Nokia - Microsoft Lumia trên những tàn phai…

Đúng hơn thì Nokia và Microsoft Lumia như một cặp phạm trù âm - dương. Khi Nokia suy sụp, Steve Ballmer dùng ý chí "đè" hội đồng quản trị để móc hầu bao 7,16 tỉ USD mua Nokia và lái con tàu sắp đắm này sang Windows Phone Lumia. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bây giờ Windows Phone đã gần như biến mất trên thị trường, thì Nokia đã trở lại, đá Windows Phone vào sọt và chọn Android làm con đường sống.

Những người từng yêu thích Nokia lúc này có thể có được chút an ủi khi thương hiệu này quay trở lại. Nokia trở lại không phải với Symbian thì hẳn rồi, nhưng cũng đá luôn Windows Phone vốn đã mang tới thảm họa thứ hai cho "dòng giống Nokia", mà chọn Android. Thực sự trên thị trường smartphone thì Android mới đang là đế vương chứ không phải ai khác. Nokia không đi theo Android nếu muốn chọn cửa tử.

Khi Nokia trở lại với Nokia 6 chỉ bán tại thị trường Trung Quốc, và hứa hẹn trong sự kiện MWC 2017 vào tháng 3 sắp tới sẽ chính thức trình làng những Nokia 3, Nokia 5 cùng mẫu điện thoại cơ bản Nokia 3110, thì cũng là lúc chúng ta giật mình nhìn lại: Dự án Microsoft Lumia. Có thể nói là thất bại hoàn toàn. 7,16 tỉ USD đã bị Steve Ballmer phung phí dù Microsoft vốn chi tiêu tằn tiện.

Có lần tôi viết trên VnReview rằng Windows Phone trên thị trường phận bé như hạt cát thì có mấy bạn fans của Lumia vào "ném đá" cho rằng tôi "ném đá" Lumia, dẫu rằng trên thực tế Lumia đang đúng trong tình trạng như vậy. Bây giờ thì không biết phận Lumia có bé được như hạt cát không nữa…

Trên thực tế tại sự kiện Build 2016 của Microsoft chính "tư lệnh" bộ phận Windows là Terry Myerson cũng đã phải thừa nhận: "Windows Phone không phải là con đường". Tôi muốn nói chính xác hơn: Windows Phone là con đường, nhưng là con đường cụt, đi vào ngõ cụt. Và có vẻ như ngay từ khi chấp chính ghế CEO, Satya Nadella đã muốn từ bỏ con đường Windows Phone Lumia và đặt dấu ấn cho thời đại mình bằng dự án mới Surface Phone. Ballmer muốn làm nên lịch sử của Microsoft với Windows Phone Lumia, Nadella muốn đặt dấu ấn với việc chuyển sang Surface Phone. Chưa biết ai hơn ai, câu hỏi Surface Phone có thành công được hay không còn ở phía trước.

Lúc này vận lời bài hát của Vũ Thành An vào trường hợp Windows Phone Lumia hay Surface Phone nghe chừng rất hợp vị: "Này em hỡi/Con đường em đi đó/Con đường em theo đó/Đúng hay sai em…"

Nhưng hướng đi mới theo Android của Nokia, dù có đúng, thì cũng không hề dễ ăn. Thứ nhất, ngay từ thời Nokia còn hùng mạnh, thì Nokia cũng chưa bao giờ mạnh về smartphone, hay nói cho đúng là khi ấy smartphone thực sự chưa xuất hiện cho đến khi Android ra đời. Thứ hai, Nokia dù có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động nhưng lại là anh "lính mới tò te" tập tễnh vào Android. Thứ ba, thời điểm này Nokia trở lại và bước vào con đường Android thì thị trường smartphone Android đang cạnh tranh khốc liệt và không ít thương hiệu đang suy sụp như BlackBerry (vừa bước vào Android một thời gian ngắn đã tuyên bố từ bỏ sản xuất điện thoại) và trong vòng khốn đốn (HTC); nhiều thương hiệu Android phone đã phải bán mình như Alcatel (bán cho TCL), Motorola (bán cho Lenovo), Philips (bán cho China Electronics Corporation)…

Nhìn vào thiết kế kiểu dáng của Nokia 6 có thể nhận diện rõ hơn chất "lính mới" của Nokia: Không những chẳng đẹp mà còn xấu, dáng vẻ cũ kĩ. Thông tin Nokia 6 "cháy hàng" ở Trung Quốc với số lượng 1 triệu chiếc chỉ là ban đầu, hay chỉ mới của một mẫu máy, có thể có tính khích lệ rất cao đối với những người sản xuất ra nó. Nhưng chông gai thì luôn muôn hình vạn trạng, vì thế 1 mẫu máy hay 1 triệu chiếc chưa thể nói lên được gì nhiều.

Nokia 6 được cho rằng là mẫu máy cao giá nhất của Nokia hiện nay. Những Nokia 5, Nokia 3 còn có giá thấp hơn. Có vẻ như, Nokia trở lại bước đầu cũng chỉ tập trung, chú trọng vào các phân khúc giá tầm trung và thấp như nhiều thương hiệu smartphone tầm trung của Trung Quốc hiện nay. Điều này cũng hợp lí với trường hợp một "cơ thể vừa ốm dậy" cần "liệu cơm gắp mắm" rồi dần tính tiếp.

Một "đế chế" điện thoại đã sụp đổ và rồi lại hồi sinh với chính thương hiệu cũ kể ra cũng là điều hiếm thấy trên thị trường. Chúng ta còn nhớ, Motorola - đối thủ bị chính Nokia soán ngôi, sau khi được Google mua lại rồi bán sang tay cho Lenovo thì cái tên Motorola bị cắt đôi, thay vào đó là cái tên mới Moto. Còn Nokia, thương hiệu đã bị Microsoft "cất vào hộc tủ" một thời gian nay lại trở lại nguyên vẹn. Tất nhiên chỉ là cái tên thôi chứ mọi thứ còn lại đã khác xưa lắm rồi.

Cho dù CEO Nummela của HMD Global (nắm giữ thương hiệu điện thoại Nokia hiện nay) có lạc quan và tham vọng rằng "chúng tôi muốn trở thành một trong những nhân vật chính của ngành kinh doanh smartphone" đi nữa thì thực tế đón đợi họ cũng không hề dễ dàng. Bởi nếu xét về thế mạnh thì điện thoại Nokia mới có những gì? Một thương hiệu cũ chết đi sống lại (Nokia), kinh nghiệm của những người quản lí (từng làm cho Nokia, HTC…), vận hành nhà máy sản xuất (Foxconn). Từng này thôi cộng với ý chí "muốn trở thành một trong những nhân vật chính" thật khó lắm thay.

Theo Báo Diễn Đàn Đầu Tư