Nokia, LG, Motorola - Số phận những ông lớn rút lui khỏi thị trường điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Mới đây, nhà sản xuất công nghệ đình đám LG tuyên bố từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại thông minh. Thông báo này khiến nhiều người yêu thích LG không khỏi tiếc nuối. 
LG tuyên bố chính thức rời bỏ mảng sản xuất điện thoại thông minh.
LG tuyên bố chính thức rời bỏ mảng sản xuất điện thoại thông minh.

Dù có nhiều nỗ lực thay đổi, LG vẫn phải đối mặt với việc từ bỏ kinh doanh smartphone vì không thể cạnh tranh với các đối thủ "nặng ký" như Apple, Samsung. Sáng ngày 5/4, LG Electronics chính thức thông báo đóng cửa mảng kinh doanh điện thoại thay vì bán cho các đối tác như kế hoạch trước đó.

Lịch sử luôn giống nhau đến bất ngờ, những gã khổng lồ về điện thoại di động như Motorola, Nokia nối tiếp nhau thành công. Tuy nhiên, một khi đưa ra quyết định sai lầm, dù là ông lớn huy hoàng một thời cũng khó theo kịp thời đại.

Trong ký ức về thập niên 80, hậu 90, dù hào quang năm xưa không còn nhưng các hãng điện thoại đình đám năm nào vẫn nở rộ trong các lĩnh vực cốt lõi.

Bán mảng điện thoại di động với mức giá rẻ? KHÔNG!

LG đã chính thức xác nhận việc rút khỏi thị trường smartphone. Ảnh: The Verge
LG đã chính thức xác nhận việc rút khỏi thị trường smartphone. Ảnh: The Verge

Từng được coi là một "ông lớn" và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường di động, các mẫu smartphone cao cấp gần đây của LG đã phải chật vật để cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Apple, Samsung. Trong khi đó, các mẫu smartphone giá rẻ lại không thể cạnh tranh được với những cái tên đến từ Trung Quốc.

Năm 2020, nhiều đại gia như Google, Facebook, Volkswagen của Đức đã xếp hàng để bàn về vấn đề thu mua lại mảng điện thoại của LG, nhưng tại sao thương vụ mua bán vẫn không thành công?

Trong số những người mua, nổi bật nhất là lời đề nghị của Vingroup - công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam. Vingroup rất quan tâm đến dây chuyền sản xuất điện thoại di động của LG tại Việt Nam và Brazil.

Đối với LG, những giao dịch đôi bên cùng có lợi này là chưa đủ. Báo chí Hàn Quốc đưa tin "giá của Vingroup quá thấp, đến mức LG không còn thiện chí tiến hành các vòng đàm phán tiếp theo".

Đối với những ông lớn công nghệ, việc thương lượng mua bán lại càng khôn ngoan hơn. Họ muốn mua lại các mảng kinh doanh đã được cấp bằng sáng chế của LG.

LG chắc chắn không muốn bán mảng kinh doanh bằng sáng chế của mình. Nhìn vào những ông chủ lớn từng thống trị ngành điện thoại di động, có bao nhiêu người trong số họ không dựa vào việc thu phí cấp bằng sáng chế để tồn tại? Bằng sáng chế là mạch máu của các công ty công nghệ.

Hơn nữa, mặc dù điện thoại di động của LG thua lỗ năm này qua năm khác, họ vẫn có những mảng kinh doanh có lãi như thiết bị gia dụng và kỹ thuật số. Mảng điện thoại của LG thua lỗ từ năm 2015. Sau 23 quý thua lỗ liên tiếp, đến nay tổng mức lỗ của mảng điện thoại LG đã lên tới gần 4,5 tỉ USD.

Thua lỗ là một khía cạnh, điều mà người mua thực sự quan tâm là thị phần của thương hiệu điện thoại LG. LG Electronics từng một trong ba nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới. Thế nhưng, nó từ lâu đã bị sóng đánh dạt vào bờ. Tính đến năm nay, thị phần điện thoại di động của LG trên thị trường toàn cầu chỉ khoảng 1%.

"Thị phần nhỏ trong mảng kinh doanh điện thoại thông minh của LG Electronics là yếu tố then chốt và người mua khó có thể chi giá cao cho một thương hiệu như vậy" - Zhang Xiaorong - Trưởng khoa Nghiên cứu Công nghệ Deepin đưa ra phân tích.

Nhưng rõ ràng, LG không sẵn sàng thỏa hiệp. LG Electronics nói rằng việc hủy bỏ mảng kinh doanh smartphone là lựa chọn tốt nhất. Công ty sẽ tiếp tục bán hàng tồn kho hiện có và huỷ bỏ mọi kế hoạch tung ra những mẫu điện thoại thông minh mới. Đối với 4.000 nhân viên hiện tại của bộ phận kinh doanh điện thoại di động, LG sẽ chuyển họ sang bộ phận thiết bị gia dụng và bộ phận pin của công ty vào tuần tới.

Những ông lớn thất thế

Những năm 2000, LG là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới, sau Nokia và Samsung. Ảnh: Reuters

Những năm 2000, LG là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới, sau Nokia và Samsung. Ảnh: Reuters

Trên thị trường ngày nay, rất khó để tìm thấy điện thoại di động LG. Quay trở lại những năm 2000, chiếc điện thoại LG nắp gập, chiếc Nokia nắp trượt N95, chiếc điện thoại gập lại của Motorola đã gây nên cơn sốt trên thị trường điện thoại toàn cầu. Đó là thời đại của LG và các nhà sản xuất điện thoại di động đình đám bấy giờ.

