|
CEO Satya Nadella |
Thủ tướng Phần Lan: iPhone đã giết chết điện thoại Nokia
Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb từng gây chú ý trên giới truyền thông thế giới khi đổ lỗi cho Apple khiến hai ngành công nghiệp lớn của Phần Lan bị sụp đổ. Đó chính là ngành kinh doanh ĐTDĐ của Nokia và thứ hai là ngành sản xuất giấy.
“Chúng tôi gặp hai trục trặc lớn – hai ngành công nghiệp lớn đã sụp đổ”, ông Stubb nói. “Có thể hơi ngược đời, nhưng tôi cho rằng chính iPhone đã giết chết Nokia và iPad đã giết chế ngành công nghiệp giấy của Phần Lan. Nhưng chúng tôi sẽ phục hồi trở lại”.
Quả thật, iPhone của Apple – ra mắt năm 2007 – đã định nghĩa lại smartphone, sản phẩm mà trước đó nhiều năm vẫn do các công ty như Nokia, Palm, BlackBerry và nhiều hãng khác làm chủ. Nhưng Apple không giết Nokia. Công ty Phần Lan vẫn có nhiều năm để tái tạo lại mình, và đơn giản, Nokia đã không làm như thế.
Doanh số smartphone của Nokia vẫn vượt Apple trong nhiều năm sau đó – iPhone không đánh bại nổi Nokia cho đến tận năm 2011, tức là khoảng 3,5 năm sau khi iPhone ra mắt. Doanh số smartphone của Nokia vẫn đạt hơn 103 triệu máy vào năm 2010, cao trên 50% so với năm 2007, năm iPhone trình làng.
|
Doanh số điện thoại của Nokia và Apple từ năm 2006 đến 2016 |
Xét một cách khách quan, Nokia vẫn có lợi thế lớn trước Apple trong nhiều năm – nhờ mối quan hệ phân phối với hàng trăm nhà mạng trên thế giới. Nokia cũng đủ thông minh để hiểu rằng smartphone chụp ảnh sẽ là xu hướng lớn. Công ty từng đầu tư mạnh cho “camera” smartphone của hãng thậm chí trước khi iPhone ra đời.
Nhưng lỗi của Nokia là không bao giờ chăm chút cho phần mềm. Hệ điều hành di động của Apple dù sinh sau đẻ muộn so với Symbian OS của Nokia nhưng lại tiên tiến nhiều lần. Nó cho phép các ứng dụng mạnh mẽ hơn chạy mượt mà trên iPhone. Sau đó là cuộc cách mạng App Store, và sự bùng nổ của game di động. Nokia đơn giản là không xử lý tình huống phần mềm đủ nhanh nhạy.
Sau đó, thay vì áp dụng theo làn sóng Google Android như Samsung, Nokia lại đợi cho đến khi hãng ngập sâu trong suy tàn mới chuyển sang dùng Windows Phone của Microsoft. Có lẽ, Nokia không muốn trở thành một công ty hàng hóa phần cứng nên đã không chạy theo Android như các hãng khác.
Sau đó thì, mọi thứ quá muộn màng. Android, Samsung và iPhone đều bứt phá trên ngành công nghiệp di động mà Nokia từng thống trị.
Có chung số phận với Palm?
Và năm 2013, mảng kinh doanh điện thoại của Nokia đã về với Microsoft. CEO Steve Ballmer của Microsoft lúc đó gần như khăng khẳng thâu tóm mảng điện thoại của Nokia là để tạo ra một dòng sản phẩm Windows Phone tương tự như Apple đã thành công với iOS.
Thế nhưng, ngày 8/7 vừa qua, CEO hiện nay của Microsoft là Satya Nadella đã tuyên bố quyết định mua lại điện thoại Nokia của ông Balllmer là một sai sót lớn nhất, và Microsoft gần như mất trắng 7,6 tỷ USD từ vụ thâu tóm này, công ty buộc phải sa thải 7.800 nhân viên, phần lớn là của Nokia cũ.
