người Canada nói trên có liên quan đến vụ Mạnh Vãn Chu và kêu gọi Canada trả tự do cho bà.