Tại sao LG, Nokia lại đi đến bước đường này? Cựu Giám đốc điều hành Nokia - Joma Ollila - miễn cưỡng nói trong cuộc họp báo cuối cùng trước khi mảng kinh doanh điện thoại di động được bán cho Microsoft: "Chúng tôi không làm gì sai, nhưng vì một số lý do, chúng tôi đã thua".

So với LG, quá khứ của Nokia huy hoàng hơn. Vào thời kỳ đỉnh cao, Nokia thống trị hơn một nửa thị trường điện thoại di động toàn cầu. Cứ 10 người dùng điện thoại di động thì có 8 người sử dụng thiết bị của Nokia.

Thậm chí, Nokia còn tự mình hỗ trợ sự phát triển của cả đất nước. Từ năm 1998 đến năm 2007, 25% tăng trưởng kinh tế Phần Lan đến từ Nokia.

Tuy nhiên, hãng đã bỏ lỡ điện thoại thông minh và chọn Symbian thay vì Android. Ở mỗi ngã rẽ trong xu hướng quyết định của thị trường điện thoại di động, Nokia đã chọn sai.

Vào ngày 2/9/2013, Nokia đã bán mảng kinh doanh điện thoại di động của mình cho Microsoft với giá 7,3 tỉ USD, chỉ bằng 1/16 giá trị thị trường cao nhất ban đầu của hãng. Tại thời điểm này, giá cổ phiếu của Nokia chỉ còn chưa đầy 2 bảng Anh, giá trị thị trường của nó đã bị thu hẹp hơn 90% và thị phần giảm xuống còn 4%. Các nhà đầu tư thậm chí gọi cổ phiếu Nokia là cổ phiếu rác.

Năm 1973, Motorola đi đầu trong việc phát triển chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, nhiều kiểu dáng và mẫu mã của điện thoại di động Motorola lần lượt ra đời. Năm 2009, cùng thời điểm với sự trỗi dậy của Nokia và các thương hiệu khác, Motorola bắt đầu tụt lại phía sau.

Sau 2 năm hoạt động, Motorola Mobility bị Google mua lại với giá 12,5 tỉ USD. Vào tháng 1/2014, tập đoàn Lenovo đã mua mảng kinh doanh điện thoại di động của Motorola từ Google chỉ với giá 2,9 tỉ USD. Công ty cũng từ vị trí thứ ba tụt xuống thứ tám trong danh sách các hãng smartphone lớn nhất thế giới. Năm 2018, thị phần của điện thoại Motorola trên toàn cầu chỉ còn 2%.

Bằng sáng chế là mạch máu của các hãng công nghệ lớn một thời

Những cựu đại gia điện thoại di động như Nokia, LG vẫn nắm giữ nhiều bằng sáng chế quan trọng. ẢNH: NEOWIN

Những cựu đại gia điện thoại di động như Nokia, LG vẫn nắm giữ nhiều bằng sáng chế quan trọng. ẢNH: NEOWIN

Khi điện thoại di động không còn được chú trọng cho các cuộc gọi, thời đại theo đuổi những chiếc di động "cục gạch" đã trở thành dĩ vãng.

Có lẽ các sản phẩm điện thoại tên tuổi không còn được ưa chuộng trong thời đại ngày nay, nhưng họ, với tư cách là những gã khổng lồ công nghệ trước đây, vẫn nắm giữ mạch máu của các bằng sáng chế và công nghệ.

Cho đến nay, các nhà sản xuất điện thoại di động như Apple và Samsung phải trả rất nhiều phí cấp bằng sáng chế hàng năm. Lấy năm 2017 làm ví dụ, Apple từng trả cho Nokia tới 2 tỉ USD phí cấp bằng sáng chế. Tính đến thời điểm hiện tại, Nokia đứng thứ hai thế giới với xấp xỉ 10,5% số đơn đăng ký bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ 5G.

Nhưng không thể phủ nhận rằng Nokia đã không còn cơ hội quay trở lại. Năm 2020, Nokia liên tiếp sa thải 6.000 nhân viên và tuyên bố sẽ sa thải 5.000 - 10.000 nhân viên trong hai năm tới để giảm chi phí và tăng cường đầu tư cho R&D vào 5G và các lĩnh vực khác.

Motorola cũng yêu cầu phí cấp phép bằng sáng chế từ Apple: "Apple phải sử dụng 2,25% doanh thu của mình làm phí cấp phép bằng sáng chế của Motorola".

Thông tin công khai cho thấy hoạt động kinh doanh chính hiện tại của Motorola bao gồm hệ thống liên lạc nội bộ, mạng an toàn công cộng và phần mềm phân tích video.

Đối với LG, việc bán mảng kinh doanh điện thoại di động không phải là vấn đề chính. Trên thực tế, sự tăng trưởng của LG luôn nằm ở mảng thiết bị gia dụng. Trong quý 4 năm 2020, mảng kinh doanh thiết bị gia dụng đã thu về cho LG 4,94 tỉ USD, tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn cũng đang tập trung đẩy mạnh các lĩnh vực khác như linh kiện xe điện (EV).

Khi rút khỏi Trung Quốc trước đó, LG đã bán LG Twin Towers - tòa nhà trụ sở chính tại Bắc Kinh - cho một công ty con thuộc sở hữu của Tổng công ty Đầu tư Chính phủ Singapore, với giá khoảng 8,046 tỉ NDT. Hoạt động kinh doanh này đã giúp LG lãi ròng gần 5 tỉ NDT.

Theo NetEase