Sự ra đi của ông Ballmer một phần được thúc đẩy bởi thương vụ này, và nhiều người lo sợ Microsoft sẽ không thể cân bằng để trở lại những ngày tháng hoàng kim được nữa.
Nadella lúc đó là phó chủ tịch phụ trách mảng dịch vụ đám mây đang ăn nên làm ra của Microsoft đã phản đối thương vụ trên. Khi ông trở thành CEO của Microsoft vào tháng 2/2014, nhiều người hy vọng ông sẽ thay đổi định hướng và khai tử mảng kinh doanh điện thoại. Nhưng ông đã không làm như vậy.
Tuy nhiên, dường như hoạt động èo uột liên tục của mảng điện thoại đã buộc ông phải “xuống tay”. Dù Microsoft hay cả Nadella không tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh điện thoại, song quyết định sa thải 7.800 nhân viên, sự ra đi của Stephen Elop, cựu CEO của Noka và bức thư nội bộ có chủ đề “tái cơ cấu” đã nói lên điều này.
Nhiều người có thể không tin đó là sự thật. Nhưng dần dần, câu chuyện về mảng kinh doanh ĐTDĐ huyền thoại của Nokia đã được tháo gỡ. Mặc dù như trên đã nói, Microsoft không hề chính thức công bố rút khỏi thị trường di động, song với những gì xảy ra trong lịch sử, có thể thấy, Nokia đã chết trong tay Microsoft – tương tự như những gì chúng ta có thể thấy ở thương vụ thâu tóm Palm của HP và những thương vụ khác trong ngành công nghiệp smartphone.
HP từng nổi đình nổi đám khi mua lại Palm và nền tảng WebOS sáng tạo của Palm. Để rồi sau đó, HP hầu như không làm gì với Palm và WebOS. Số phận nền tảng di động này đã kết thúc ở hãng LG, công ty hiện đang sử dụng WebOS cho một số mẫu smart TV.
Câu chuyện của Nokia dưới thời Microsoft cũng tương tự. Khi HP mua Palm, hãng đưa cả CEO vốn là cựu lãnh đạo Apple là Jon Rubinstein (một trong những “cha đẻ của iPod”) về điều hành đơn vị này. Không lâu sau, ông cũng rời khỏi vị trí. Sau đó, ông đã chuyển đến làm việc ở Mexico.
Điều tương tự đang xảy ra với Stephen Elop, người từng là CEO Nokia khi Microsoft mua lại mảng thiết bị này. Tháng trước, Nadella tuyên bố Elop đang rời khỏi Microsoft và mảng thiết bị này được hợp nhấp với nhóm Operating Systems. Cánh tay phải của Elop, Jo Harlow, cũng tuyên bố ra đi.
Giờ đây, với sự ra đi của thêm 7.800 nhân viên mảng điện thoại nữa, Microsoft hầu như không còn lại gì của cái gọi là chút ADN Nokia như họ đã từng thâu tóm. Năm ngoái, Microsoft đã sa thải khoảng 12.500 nhân viên sau vụ mua lại thiết bị Nokia.
|
Rất có thể Microsoft vẫn tiếp tục ra smartphone nữa vào cuối năm nay. Nhưng chỉ khi những smartphone này cùng với hệ điều hành Windows 10 dành cho di động có thể đạt đến thị trường đại chúng trước đối thủ Android, iOS, nếu không, điện thoại thần thánh Nokia gần như đã hoàn toàn có số phận của Palm dưới tay HP.
Không chỉ Palm và HP, chúng ta có thể thấy một công ty nữa là Motorola cũng đã chịu chung số phận khi về dưới trướng Google. Motorola được Google mua lại, và sau đó đã bán lại cho Lenovo với mức giá lỗ. Lịch sử dường như đang hé lộ cho chúng ta thấy kết quả của câu chuyện Nokia-Microsoft sẽ như thế nào.
Bảo Bình. Theo ITCNew